Facebook Zalo youtube Tiktok

Tin 24h ngày 20/10/2024

Việt Nam
Phụ nữ Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò của mình trong xây dựng và phát triển đất nước.
aa

Phụ nữ Việt Nam chủ động, sáng tạo, tự tin tỏa sáng trong thời đại mới

Chú thích ảnh
Đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam lên máy bay tiễn các nữ sĩ quan lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan và khu vực Abyei (24/9/2024). Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Không chỉ giỏi việc nước, đảm việc nhà, phụ nữ Việt Nam còn là người giữ lửa trong gia đình, đồng thời có những đóng góp tích cực trên các lĩnh vực, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước, xứng đáng với danh hiệu 8 chữ vàng: Trung hậu - Đảm đang - Tài năng - Anh hùng được Đảng và Nhà nước trao tặng.

Với hành trang mang trong mình truyền thống tốt đẹp, vẻ vang từ ngàn đời nay, phụ nữ Việt Nam hôm nay luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, "giỏi việc nước, đảm việc nhà", vừa là hậu phương vững chắc, chăm lo cuộc sống của từng gia đình, vừa thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng, xã hội, vừa tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào của đất nước, đều có sự hiện diện và vai trò to lớn, đóng góp bền bỉ, không mệt mỏi của chị em phụ nữ”.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định: Tiếp nhận hiện vật lịch sử của nữ biệt động 'huyền thoại'.

Sáng 20/10, tại tư gia bà Nguyễn Thị Mai (1943-2024) - nữ chiến sỹ biệt động Sài Gòn - Gia Định của đơn vị biệt động 90C (phường 11, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh), Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định trang trọng tổ chức lễ tiếp nhận hiện vật lịch sử là khẩu súng K54 do Anh hùng lực lượng vũ trang, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam tặng bà Nguyễn Thị Mai tại Hội nghị Chiến sỹ Thi đua toàn Miền năm 1967.

Chú thích ảnh
Tiếp nhận hiện vật lịch sử do thân nhân cố chiến sỹ biệt động Nguyễn Thị Mai trao tặng.

Nữ biệt động Nguyễn Thị Mai, với biệt danh “con thoi sắt” đã trở thành một huyền thoại của lực lượng biệt động thành Sài Gòn - Gia Định khi mưu trí, dũng cảm vượt qua mọi hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ liên lạc, đưa cán bộ, chiến sỹ và vận chuyển tài liệu, vũ khí từ Hóc Môn, Củ Chi vào nội thành Sài Gòn trong những năm 60 của thế kỷ trước. Bà cũng là người trực tiếp tham gia nhiều trận chiến oanh liệt rạng danh những chiến sỹ biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bà cũng đã từng 3 lần bị định bắt. Cùng với đồng đội trong đội biệt động 90C, nữ biệt động anh hùng Nguyễn Thị Mai đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Cuối năm 1967, bà Nguyễn Thị Mai vinh dự được bầu chọn tham dự Hội nghị chiến sĩ thi đua toàn Miền và đã được Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Định tặng khẩu súng K54 như một lời khen tặng cho những chiến công của người nữ chiến sỹ biệt động 90C.

Sau khi tiếp nhận khẩu súng K54 do gia đình bà Nguyễn Thị Mai trao tặng, ông Trần Vũ Bình - người sáng lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (con trai cố Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Lai) cho biết: “Chúng tôi rất xúc động khi đúng vào kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam đã tiếp nhận một hiện vật lịch sử rất có giá trị, đó là khẩu súng do một nữ Thiếu tướng Anh hùng huyền thoại trao tặng cho một nữ chiến sỹ biệt động thành”.

Trân trọng cảm ơn gia đình bà Nguyễn Thị Mai sau hơn 50 năm gìn giữ kỷ vật đã trao lại cho Bảo tàng, ông Trần Vũ Bình cho biết, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định cam kết sẽ tiếp tục gìn giữ, bảo quản và phát huy thật tốt hiện vật lịch sử này, đưa giá trị lịch sử của nó đi vào đời sống, mang đến cho người xem trong và ngoài nước, nhất là thế hệ trẻ thấu hiểu ý chí kiên cường, dũng cảm và những chiến công oanh liệt của các thế hệ đi trước trong cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, từ đó vun đắp niềm tự hào và ý chí phấn đấu trong cuộc sống để xứng đáng với những hy sinh to lớn của các bậc cha anh đã mang lại cuộc sống hòa bình, hạnh phúc ngày hôm nay.

Ngày 27/8/2023, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đặt tại 145 đường Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Lai, chính thức nhận quyết định trở thành bảo tàng ngoài công lập của Thành phố Hồ Chí Minh. Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định hiện là bảo tàng duy nhất về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Nơi đây lưu giữ một số bộ sưu tập, hiện vật lịch sử gắn liền với quá trình hoạt động của lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong những năm qua, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định là điểm đến văn hóa lịch sử được yêu thích của người dân, du khách khi đến với Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là các bạn trẻ và du khách nước ngoài quan tâm tới lực lượng biệt động thành Sài Gòn - Gia Định với những chiến công đã trở thành huyền thoại của lực lượng này trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân miền Nam Việt Nam.

Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang được thăng quân hàm Đại tướng

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương chúc mừng các đồng chí được thăng quân hàm. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Chiều 20/10/2024, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh các lực lượng vũ trang chủ trì Lễ trao Quyết định thăng cấp bậc hàm Đại tướng đối với Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; thăng quân hàm Đại tướng đối với Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; thăng quân hàm Thượng tướng đối với Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Quảng Nam: Điều tra vụ đấu giá mỏ cát mở thầu 1,2 tỷ đồng kết quả lên hơn 370 tỷ đồng

Chiều 19/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đã ký công văn giao các cơ quan chức năng và thị xã Điện Bàn kiểm tra dấu hiệu bất thường đối với trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ cát ký hiệu ĐB2B, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi Trường tỉnh Quảng Nam, sáng 18/10, tại Hội trường UBND thị xã Điện Bàn, Công ty Cổ phần Đấu giá hợp danh Hòa Thuận (đơn vị được Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Điện Bàn thuê thực hiện đấu giá) đã tổ chức cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ ký hiệu ĐB2B, xã Điện Thọ. Kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ này có yếu tố bất thường với giá trả cao gấp rất nhiều lần so với giá khởi điểm và giá vật liệu xây dựng được cơ quan chức năng công bố, có dấu hiệu thao túng thị trường để trục lợi, đẩy giá vật liệu cát xây dựng lên cao, tác động xấu đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội.

Để kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh kịp thời tình trạng nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, các ngành chức năng liên quan và UBND thị xã Điện Bàn kiểm tra, rà soát lại hồ sơ, quy trình, thủ tục liên quan đến việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với điểm mỏ ĐB2B; trong đó có vấn đề về năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu của đơn vị tham gia đấu giá quy định tại Điều 53 Luật Khoáng sản năm 2010 và những bất cập trong việc thực hiện quy trình, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục kịp thời và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 cho phù hợp.

Ông Lê Văn Dũng giao Công an tỉnh Quảng Nam chỉ đạo điều tra, xác minh, làm rõ động cơ, mục đích của việc trả giá cao bất thường tại phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ cát ký hiệu ĐB2B; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường để trục lợi. Không để xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu, đấy giá cao làm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Trong thời gian chờ các ngành chức năng kiểm tra, xử lý, UBND thị xã Điện Bàn tạm thời chưa ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ ĐB2B.

Được biết, khu vực khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường ĐB2B có diện tích 6,04ha, tài nguyên dự kiến 59.000m3 cát, giá khởi điểm R = 5% (khu vực này chưa thăm dò khoáng sản nên giá khởi điểm phiên đấu giá được xác định bằng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R) quy định tại Phụ lục I Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ).

Ngày 18/10, tại Hội trường UBND thị xã Điện Bàn đã diễn ra cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản điểm mỏ ĐB2B. Cuộc đấu giá kết thúc vào lúc 4 giờ 10 phút sáng 19/10, trải qua 200 vòng đấu, đơn vị trúng đấu giá là Công ty Cổ phần MT Quảng Đà (có trụ sở tại thành phố Đà Nẵng) với giá trúng đấu giá là 1.534,6 %R, tương đương với tiền trúng đấu giá tạm tính theo trữ lượng dự tính 159.000m3 là hơn 370,5 tỷ đồng (tăng so với giá khởi điểm gần 369,4 tỷ đồng).

Đấu giá 27 thửa đất tại Hà Đông (Hà Nội): Giá trúng cao nhất đến 260 triệu đồng/m2

Chú thích ảnh
Hà Đông là quận có diện tích lớn nhất trong số các quận của Hà Nội. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Ngày 20/10, theo tin từ UBND quận Hà Đông (Hà Nội), ngày 19/10, quận đã tổ chức đấu giá thành công 27 thửa đất tại các phường Phú Lương, Yên Nghĩa, Dương Nội.

Đáng chú ý, có 1 thửa góc 2 mặt tiền 57,5m2 tại khu Đống Đanh - Đồng Cộc, phường Phú Lương phải qua 14 vòng trả giá (đến 23h cùng ngày) mới xác định được người trúng giá cao nhất lên đến 260 triệu đồng/m2 (tổng giá trị thửa đất 15 tỷ đồng), cao gấp 8 lần so với giá khởi điểm là 32.216.000 đồng/m2.

Cụ thể, 17 thửa đất tại khu Hạ Khâu, phường Phú Lương đều có diện tích 62,5m2, giá khởi điểm 26.448.000 đồng/1m2. Người trúng giá cao nhất 166 triệu đồng/m2 (tổng giá trị 10,4 tỷ đồng), gấp hơn 6 lần mức khởi điểm; giá trúng thấp nhất 146 triệu đồng/m2.

Khu Dược (X7) phường Dương Nội có 06 thửa đất đấu giá, diện tích từ 48,7 - 66,8m2, giá khởi điểm 22.791.000 đồng/m2. Kết quả, giá trúng cao nhất gần 183 triệu đồng/m2, tăng gấp 8 lần so với khởi điểm. Thửa đất trúng thấp nhất cũng chênh 5,8 lần, đạt 133 triệu đồng/m2….

Theo phản ánh của một số người dân tham gia phiên đấu giá này, sau hiện tượng trúng giá cao bất thường, gấp gần 20 chục lần giá khởi điểm tại một số phiên đấu giá vùng ven Hà Nội, không ít địa phương phải dừng đấu giá để rà soát điều kiện pháp lý theo yêu cầu chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Do vậy, gần đây, các phiên đấu giá đất đã giảm nhiệt về cả số lượng người tham gia và giá trúng.

Đơn cử, tại Phiên đấu giá 27 lô đất huyện Phúc Thọ, có 25 lô được đấu giá thành công với giá trúng cao nhất gần 26 triệu đồng/m2, chênh 30% so với giá khởi điểm; 2 lô đấu giá không thành công. Tuy nhiên, với kết quả đấu giá tại quận Hà Đông, nhiều lô đất ở đây cũng bị "đẩy" lên quá cao so với mặt bằng khu vực. Vì vậy, sau hơn nửa ngày tham gia đấu giá, nhiều nhà đầu tư đã bỏ cuộc.

Đại diện UBND quận Hà Đông cho biết: Phiên đấu giá 27 thửa đất tại các khu: Hạ Khâu, Đồng Đanh - Đồng Cộc, Đồng Bo - Đồng Chúc - Cửa Cầu - Đồng Men (khu B), phường Phú Lương; sau Chùa (X8) phường Yên Nghĩa, khu Dược (X7), phường Dương Nội, thu hút hơn 200 nhà đầu tư . Với hình thức bỏ phiếu nhiều vòng, nhà đầu tư phải tham gia tối thiểu 5 - 11vòng, bước giá 10 triệu đồng/m2.

Các thửa đất có diện tích từ 49-72 m2, giá khởi điểm 22,8 - 32,2 triệu đồng/m2, tương đương khoản đặt cọc từ 222 đến 436 triệu đồng/thửa. Theo đơn vị tổ chức đấu giá, người trúng giá phải nộp tiền chậm nhất 30 ngày từ khi trúng đấu giá. Nếu không nộp tiền đúng hạn có thể mất tiền đặt cọc và quyền sở hữu đất.

Liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản thống nhất về nguyên tắc không công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán tại khu đất 1,48 ha phường Cổ Nhuế 2 và phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, được tổ chức ngày 18/11/2023. Lý do được UBND thành phố Hà Nội xác định là do UBND quận Bắc Từ Liêm chưa thực hiện đúng quy trình, quy định trong quá trình triển khai đấu giá khu đất 1,48 ha.

Được biết, khu đất đấu giá này có hơn 9.660m2 xây dựng nhà ở liền kề tại các lô có ký hiệu A1, A2, B1, B2 và B3. Theo quy hoạch 1/500 được phê duyệt, mật độ xây dựng khu đất này là 51%, tầng cao công trình 5 tầng, hệ số sử dụng đất 2,6 lần. Các lô đất có giá khởi điểm là 112,4 triệu đồng/m2; hình thức đấu giá theo phương thức trả giá lên với bước giá là 300.000 đồng/m2.

Theo quy định, tổ chức trúng đấu giá quyền sử dụng đất sẽ được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng 50 năm kể từ ngày phê duyệt kết quả trúng đấu giá; người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng ổn định, lâu dài.

Ông Prabowo Subianto nhậm chức Tổng thống Indonesia

Chú thích ảnh
Tổng thống Prabowo Subianto tuyên thệ tại lễ nhậm chức. Ảnh: TTXVN phát

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 20/10, ông Prabowo Subianto chính thức trở thành Tổng thống của Indonesia và ông Gibran Rakabuming Raka trở thành Phó Tổng thống.

Buổi lễ nhậm chức diễn ra tại Tòa nhà Nusantara, Khu phức hợp Nghị viện Senayan, Jakarta. Trên 30 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo cấp cao các nước đã tham dự buổi lễ quan trọng đánh dấu sự chuyển giao quyền lực lãnh đạo đất nước Indonesia. Đoàn Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dẫn đầu tham dự buổi lễ.

Sau tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Đại biểu Nhân dân (MPR) ông Ahmad Muzani, Tổng thống Prabowo Subianto và Phó Tổng thống Gibran Rakabuming Raka đã đọc lời tuyên thệ nhậm chức, khẳng định sẽ thực hiện các nghĩa vụ của Tổng thống và Phó Tổng thống một cách tốt nhất và công bằng nhất, bảo vệ Hiến pháp và thực thi pháp luật một cách trung thực nhất để phụng sự đất nước.

Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Tổng thống, ông Prabowo cho biết Indonesia sẽ phải đối mặt với những thách thức và mối đe dọa trong tương lai, trong bối cảnh thế giới năng động và biến động không ngừng. Ông cho biết sẽ ưu tiên lợi ích của người dân, kể cả những người không bỏ phiếu cho ông. Ông Prabowo kêu gọi người dân đoàn kết vì một đất nước Indonesia tiên tiến; lưu ý lịch sử đất nước Indonesia đã phát triển từ chỗ khó khăn, nghèo nàn. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta không nên chỉ biết ước mơ về một Indonesia Vàng mà hãy cùng nhau hành động, cùng nhau biến giấc mơ phát triển thành hiện thực. Người dân Indonesia là một, đất nước Indonesia là một, cùng chung sức mạnh và tinh thần dân tộc". Ông cam kết sự lãnh đạo của Chính phủ Indonesia “không phải vì bất cứ cá nhân hay nhóm người nào, mà tất cả đều phải hướng tới người dân, vì lợi lích cao nhất của đất nước”. Indonesia đã triển khai khoảng 100.000 nhân viên cảnh sát và quân đội để đảm bảo an ninh tối đa cho dịp này, bao gồm cả các đơn vị bắn tỉa và các đơn vị chống bạo động, máy bay không người lái, máy bay trực thăng…

Ông Prabowo Subianto là một chính trị gia và cựu tướng quân đội. Sau khi rời quân đội, ông chuyển sang lĩnh vực kinh doanh và chính trị. Ông sinh năm 1951, trong một gia đình có truyền thống chính trị và quân sự: Ông nội là người sáng lập Ngân hàng Negara Indonesia và cha ông từng là bộ trưởng dưới thời các tổng thống Sukarno và Suharto.

Ông là người sáng lập và lãnh đạo đảng Công lý Thịnh vượng (Gerindra). Ông Prabowo đã tranh cử tổng thống 3 lần, vào các năm 2014, 2019, 2024 và cuối cùng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay với 58% số phiếu bầu.

Ông Prabowo là người theo đuổi chính sách đối ngoại trung lập và cam kết duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược với cả Trung Quốc và Mỹ. Ông được dự đoán là sẽ chủ động, thực dụng và táo bạo hơn trong hoạt động ngoại giao để theo đuổi lợi ích của Indonesia. Chiến dịch tranh cử của ông gây ấn tượng với các chương trình xã hội như cung cấp bữa ăn dinh dưỡng miễn phí cho học sinh và các biện pháp hỗ trợ nông dân.

Buổi lễ nhậm chức không chỉ đơn thuần là chính thức công nhận vị tổng thống thứ 8 của Indonesia mà còn là biểu tượng mạnh mẽ cho sự tiếp nối của nền dân chủ ở quốc gia này. Câu chuyện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo phúc lợi tốt hơn cho người dân vẫn là những thách thức lớn và không mới đối với tân Tổng thống của "quốc gia vạn đảo". Và người dân Indonesia đang đặt niềm hy vọng vào một giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Dự kiến, danh sách Nội các mới của Indonesia sẽ được công bố vào tối cùng ngày.

Okapi - Con vật kỳ lạ, bề ngoài giống hươu cao cổ và ngựa vằn

Tin 24h ngày 20/10/2024
Vẻ ngoài của okapi giống ngựa vằn nhưng có họ hàng với hươu cao cổ. (Nguồn: Twitter)

Okapi - Loài vật này giống như một sự kết hợp đầy ngẫu hứng của tự nhiên giữa ngựa vằn và hươu cao cổ nên được gọi là hươu cao cổ rừng, hươu cao cổ Congo hoặc hươu cao cổ ngựa vằn.

Theo một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên tạp chí Royal Society Open Science, tổ tiên của loài này được gọi là Canthumeryx, và có sở hữu nét đặc trưng là một chiếc cổ thon dài, đã sống cách đây khoảng 16 triệu năm.

Sau Canthumeryx, cây gia phả tách thành hai nhánh, với tổ tiên của hươu cao cổ ở một bên và tiền thân của okapi ở phía đối diện.

Trong khi tổ tiên hươu cao cổ có chiếc cổ dài ra theo thời gian, thì các loài ở nhánh của okapi lại phát triển với chiếc cổ ngắn hơn.

Tuy nhiên, phải mãi đến đầu những năm 1900, thân thế của loài này mới được đưa ra ánh sáng. Trước đó, nhiều nước phương Tây đã tin rằng okapi là một con thú xuất hiện từ trong thần thoại, mệnh danh là "kỳ lân châu Phi".

Tới nay, okapi được coi là loài đặc hữu của các khu rừng nhiệt đới thuộc CHDC Congo, có độ cao từ 500 - 1.500 m so với mực nước biển.

Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã phân loại okapi là loài nguy cấp. Các mối đe dọa chính bao gồm mất môi trường sống do nạn khai thác gỗ và định cư của con người./.

Thainguyentv.vn

Tin mới hơn

Tin 24h ngày 21/11/2024

* Giá xăng giảm tiếp lần 2 trong tháng 11 Từ 15h hôm nay (21/11), giá xăng dầu trong nước tiếp tục giảm so với tuần trước nhưng mức giảm không cao.

Tin 24h ngày 20/11/2024

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, nhà giáo vốn là những người sống trách nhiệm, bao dung, vị tha, do vậy, sẽ không chấp nhận sống giàu có, sung sướng, mà bên cạnh là những người nghèo khổ hơn.

Tin 24h ngày 19/11/2024

Thái Nguyên đào tạo nhân lực công nghiệp bán dẫn, AI

Tin 24h ngày 18/11/2024

Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến công tác Brazil, tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Rio de Janeiro, ngày 17/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Brazil, Luiz Inácio Lula da Silva.

Điểm sự kiện từ ngày 11/11 đến ngày 17/11/2024

Từ ngày 11/11 đến ngày 17/11/2024, Thainguyentv.vn đã đăng tải đậm nét nhiều tin tức, sự kiện trên các lĩnh vực: Chính trị - Kinh tế - Văn hóa - Xã hội... diễn ra trên thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Mời quý độc giả cùng chúng tôi điểm lại nội dung chính của những sự kiện đã đăng tải trong tuần.

Tin bài khác

Tin 24h ngày 17/11/2024

Tin 24h ngày 17/11/2024

Siêu bão Man-yi “đe dọa tính mạng” tiếp tục hoạt động dữ dội ở Philippines.
Tin 24h ngày 16/11/2024

Tin 24h ngày 16/11/2024

* Thời tiết ngày 16/11: Xuất hiện hai cơn bão gần biển Đông
Tin 24h ngày 15/11/2024

Tin 24h ngày 15/11/2024

* Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD-ĐT sớm công bố môn thi thứ 3 vào lớp 10 Phó Thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát kỹ, hoàn thiện, ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên làm việc với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải (Trung Quốc)

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên làm việc với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải (Trung Quốc)

Tiếp tục chương trình làm việc tại Trung Quốc, chiều 13/11, Đoàn công tác tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Đỗ Đức Công, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm Trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải, đây là một trong 6 cơ quan đại diện của Việt Nam đặt tại Trung Quốc.
Giám sát việc thực hiện Dự án thuộc Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Giám sát việc thực hiện Dự án thuộc Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Ngày 14/11, Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh đã giám sát việc thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tại Ban Dân tộc tỉnh.
Xem thêm

Đọc nhiều

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Có rất nhiều cách luận biển số tại Việt Nam, trong đó dựa trên phát âm và giá trị là hai cách phổ biến nhất. Quan niệm xấu, đẹp về biển số tại Việt Nam có ...
Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Vì sinh mệnh chính trị của Đảng, vì sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, các cấp ủy đảng từ Trung ương ...
[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

Trong 3 ngày qua, Thái Nguyên phát hiện 11 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, gồm 3 trường hợp tại huyện Đồng Hỷ (ngày 31/10, cách ly từ khi trở về Thái Nguyên), 8 trường ...
Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra,cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ ...
Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên công bố 99 ca nhiễm Covid-19 mới, cập nhật sáng 30/11. Tổng số ca mắc Covid-19 lũy tích từ 01/01/2021 đến nay: 410 ca
Xem trên
[Megastory] Thái Nguyên: Triển vọng từ mô hình chăn nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung  nguyên liệu chè xanh

[Megastory] Thái Nguyên: Triển vọng từ mô hình chăn nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh

Với mong muốn phát triển một sản phẩm chăn nuôi mang thương hiệu của ngành nông nghiệp địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Đề tài Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi lợn ...
[Megastory] Ký ức Lễ trình quốc thư đầu tiên

[Megastory] Ký ức Lễ trình quốc thư đầu tiên

70 năm đã trôi qua, ký ức về những ngày chuẩn bị tiếp quản thủ đô vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử trên ATK Đại Từ, Thái Nguyên. Một sự kiện ngoại giao quan ...
[Infographic] Nhìn lại công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

[Infographic] Nhìn lại công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã đi qua để lại hậu quả thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân các tỉnh miền Bắc nói chung và tỉnh Thái ...
[Infographic] Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên 9 tháng năm 2024

[Infographic] Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên 9 tháng năm 2024

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên trong 9 tháng năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, tiếp ...
[Photo] Mùa lúa ở Bản Tèn

[Photo] Mùa lúa ở Bản Tèn

Cảnh sắc Bản Tèn vào mùa lúa chín luôn là điều gì đó khiến nhiều người nhất định phải chinh phục trong hành trình du lịch vùng cao. Vẻ đẹp thơ mộng, bình yên của ...
Tự hào cờ đỏ sao vàng

Tự hào cờ đỏ sao vàng

Lá cờ nền đỏ với ngôi sao vàng 5 cánh luôn gắn liền với những sự kiện lịch sử hào hùng, là động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân ta phấn đấu, ...
[Infographic] Thái Nguyên: Khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên

[Infographic] Thái Nguyên: Khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên

UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 1908/QĐ-UBND về việc ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ...