Tin 24h ngày 22/10/2024
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại Nhà 67. |
Chủ tịch nước Lương Cường thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. |
Chủ tịch nước Lương Cường thăm Ao cá Bác Hồ trong khuôn viên Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch |
Thời tiết ngày 22/10: Không khí lạnh tăng cường, vùng núi Bắc Bộ trời rét
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 22/10, bộ phận không khí sẽ ảnh hưởng đến khu vực vùng núi phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Gió trong đất liền mạnh lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5.
Khu vực Bắc Bộ, Thanh Hoá và Nghệ An trời chuyển mát; từ đêm 23/10, đêm và sáng trời lạnh, riêng vùng núi Bắc Bộ đêm và sáng trời rét. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 19-21 độ C, vùng núi 17 - 19 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 16 độ C; ở Thanh Hoá - Nghệ An nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 20 - 23 độ C.
Chiều tối và đêm 22/10, ở Bắc Bộ và Thanh Hoá có mưa rào và dông rải rác. Từ đêm 22/10 đến ngày 23/10, ở khu vực từ Nghệ An đến Bình Định có mưa, mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến to và dông.Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Trên biển, từ đêm 22/10, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 - 9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 1,5 - 2,5 m. Ở khu vực Bắc Biển Đông gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 - 9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 2,5 - 4,5 m.
Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.
Ngày và đêm 23/10, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5 m. Ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, ngày có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh; sóng biển cao từ 1,5 - 2,5 m. Vùng biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực giữa Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2 - 3,5 m.
Bão TRAMI sẽ vào biển Đông vào ngày 25/10
Vị trí và đường đi của bão TRAMI. Ảnh: KTTV |
Bão TRAMI đang trên vùng biển phía Đông miền Trung Philippines, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 - 74 km/giờ), giật cấp 10. Dự báo, 13 giờ ngày 25/10, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15 km/giờ, đi vào Biển Đông.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, sáng sớm ngày 22/10, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Đông Philippin đã mạnh lên thành bão và có tên quốc tế là TRAMI.
Hồi 13 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 126,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 - 74 km/giờ), giật cấp 10. Di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ 15 - 20 km/giờ.
Dự báo, đến 13 giờ ngày 23/10, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 15 km/giờ, vị trí bão tại 16,7N-124,0E; trên vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines), cường độ bão mạnh cấp 9, giật cấp 11, vùng nguy hiểm Vĩ tuyến 14,0N-19,0N; phía Đông kinh tuyến 122,0E.
Đến 13 giờ ngày 24/10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15 - 20 km/giờ, vị trí bão tại 17,4N-120,4E; trên bờ biển phía Tây đảo Luzon (Philippines), cường độ bão mạnh cấp 10, giật cấp 12, vùng nguy hiểm Vĩ tuyến 15,0N-19,0N; phía Đông kinh tuyến 118,0E, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, khu vực chịu ảnh hưởng là phía Đông khu vực Bắc Biển Đông.
Dự báo, 13 giờ ngày 25/10, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15 km/giờ, đi vào Biển Đông, vị trí bão tại 17,6N-117,0E; trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hoàng Sa 550km về phía Đông, cường độ bão mạnh cấp 11, giật cấp 14, vùng nguy hiểm là vĩ tuyến 15,0N-20,0N; Phía Đông kinh tuyến 115,0E, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, khu vực chịu ảnh hưởng là phía Đông khu vực Bắc Biển Đông.
Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15 - 20 km, cường độ tiếp tục mạnh thêm.
Trên biển, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6 - 7. Từ sáng ngày 24/10 tăng lên cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 - 11, giật cấp 14, sóng biển cao 4 - 6 m, vùng gần tâm 6 - 8 m; biển động dữ dội.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Hải Dương: Cháy lớn tại nhà xưởng của Công ty Thành Phát T&T
Hiện trường vụ cháy. Ảnh: TTXVN phát |
Khoảng 20 giờ ngày 21/10, một vụ cháy đã xảy ra tại nhà xưởng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Thương mại Thành Phát T&T (Công ty Thành Phát T&T), xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Theo thông tin ban đầu, ngọn lửa bùng phát từ dãy nhà xưởng chứa các loại phế liệu của công ty này. Khi phát hiện cháy, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng chức năng, máy móc, phương tiện khẩn trương dập lửa. Tuy nhiên, do nhà xưởng của Công ty Thành Phát T&T chứa nhiều phế liệu như vải vụn, nhựa, da… cùng với thời tiết hanh khô đã khiến ngọn lửa bùng phát mạnh và cháy lan sang dãy nhà xưởng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công nghiệp Tân Cường Phong ở bên cạnh. Công ty Tân Cường Phong đang hoạt động sản xuất các sản phẩm từ nhựa và cao su…
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh Hải Dương) đã huy động nhiều xe chữa cháy và các cán bộ, chiến sỹ để khẩn trương khoanh vùng, khống chế ngọn lửa. Đến 21 giờ 30 phút, đám cháy vẫn chưa được dập tắt.
Được biết, khu xưởng của Công ty Thành Phát T&T có diện tích khoảng 5.000 m2. Trước đó, Công ty Thành Phát T&T đã bị các cơ quan chức năng huyện Kim Thành xử phạt do không đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy. Các cơ quan chức năng cũng đã đình chỉ hoạt động của Công ty Thành Phát T&T và yêu cầu di chuyển máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực nhà xưởng; còn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công nghiệp Tân Cường Phong đảm bảo đủ các điều kiện phòng cháy, chữa cháy và đang được phép hoạt động sản xuất.
Hiện đám cháy chưa gây thiệt hại về người.
Vàng miếng SJC sáng 22/10 tăng tiếp lên 89 triệu đồng/lượng
Giá vàng thế giới dừng đà tăng sau khi leo lên mức cao kỷ lục trong phiên giao dịch 21/10, tuy nhiên giá vàng miếng SJC trong nước sáng 22/10 tiếp tục tăng mạnh.
Cụ thể, tại thời điểm 9 giờ 10 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá vàng miếng SJC ở mức 87 - 89 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 87 - 89 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn DOJI ở ngưỡng 2 triệu đồng/lượng.
Tương tự với giá vàng miếng, giá vàng nhẫn tăng nhẹ. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 85,9 - 86,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng vàng nhẫn tại Tập đoàn DOJI ở ngưỡng 1 triệu đồng/lượng.
Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận công bố giá vàng nhẫn 85,8 - 86,75 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 200 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào tăng 150 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trên thị trường thế giới, giá vàng dừng đà tăng sau khi leo lên mức cao kỷ lục trong phiên giao dịch 21/10, do lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ và đồng USD tăng đã phần nào cản bước đà đi lên của kim loại quý này.
Vào lúc 0 giờ 35 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay gần như không đổi ở mức 2.723,25 USD/ounce, sau khi có thời điểm chạm mức cao kỷ lục 2.740,37 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tăng 0,3% lên 2.738,9 USD/ounce.
Ông Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao của công ty RJO Futures, cho biết lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đang tăng khá mạnh và đồng USD cũng mạnh lên, từ đó tạo áp lực lên giá vàng.
Giá vàng, vốn được coi là kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn chính trị và kinh tế, đã tăng hơn 32% kể từ đầu năm đến nay, liên tục phá vỡ các kỷ lục. Nguyên nhân là do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất cùng với nhu cầu trú ẩn an toàn.
Ông Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích của UBS, dự đoán vàng sẽ đạt 2.900 USD/ounce trong 12 tháng tới khi Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất. Các nhà giao dịch hiện dự đoán Fed có 85% khả năng sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 11.
Trường Đại học Hà Nội đang làm thủ tục thu hồi bằng cử nhân của ông Vương Tấn Việt
Ngay sau khi nhận được thông tin từ Bộ GD&ĐT, Trường Đại học Hà Nội đã tiến hành thủ tục thu hồi bằng cử nhân của ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang).
Sáng nay (22/10), TS Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội - cho biết nhà trường đang thực hiện thủ tục thu hồi bằng Cử nhân ngoại ngữ ngành tiếng Anh hệ đào tạo Từ xa đã cấp cho ông Vương Tấn Việt.
Trước đó, Bộ GD&ĐT thông tin về kết quả xử lí văn bằng của ông Vương Tấn Việt. Theo đó, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã xem xét quá trình đào tạo, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xác minh bằng cấp của ông Vương Tấn Việt theo quy trình kĩ lưỡng, cẩn trọng, đúng quy định của pháp luật.
Kết quả xác định ông Vương Tấn Việt đã sử dụng bằng cấp ba bổ túc văn hoá không hợp pháp và ông Vương Tấn Việt cũng đã thừa nhận việc này và tự nguyện giao nộp các văn bằng để xử lí theo quy định.
Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học liên quan khẩn trương thu hồi văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt theo quy định của pháp luật, đồng thời rà soát quy trình tổ chức đào tạo nhằm tránh xảy ra các trường hợp tương tự.
Thông tin trước đó cho biết, ông Vương Tấn Việt được cấp bằng cử nhân Ngôn ngữ Anh hệ đào tạo từ xa, Trường Đại học Hà Nội. Ông Việt cũng đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
Hành trình chấm dứt nuôi nhốt gấu tại Việt Nam
EVN trao tăng bằng khen cho lực lượng kiểm lâm. |
Ngày 22/10, sự kiện “Chấm dứt nuôi gấu tại Việt Nam - Hành trình sắp cán đích” đã được Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (EVN) tổ chức tại Hà Nội, nhìn lại chặng đường gần 20 năm nỗ lực chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam.
Năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) cùng Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (WAP) đã thực hiện chiến dịch lớn sau khi phát hiện khoảng 4.000 cá thể gấu bị nuôi nhốt. Khởi đầu với việc ban hành Quyết định 02/2005/QĐ-BNN yêu cầu tất cả các cá thể gấu nuôi nhốt phải được gắn chíp điện tử để phục vụ mục tiêu nhận dạng, theo dõi. Đến năm 2006, việc đăng ký và gắn chíp cho các cá thể gấu đã được hoàn tất.
Bên cạnh WAP, chiến dịch chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật còn nhận được sự tham gia tích cực từ các tổ chức khác như Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Tổ chức Động vật Châu Á (AAF), Four Paws và Free The Bears. Đồng hành trong công tác cứu hộ gấu, các tổ chức này hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật xử lý vi phạm về gấu, giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ mật gấu và kêu gọi các chủ gấu tự nguyện chuyển giao gấu đến các trung tâm cứu hộ.
Theo báo cáo, sau gần 20 năm nỗ lực, số lượng gấu nuôi nhốt đã giảm đến 95%. Từ 4.000 cá thể vào năm 2005 xuống còn 192 cá thể tính đến hết tháng 8/2024. Hiện có 46/63 tỉnh, thành phố không còn gấu bị nuôi nhốt lấy mật.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV cho biết, nhờ những nỗ lực bền bỉ của các cơ quan, đơn vị trong suốt 19 năm qua, điển hình như tỉnh Lâm Đồng, nơi có nhiều hộ nuôi nhốt gấu, đã thành công trong việc thuyết phục các chủ gấu chuyển giao. Hà Nội cũng là địa phương có số lượng gấu nuôi nhốt lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 49% tổng số gấu, nhưng đến nay, Hà Nội chỉ còn khoảng 94 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt, tập trung tại huyện Phúc Thọ.
Để thực hiện triệt để mục tiêu chấm dứt nuôi nhốt gấu, cơ quan chức năng các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến gấu. “EVN tin rằng, với quyết tâm cao, tất cả các tỉnh, thành phố đều thành công trong việc chấm dứt tình trạng này”, bà Hà khẳng định.
Sự kiện không chỉ là cột mốc đáng nhớ trong hành trình bảo vệ gấu, mà còn là lời kêu gọi mạnh mẽ đến các cơ quan chức năng và cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam.
TP Hồ Chí Minh: Bắt giam 17 đối tượng mua bán trái phép chất độc xyannua
Thời gian gần đây, Công an TP Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều vụ giết người, cướp tài sản hoặc tự tử có nguyên nhân từ việc mua bán trái phép chất xyanua.
Trước tình hình trên, Công an TP Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch “Tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn Thành phố”.
Qua hơn 1 tháng triển khai thực hiện, Công an Thành phố đã phát hiện, khởi tố 5 vụ án với 17 bị can về các tội “Mua bán, tàng trữ trái phép chất độc”; thu giữ hơn 9.400 kg xyanua, 315 kg axit sulfuric, 105 kg axit cholhidric cùng nhiều tang vật khác có liên quan; khẩn trương truy xét các đầu mối tiêu thụ xyanua tại 11 tỉnh, thành trên cả nước để thu hồi hơn 318,5 kg xyanua mua bán trái phép.
Theo Công an TP Hồ Chí Minh, từ nguồn tin của cơ quan báo chí, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Bình Thạnh phát hiện nhóm đối tượng lợi dụng vị trí công tác và sự quản lý lỏng lẻo của chủ doanh nghiệp để mua bán trái phép chất độc xyanua.
Cụ thể, bị can Ngô Thị Như Huệ (Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH hóa chất Nam Phương) đã lập khống hợp đồng mua bán với đối tác để “tuồn” chất độc xyanua ra ngoài, bán lại cho hàng chục khách hàng tại nhiều tỉnh, thành với tổng số lượng khoảng 2,55 tấn, thu lợi bất chính hơn 378 triệu đồng. Trong đó, bị can Nguyễn Đức Thành Huy sau khi mua xyanua từ bị can Ngô Thị Như Huệ đã tiếp tục bán lại cho khoảng 326 khách hàng tại 9 tỉnh, thành phố; thu lợi bất chính hơn 253 triệu đồng.
Ngày 12/9 vừa qua, Công an quận Bình Thạnh tiếp nhận tin báo về vụ việc 1 phụ nữ tử vong tại nhà, nghi vấn tự tử bằng chất độc xyanua. Công an Thành phố đã chỉ đạo Công an quận Bình Thạnh phối hợp Công an huyện Bình Chánh khẩn trương truy xét, làm rõ nguồn cung cấp xyanua trái phép nêu trên. Chỉ sau 1 ngày truy xét, các lực lượng đã phối hợp bắt giữ Phan Minh Trung (SN 1990, ngụ huyện Bình Chánh).
Mở rộng truy xét, Công an huyện Bình Chánh tiếp tục bắt giữ nhóm 3 đối tượng cung cấp xyanua trái phép cho Phan Minh Trung.
Về hành vi mua bán xyanua trái phép, Công an huyện Bình Chánh triệt phá đường dây mua bán trái phép chất xyanua với số lượng lớn, núp bóng các công ty kinh doanh hóa chất. Theo đó, Nguyễn Thành Tài (SN 1994, ngụ Quận 7) cấu kết cùng Hà Văn Việt (SN 1983, ngụ Quận 7), Khúc Văn Hiếu (SN 1988, ngụ quận Tân Phú) thành lập 3 pháp nhân được Bộ Công thương, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cấp “Giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp” để nhập khẩu, kinh doanh hóa chất xyanua.
Sau khi nhập khẩu xyanua theo giấy phép đã được cấp, các đối tượng đã thống nhất bán trái phép chất độc này cho khách hàng không có giấy phép kinh doanh hóa chất độc hại, đồng thời không lập phiếu kiểm soát mua bán hóa chất để tăng doanh thu cho công ty.
Trong quá trình khám xét khẩn cấp kho chứa hàng của các công ty do ba đối tượng này thành lập tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, lực lượng Công an đã phát hiện và thu giữ 3.950 kg xyanua. Qua điều tra ban đầu, xác định nhóm này đã bán trái phép hơn 400 kg xyanua cho bốn khách hàng tại TP Hồ Chí Minh, thu lợi bất chính 40 triệu đồng và thu hồi được hơn 27 kg xyanua đã bán ra thị trường.
Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan để triển khai kế hoạch tổng rà soát, kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các đối tượng nghi vấn mua bán hóa chất độc hại trên địa bàn. Đặc biệt, trọng tâm kiểm tra được đặt tại Quận 5, nơi tập trung nhiều cơ sở xi mạ, chế tác kim loại và kinh doanh hóa chất, trong đó có chợ hóa chất Kim Biên.
Ngày 25/9, Công an Thành phố đã thành lập bảy tổ công tác, đồng loạt kiểm tra 21 cơ sở kinh doanh hóa chất quanh khu vực chợ Kim Biên (Quận 5). Qua đó, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ 433 chai nhựa chứa dung dịch hóa chất xyanua, 179 kg xyanua, cùng tám hũ hóa chất Potassium Gold Cyanide 62,8% (kali vàng xyanua). Ban đầu, đã xác định các vi phạm liên quan đến kinh doanh hóa chất không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp.
Từ kết quả kiểm tra, Công an Quận 5 đã củng cố hồ sơ và khởi tố ba vụ án “Tàng trữ, mua bán trái phép chất độc” tại Chi nhánh Công ty TNHH Tiến Phát, hộ kinh doanh xi mạ Điệp Xi và hộ kinh doanh Ngân Lợi. Đồng thời, đã khởi tố sáu bị can với tội danh “Tàng trữ, mua bán trái phép chất độc” theo quy định tại Điều 311 Bộ luật Hình sự.
Những vấn đề đáng lưu ý về hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nga
Biểu tượng Nhóm BRICS cùng quốc kỳ các nước thành viên và các nước được mời gia nhập nhóm. Ảnh: IRNA/TTXVN |
Với sự tham gia của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, BRICS đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc định hình tương lai toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những biến động và thách thức lớn.
Theo hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 21/10, hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra tại Kazan (Nga) từ ngày 22 đến 24/10 được kỳ vọng sẽ trở thành một sự kiện quan trọng trên trường quốc tế. Đây không chỉ là dịp để các thành viên của khối thảo luận về các vấn đề quan trọng của khu vực và thế giới mà còn đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình mở rộng và củng cố tầm ảnh hưởng của tổ chức này. Trước tình hình bất ổn toàn cầu, những thách thức kinh tế và địa chính trị sẽ là trọng tâm của chương trình nghị sự.
Những chủ đề chính trong chương trình nghị sự:
Tại hội nghị lần này, hợp tác kinh tế, các hiệp định thương mại và những thách thức mà các thành viên BRICS phải đối mặt sẽ đứng đầu chương trình nghị sự. Các nhà lãnh đạo BRICS và đối tác sẽ thảo luận về các giải pháp tăng cường hợp tác để đối phó với căng thẳng địa chính trị và thách thức kinh tế toàn cầu, trong khi biến đổi khí hậu cũng là một mối quan tâm không thể bỏ qua.
Nga, với vai trò là nước chủ nhà, có thể sẽ tập trung vào việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, nhằm xây dựng một hệ thống quản trị toàn cầu không phụ thuộc vào phương Tây. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cũng chia sẻ quan điểm này khi ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hội nghị thúc đẩy một hệ thống kinh tế và an ninh toàn cầu công bằng hơn. Dù không thể tham dự trực tiếp do lý do sức khỏe, ông Lula sẽ tham gia hội nghị dưới hình thức trực tuyến.
Bên cạnh đó, hội nghị này cũng là cơ hội để các nước thành viên BRICS thảo luận về những vấn đề toàn cầu như cuộc khủng hoảng tại Trung Đông và chiến lược phát triển lâu dài của khối, đặc biệt là sau khi BRICS đã mở rộng và chấp nhận thêm thành viên mới.
Sự kiện quan trọng nhất tại hội nghị này có lẽ là quá trình mở rộng BRICS, khi khối đã quyết định mời thêm một số quốc gia như Ai Cập, Iran và Saudi Arabia tham gia. Sự tham gia của các quốc gia này đánh dấu một bước chuyển mình của BRICS, mở rộng tầm ảnh hưởng sang các khu vực mới như Trung Đông và Bắc Phi.
Mặc dù Argentina đã rút khỏi danh sách thành viên mới sau khi Tổng thống Javier Milei, người có quan điểm thân phương Tây, đắc cử, các quốc gia khác như Ethiopia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia đã thể hiện sự quyết tâm tham gia. Saudi Arabia đã chính thức công bố kế hoạch gia nhập vào tháng 8/2023 và quá trình chính thức hóa tư cách thành viên bắt đầu từ tháng 1/2024.
Hiện có đến 34 quốc gia đang mong muốn tham gia hoặc hợp tác với BRICS dưới các hình thức khác nhau, trong đó có các quốc gia từ châu Phi, châu Á, và cả châu Mỹ Latinh. Điều này thể hiện sự hấp dẫn của BRICS đối với các quốc gia đang phát triển, khi khối này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình hệ thống kinh tế toàn cầu.
Một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng lớn đến sự thống nhất của BRICS là mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Hai quốc gia này, dù là thành viên quan trọng của khối, vẫn tồn tại nhiều vấn đề tranh cãi, đặc biệt là trong vấn đề biên giới. Tranh chấp biên giới tại khu vực Ladakh đã dẫn đến căng thẳng leo thang trong những năm gần đây, đặc biệt là sau cuộc đụng độ vào năm 2020. Ngoài ra, cả hai nước còn cạnh tranh về ảnh hưởng ở khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương, trong đó Ấn Độ luôn cảnh giác với sự mở rộng của Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Bên cạnh đó, mối lo ngại của Ấn Độ về thâm hụt thương mại với Trung Quốc và sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng như điện tử và dược phẩm cũng là một yếu tố gây lo ngại. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã nhấn mạnh rằng BRICS là một nền tảng tốt để Trung Quốc và Ấn Độ giải quyết các vấn đề của mình thông qua đối thoại và hợp tác. Điều này cho thấy rằng, dù tồn tại nhiều bất đồng, cả hai quốc gia vẫn cam kết hợp tác trong khuôn khổ BRICS để đối phó với những thách thức chung.
Tương lai của BRICS và vai trò của Nga:
Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan được coi là một cơ hội quan trọng để Nga thể hiện vai trò trong khối và củng cố mối quan hệ với các quốc gia đang phát triển. Trong bối cảnh bị cô lập bởi phương Tây liên quan đến xung đột ở Ukraine, Nga đang coi BRICS như một nền tảng để thúc đẩy quan hệ đa phương và khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.
Sự mở rộng của BRICS cũng là cơ hội để khối này trở thành một đối trọng thực sự với các liên minh kinh tế và chính trị phương Tây, đồng thời định hình lại cấu trúc quản trị toàn cầu theo hướng đa cực. Với sự tham gia của các quốc gia mới, BRICS không chỉ là một khối kinh tế mà còn là một nền tảng cho sự hợp tác chính trị và an ninh quốc tế.
Nhìn chung, hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này không chỉ tập trung vào hợp tác kinh tế mà còn thảo luận về các vấn đề toàn cầu quan trọng. Sự kiện này có thể đánh dấu một bước ngoặt mới cho BRICS trong việc khẳng định vị thế của mình trên bản đồ quốc tế. Với sự tham gia của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, BRICS đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc định hình tương lai toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những biến động và thách thức lớn./.