Facebook Zalo youtube Tiktok

Tin 24h ngày 14/10/2024

Việt Nam
Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường, chiều tối 13/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường cùng thưởng lãm tranh Đông Hồ và tham quan trưng bày các sản phẩm nông nghiệp đặc sắc Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
aa

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Trung Quốc trải nghiệm in tranh Đông Hồ

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cùng làm tranh dân gian Đông Hồ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trong làn điệu đằm thắm, mượt mà của bài hát “Mời nước mời trầu” dân ca quan họ Bắc Ninh, hai Thủ tướng thưởng lãm các bước làm tranh Đông Hồ truyền thống của Việt Nam do các nghệ nhân Đông Hồ trình diễn.

Sau khi chứng kiến và tìm hiểu thêm về kỹ thuật in tranh; ý nghĩa, giá trị nghệ thuật của tranh Đông Hồ, hai Thủ tướng trực tiếp trải nghiệm in tranh theo cách của các nghệ nhân Đông Hồ đã trình diễn, với bức tranh “Cưỡi trâu thổi sáo”, một trong những khung cảnh đặc trưng, truyền thống, mô tả cảnh thanh bình của miền quê Việt Nam.

Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ là dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ ở phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trước đây, tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới.

Với giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; đang được tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học cho để đệ trình UNESCO đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể.

Sau khi thưởng lãm tranh Đông Hồ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường tham quan trưng bày một số sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc như: yến sào, sầu riêng, dừa tươi, chuối, cà phê, sữa… Đây là những sản phẩm tiêu biểu trong 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc luôn được xác định là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn và quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc đạt 9,26 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,4 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu của rau quả Việt Nam trong 9 tháng qua. Mặc dù vậy, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sang Trung Quốc còn nhiều dư địa.

Ngay tại hội đàm trong sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường cho nông sản chất lượng cao của Việt Nam như hoa quả có múi, bưởi, bơ, na, roi, dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, thịt trâu, thịt bò, thịt lợn, sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm, tôm hùm bông nuôi trồng của Việt Nam. Thủ tướng Lý Cường cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông thủy sản, hoa quả chất lượng cao của Việt Nam.

Thời tiết ngày 14/10: Đông Bắc Bộ nhiều mây, có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù nhẹ rải rác

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều và đêm 14/10, ở khu vực Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, cục bộ có nơi trên 70 mm.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc

Trên biển, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa), vùng biển từ Thừa Thiên Huế đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.

Ngoài ra, ngày 14/10, vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2 - 3 m.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động ở các khu vực trên đều có nguy cơ chịu tác động của lốc xoáy và gió giật mạnh.

Điện thoại công nghệ 2G sẽ bị 'vô hiệu hóa' vào ngày 15/10

Sau 1 lần bị lùi thời gian do ảnh hưởng từ bão số 3, kế hoạch sẽ tắt sóng 2G chính thức được thực hiện vào ngày 15/10.

Chỉ còn 1 ngày nữa, những chiếc điện thoại dùng sóng 2G chính thức "hết hạn", sau thời điểm 15/10 những dòng điện thoại này sẽ không thể liên lạc.

Theo Bộ Thông tin & Truyền thông, thời điểm hiện tại cả nước còn 700.000 thuê bao 2G Only đang hoạt động, chiếm dưới 1% tổng số thuê bao hòa mạng.

Số lượng thuê bao 2G Only đang hoạt động của từng nhà mạng như sau: Viettel 360.000, VinaPhone 150.000, MobiFone 47.919, Vietnamobile 17.000, ASIM 5.000, VNSKY vài nghìn, Mobicast 423. Hầu hết các khách hàng này đều sống ở vùng sâu, vùng xa, thường là người cao tuổi, ít có nhu cầu sử dụng dịch vụ.

Mạng truyền sóng 2G là công nghệ di động được phát triển ở Việt Nam từ năm 1993. Trong những năm qua, các lỗ hổng bảo mật của mạng 2G đã và đang bị tội phạm mạng khai thác ngày càng nhiều, đặc biệt là tình trạng phát tán tin nhắn rác và lừa đảo qua tin nhắn.

Không chỉ vậy, 2G cũng là nguyên nhân cản trở việc triển khai những kết nối di động mạnh mẽ hơn như 4G/5G/6G.

Trước đó, vào thời điểm đầu tháng 7, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành công văn thông báo về lộ trình dừng công nghệ di động 2G tại Việt Nam. Theo đó, lộ trình này sẽ kéo dài trong khoảng thời gian 2 năm.

Ban đầu, Bộ TT&TT cùng các nhà mạng lên kế hoạch sẽ tắt sóng 2G từ ngày 15/9. Tuy nhiên do ảnh hưởng từ cơn bão số 3, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT vào ngày 13/9, có nội dung kéo dài thời hạn cung cấp dịch vụ 2G Only thêm một tháng (tức ngày 15/10).

Quá trình chuyển đổi, các nhà mạng nỗ lực truyền thông đến các tập khách hàng bằng các biện pháp trực tiếp và gián tiếp.

Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel chia sẻ, tập khách hàng thuê bao 2G Only còn lại không có nhiều nhu cầu sử dụng nên khó liên lạc; số khác ở những vùng sâu, xa nhất nên nhân viên chưa tiếp cận được.

Ông Đỗ Mạnh Dũng, Quyền Giám đốc Ban Khách hàng cá nhân của VinaPhone, chỉ ra cái khó khác mà nhà mạng này gặp phải, như: Một bộ phận khách hàng chỉ khi không dùng được dịch vụ mới đổi máy; do ảnh hưởng của bão lụt, nhiều khu vực trở nên không tiếp cận được và người dân tập trung khôi phục đời sống cá nhân trước khi quan tâm đến hoạt động khác.

Sau thời điểm dừng sóng 2G, các nhà mạng vẫn sẽ đảm bảo chính sách bảo đảm quyền lợi đối với các thuê bao, ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Ban Dịch vụ Viễn thông MobiFone cho biết, nhà mạng chặn thiết bị nhưng vẫn giữ lại tài khoản, thuê bao cho khách hàng.

VinaPhone tiếp tục duy trì chính sách tặng máy, hỗ trợ máy, chăm sóc khách hàng tại các điểm dịch vụ hoặc trực tiếp tại nhà. Viettel đề xuất chính sách đặc biệt đối với thuê bao 2G Only còn lại, khách hàng không bị khóa tài khoản, thu hồi số về kho nếu không sử dụng dịch vụ trong hai tháng.

Khai mạc Tuần lễ Múa Việt Nam năm 2024 tại Kon Tum

Chú thích ảnh
Các nghệ sỹ thể hiện vở múa đương đại SeSan.

Tối 13/10, tại Nhà rông Kon Klor, thành phố Kon Tum, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ khai mạc Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 - Vietnam Dance Week 2024 với chủ đề “Dòng sông ánh sáng”.

Tại Lễ khai mạc, Ban tổ chức công diễn vở múa đương đại SeSan. Tác giả âm nhạc của tác phẩm là Nhạc sỹ Chinh Ba cùng các nhạc sỹ, nghệ sỹ đương đại quốc tế Oscar Tillman (đến từ Thụy Điển) và Yohei Yama (đến từ Nhật Bản).

Ý tưởng sáng tạo SeSan không chỉ lấy cảm hứng từ đặc trưng của nghệ thuật múa và nghệ thuật chuyển động đương đại, nhằm tôn vinh nét đẹp mạnh mẽ, nguyên sơ nhất của văn hóa Tây Nguyên, khắc họa rõ nét sự giao thoa văn hóa, cũng như gắn kết cộng đồng của các dân tộc bản địa sinh sống bao đời nay theo dòng sông Sê San, tạo ra không gian văn hóa đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc, nơi lưu giữ mạch nguồn văn hóa bản địa, góp phần mở ra cơ hội xúc tiến trao đổi văn hóa giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Bằng nghệ thuật múa, tác phẩm tôn vinh nét đẹp mạnh mẽ, nguyên sơ nhất của văn hóa Tây Nguyên; đồng thời khắc họa rõ nét sự giao thoa văn hóa, cũng như gắn kết cộng đồng của các dân tộc bản địa theo dòng sông Sê San.

Diễn ra từ 13 - 15/10, Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 có sự tham dự của 8 đoàn nghệ thuật với hơn 100 nghệ sỹ, là sân chơi để các nghệ sỹ múa, nhà biên đạo, huấn luyện múa có cơ hội giao lưu, gắn kết, trao đổi kinh nghiệm, tìm tòi và khai thác vốn múa truyền thống của dân tộc, nhằm tôn vinh nghệ thuật múa trong bối cảnh phát triển chung đa chiều và toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, Tuần lễ này giới thiệu, quảng bá nét văn hóa dân tộc tỉnh Kon Tum thông qua nghệ thuật múa đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.

Tiến sỹ, Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cho biết, Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 gồm chuỗi ba sự kiện là Công diễn vở múa đương đại SeSan, Cuộc thi Tác phẩm múa dân tộc Việt Nam và Hội thảo khoa học “Xu hướng quay về yếu tố gốc trong nghệ thuật chuyển động đương đại”.

Các sự kiện của Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 có ý nghĩa quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; thông qua các sự kiện nhằm đánh giá toàn diện, khách quan bức tranh nghệ thuật múa chuyên nghiệp đương thời. Từ đó, định hướng và nâng cao toàn diện chất lượng của bốn lĩnh vực sáng tác, lý luận, đào tạo và biểu diễn vì mục tiêu xây dựng và phát triển nền nghệ thuật múa Việt Nam trong thời kỳ mới.

“Thông qua Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 tại Kon Tum, Ban Tổ chức mong muốn tạo nên sự kết nối giữa nghệ thuật múa Việt Nam nói chung, nghệ thuật múa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói riêng với những dòng chảy nghệ thuật đương đại trong khu vực và quốc tế, hướng tới các quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nghệ thuật múa, vì mục tiêu xây dựng nền nghệ thuật múa Việt Nam dân tộc hiện đại, giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế”, Tiến sỹ, Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Anh Phương nhấn mạnh.

Bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cho rằng, Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 là dịp để nghệ sĩ múa trong nước và quốc tế gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, phát huy năng lực sáng tạo vì mục tiêu xây dựng nền nghệ thuật Múa Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc và hiện đại; để công chúng hiểu, yêu, trân trọng hơn về vùng đất, con người Kon Tum, Tây Nguyên và đất nước Việt Nam để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

“Tỉnh Kon Tum mong muốn và đề nghị Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Văn học - Nghệ thuật các tỉnh, nghệ sĩ múa các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục quan tâm phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tại tỉnh Kon Tum và các tỉnh, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh”, bà Y Ngọc cho biết thêm.

Hà Nội: Truy tố đối tượng thuê xe tự lái để chiếm đoạt tài sản

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã ra cáo trạng truy tố bị can Hoàng Thị Duyên (sinh năm 1992, trú tại xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự) và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (theo quy định tại Điều 175, khoản 4 - Bộ luật Hình sự).

Theo cáo trạng, do cần tiền chi tiêu, năm 2021, Duyên lên mạng internet tìm kiếm dịch vụ cho thuê xe ô tô tự lái để mang đi cầm cố. Duyên biết Công ty Vũ Hùng Phát cho thuê xe ô tô tự lái nên đến hỏi thủ tục ký hợp đồng thuê xe ô tô Toyota Rush và xe Toyota Vios, rồi chiếm đoạt tiền.

Do không có giấy phép lái xe nên Duyên nhờ bạn cùng đi làm hợp đồng thuê xe Toyota Rush. Giá thuê là 2 triệu đồng/ngày, thời hạn thuê 10 ngày. Khi thuê xe, Duyên để lại căn cước công dân và 40 triệu đồng. Mặc dù không có giấy phép lái xe nhưng Duyên vẫn lái xe đưa bạn về nhà và sử dụng xe đi lại hằng ngày.

Đến ngày 15/2/2021, do không có tiền chi tiêu, Duyên nảy sinh việc mang xe đi cầm cố để vay 250 triệu đồng, lãi suất 4.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Sau khi viết cầm cố xe, Duyên nhận về 220 triệu đồng.

Đến thời hạn phải trả xe, Duyên gọi điện đến Công ty Vũ Hùng Phát xin gia hạn thời hạn thuê. Song quá thời hạn trên, bị can không trả xe. Theo giám định trị giá chiếc xe là 620 triệu đồng.

Nhận thấy việc thuê xe dễ dàng, tháng 2/2021, Duyên đã rủ bạn là Trần Thị Phương cùng đi thuê xe ô tô rồi cầm cố để lấy tiền chi tiêu. Cả hai thống nhất Duyên là người liên hệ thuê xe, còn Phương tìm cách cầm cố. Duyên nhờ bạn có giấy phép lái xe đi cùng để ký hợp đồng thuê xe Toyota Vios với Công ty Vũ Hùng Phát với giá 22 triệu đồng, thuê xe trong 30 ngày. Sau đó, Phương liên hệ với đối tượng “Mạnh” chuyên cầm cố xe. Cả hai mang xe đi cầm cố được 176 triệu đồng rồi về chia nhau.

Đến ngày 22/3/2021, hết thời hạn thuê, Duyên không gia hạn thời hạn thuê xe, không liên hệ với chủ xe. Do đó, ngày 14/4/2021, bị hại gửi đơn tố giác hành vi chiếm đoạt tài sản của Duyên đến cơ quan công an. Một tháng sau, công an phát hiện và thu giữ hai chiếc xe trên. Cơ quan tố tụng xác định bị cáo có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là chiếc xe Toyota Rush số tiền 620 triệu đồng và hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chiếc xe Toyota Vios trị giá 560 triệu đồng. Công ty Vũ Hùng Phát đã nhận lại tài sản, nhưng chưa có yêu cầu về bồi thường dân sự. Do Phương không có mặt tại nơi cư trú nên Cơ quan công an đã tách tài liệu để xác minh sau.

Bình Phước: Mưa lớn ở thành phố Đồng Xoài, nhiều nhà dân bị sạt lở

Chú thích ảnh
Nhiều nhà dân ở phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: TTXVN phát

Sau các trận mưa lớn liên tiếp xảy ra tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, nhiều nhà dân ở khu phố Suối Cam, phường Tiến Thành bị sạt lở nghiêm trọng.

Sau nhiều trận mưa lớn, ngôi nhà của gia đình chị Bùi Thị Hồng Thơm, ở khu phố Suối Cam, phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài bị sạt lở nghiêm trọng. Chị Thơm cho biết, thời điểm bị sạt lở, trong nhà chỉ có cháu gái 13 tuổi. Vụ việc không có thiệt hại về người nhưng các công trình phụ như nhà bếp, nhà vệ sinh của gia đình chị bị vùi lấp dưới đống đất đá.

Để đảm bảo an toàn, gia đình chị phải di dời ra trung tâm thành phố thuê trọ. Chị mong chính quyền địa phương có phương án giải quyết để người dân ổn định cuộc sống.

Tương tự, nhà anh Dương Văn Bá Không cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sạt lở. Bờ rào và các công trình phụ bị hư hỏng nặng.

Theo anh Không, nguyên nhân chủ yếu do một số cá nhân có đất phía sau múc đất để lấy mặt bằng. “Tôi về đây ở đã được 5 năm, không bao giờ nghĩ khu vực này bị sạt lở vì phía sau nhà trước đây là một gò đất rộng. Sau này, chủ đất cho xe máy múc, xe tải vào hạ mặt bằng, múc từ từ lấn vào sát với tường sau nhà chúng tôi. Người dân đã có ý kiến, chính quyền địa phương xuống nắm tình hình và yêu cầu chủ đất xây dựng bờ kè nhưng chưa đâu vào đâu”, anh Không chia sẻ.

Có mặt tại khu vực bị sạt lở sáng 14/10, phóng viên ghi nhận, ngoài 2 ngôi nhà của chị Thơm, anh Không còn có 2 ngôi nhà khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sạt lở.

Người dân ở đây cho biết, nguyên nhân do chủ đất phía sau múc đất lấy mặt bằng phục vụ mục đích cá nhân nhưng xây dựng hệ thống bờ kè không đủ chắc chắn, vì vậy, khi gặp mưa lớn nhiều ngày xảy ra tình trạng sạt lở.

Quan sát bằng mắt thường dễ thấy, chủ đất hạ mặt bằng vào sát đất của người dân, tạo thành vực sâu khoảng 7 mét theo phương thẳng đứng. Trong khi đó, hệ thống taluy được làm một cách tạm bợ nên xảy ra tình trạng sạt lở khi có mưa lớn.

Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo thành phố Đồng Xoài cho biết, ngay khi nắm thông tin vụ việc, Ủy ban thanh phố chỉ đạo phường Tiến Thành phối hợp đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý, khắc phục sạt lở.

Qua làm việc, ghi nhận 4 căn nhà ở của các hộ dân bị sạt lở phần công trình phụ và tường rào phía sau nhà tiếp giáp phần đất của ông Tạ Đình Tráng bị sụt, lún, có nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Cũng theo lãnh đạo thành phố Đồng Xoài, chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo, đồng thời cắt cử lực lượng chức năng thường xuyên túc trực tại khu vực sạt lở. Trước mắt, chính quyền địa phương hỗ trợ tiền thuê trọ cho người dân.

Song song đó, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương phối hợp chủ đất bị sụt lún là ông Tạ Đình Tráng triển khai thi công xây dựng bờ kè chắn đất dọc khu vực trước đây đã san lấp làm ảnh hưởng đến các công trình lân cận phía trên, Đồng thời hỗ trợ người dân sửa lại công trình phụ bị hư hỏng, sớm ổn định cuộc sống.

Bảo tồn cây trôi di sản 800 năm tuổi ở Hà Tĩnh

Chú thích ảnh
Học sinh vui chơi dưới bóng cây trôi cổ thụ.

Giữa vùng quê Hà Tĩnh yên bình, có một chứng nhân sống động đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, đó là cây trôi 800 năm tuổi ở xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê.

Cây cổ thụ này không chỉ là di sản thiên nhiên quý giá mà còn là linh hồn, niềm tự hào của các thế hệ người dân nơi đây. Qua thời gian, cây trôi trở thành biểu tượng của sức sống bền bỉ, sự gắn kết cộng đồng và tình yêu quê hương, đất nước.

Nằm trong khuôn viên nhà văn hóa cộng đồng thôn Vĩnh Thắng, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, cây trôi cổ thụ này trải qua hơn tám thế kỷ, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử và văn hóa địa phương. Dưới tán cây trôi, người dân cùng nhau chia sẻ buồn vui trong cuộc sống.

Theo các chuyên gia, cây trôi 800 năm tuổi này là một trong những cây di sản quý hiếm của Việt Nam. Với chiều cao hơn 27 m, chu vi thân 8,2 m, tán rộng 40 m, cây trôi có hệ rễ to khỏe và tán lá rộng lớn, không chỉ giá trị về mặt cảnh quan mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống của nhiều loài sinh vật.

Cây trôi còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội tâm linh của người dân nơi đây. Những đứa trẻ lớn lên dưới bóng cây, nghe kể về lịch sử và câu chuyện xưa, tiếp nối truyền thống yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Tháng 9 vừa qua, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam quyết định công nhận cây trôi 800 tuổi ở xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê là cây di sản Việt Nam. Việc công nhận cây di sản giúp bảo vệ đa dạng sinh học, sự phong phú của hệ thực vật và quảng bá lịch sử văn hóa địa phương.

Huyện Hương Khê xác định cây trôi là điểm đến du lịch, biểu tượng để phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng. Vì thế, khi xây dựng tour tuyến du lịch sẽ có điểm dừng chân tại cây trôi.

Cây trôi 800 năm tuổi ở làng quê Hà Tĩnh không chỉ là biểu tượng của tự nhiên mà còn là minh chứng sống động cho tình yêu, sự gắn bó của người dân với thiên nhiên và truyền thống. Việc bảo tồn cây trôi không chỉ là bảo vệ một di sản mà còn là giữ gìn ký ức, văn hóa cho thế hệ mai sau.

Toyota ra mắt bình khí hydro xách tay, kỳ vọng trở thành tương lai của xe điện

Kích thước gọn nhẹ, có thể dễ dàng tháo rời và thay thế, ứng dụng được trong nhiều lĩnh vực, bình khí hydro xách tay của Toyota được kỳ vọng sẽ mang đến luồng gió mới và trở thành tương lai về nhiên liệu trong tương lai.

Công nghệ này sẽ được Toyota công bố chính thức vào cuối tháng này, trong khuôn khổ triển lãm Japan Mobility Show 2024.

Đúng như tên gọi, hãng ô tô Nhật Bản Toyota đã có thể giảm kích thước bình khí hydro đến mức đủ gọn nhẹ để mang theo. Điều này hứa hẹn khả năng ứng dụng khí hydro vào nhiều lĩnh vực hàng ngày 1 cách an toàn và tiện lợi, đặc biệt đối với phương tiện sử dụng năng lượng điện.

Với lĩnh vực khí đốt, bình khí hydro có thể được đốt để tạo năng lượng dành cho việc nấu ăn. Còn với di chuyển, bình khí hydro xách tay là nguồn cung cấp năng lượng cho pin nhiên liệu, phản ứng hoá học và tạo thành điện cho xe di chuyển.

Theo Toyota, bình khí hydro xách tay có thể được sử dụng như những viên pin AA khổng lồ. Người dùng có thể dễ dàng thay thế khi viên pin này cạn kiệt, hoặc mang theo người để có hành trình xa hơn, hay thậm chí có thể sử dụng làm nguồn năng lượng phát điện cho cả ngôi nhà.

Đồng thời, tại triển lãm di động Nhật Bản (Japan Mobility Show) 2024, Toyota còn trưng bày xe đua Toyota Corolla GR sử dụng năng lượng hydro, được hãng lựa chọn tham gia các cuộc đua sức bền từ năm 2023.

Bên cạnh đó, hãng xe cũng sẽ tiết lộ về một hệ thống lưu trữ năng lượng, tận dụng các khối pin bị thay thế của những mẫu xe điện. Toyota tiết lộ mục đích của hệ thống này là để tối đa hoá khả năng lưu trữ năng lượng, góp phần cung cấp điện sạch, chung tay cùng các hệ thống điện gió, điện mặt trời,... để bảo vệ môi trường.

Công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng bền vững trong thời đại trí tuệ nhân tạo

Từ năm 1970, ngày 14 tháng 10 hàng năm đã được ba tổ chức tiêu chuẩn hàng đầu thế giới là Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) chọn là Ngày Tiêu chuẩn thế giới nhằm vinh danh những đóng góp và hợp tác của hàng nghìn chuyên gia, tổ chức trên toàn thế giới trong hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.

Năm 2021, ba tổ chức cùng thống nhất Chủ đề: “Tiêu chuẩn phục vụ các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) - Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn (Standards for SDGs - Our shared vision for a better world)” nhằm thể hiện vai trò của tiêu chuẩn trong việc đóng góp công cụ để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDG). Đó là những mục tiêu toàn cầu, phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng, thoát khỏi dịch bệnh, chiến tranh, bão lụt và an toàn trong cuộc sống.

Ngày Tiêu chuẩn thế giới năm 2024 được lựa chọn tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững số 9 là Công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng bền vững trong thời đại trí tuệ nhân tạo.

Trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia. Tuy nhiên, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phát triển đem lại những cơ hội cũng như thách thức. Đó là vấn đề bảo vệ quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân, an ninh việc làm, những tiêu chuẩn cần đặt ra cho trí tuệ nhân tạo…

Trên thế giới, một số quốc gia đã công bố những tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan tới trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa về trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam đến nay hầu như vẫn còn trống, chưa có một tiêu chuẩn cụ thể nào. Việc có tiêu chuẩn cụ thể về trí tuệ nhân tạo giúp định hình rõ ràng về công nghệ lõi của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các ngành, lĩnh vực khác nhau.

Hiện Việt Nam cũng đã đưa một số tiêu chuẩn có liên quan tới trí tuệ nhân tạo như trong Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13903:2023 (ISO/IEC TR 24028:2020) về Công nghệ thông tin - Trí tuệ nhân tạo -Tổng quan về tính đáng tin cậy trong trí tuệ nhân tạo. TCVN 13903:2023 do Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số Việt Nam biên soạn, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Theo đó, Tiêu chuẩn này đưa ra những thuật ngữ liên quan đến trí tuệ nhân tạo cần nắm; tổng quan về các khái niệm trí tuệ nhân tạo; các phương pháp tiếp cận để đánh giá tính khả dụng, khả năng phục hồi, tính tin cậy, độ chính xác, an toàn, bảo mật và quyền riêng tư của các hệ thống trí tuệ nhân tạo; đặc tả về các mức độ đáng tin cậy đối với các hệ thống trí tuệ nhân tạo nằm ngoài phạm vi của tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, đây mới là những thông tin cơ bản, giải thích ý nghĩa, từ ngữ liên quan đến trí tuệ nhân tạo, không theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo hiện nay.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa xây dựng và lấy ý kiến góp ý về dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về trí tuệ nhân tạo - quy trình vòng đời và yêu cầu chất lượng gồm 2 phần (siêu mô hình chất lượng và độ bền vững). Dự thảo Tiêu chuẩn do Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ công bố.

Theo dự thảo này, tiêu chuẩn về trí tuệ nhân tạo đề xuất sự khác biệt giữa các mô-đun AI liên quan đến tính an toàn, bảo mật, quyền riêng tư và mức độ phù hợp về đạo đức của từng AI; áp dụng cho tất cả các giai đoạn vòng đời của mô-đun AI từ khái niệm, phát triển, triển khai, vận hành và ngừng hoạt động; đồng thời đề cập đến các quy trình vòng đời khác nhau.

Thời gian gần đây, tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử… Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127 đối với Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030; trong đó, nhấn mạnh quan điểm xác định trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.

Việc đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể về trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp quá trình phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam theo đúng lộ trình, ngày càng hiệu quả mà còn giúp tiếp cận, cải thiện hiệu quả và năng suất của hệ thống khoa học và nghiên cứu công nghệ trí tuệ nhân tạo, giúp giảm chi phí trùng lắp trong việc thu thập, chuyển giao và tái sử dụng dữ liệu và tài liệu khoa học; phát triển các sản phẩm và dịch vụ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo; từ đó, đóng góp cho quá trình chuyển đổi số, phát triển bền vững.

Ngập lụt bất thường tại sa mạc Sahara lần đầu tiên trong 5 thập kỷ

Chú thích ảnh
Cảnh tượng khác thường khi sa mạc Sahara chìm trong biển nước. Ảnh: ABC News

Sa mạc Sahara, nơi nổi tiếng với sự khô cằn khắc nghiệt, vừa trải qua trận lũ lụt kinh hoàng do mưa lớn lần đầu tiên trong 50 năm.

Mưa lớn đã biến đổi cảnh quan sa mạc và mang đến lượng nước quan trọng cho vùng đất này sau nhiều thập kỷ hạn hán, nhưng đồng thời cũng báo hiệu những hiện tượng thời tiết cực đoan hơn trong thời gian tới.

Một số khu vực của sa mạc Sahara gần đây đã bị ngập lụt sau những trận mưa xối xả hiếm hoi quét qua khu vực Đông Nam Marốc. Những trận mưa như trút nước kéo dài trong 2 ngày đã đổ bộ vào các khu vực bao gồm Thành phố Tata và Tagounite, một ngôi làng cách thủ đô Rabat khoảng 450 km về phía Nam. Riêng khu vực Tagounite đã ghi nhận lượng mưa lên tới 100 mm chỉ trong 24 giờ, vượt xa lượng mưa trung bình hàng năm của nhiều khu vực.

Đợt mưa lớn này đến vào thời điểm Maroc đang vật lộn với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong gần 4 thập kỷ. Dù khiến 18 người thiệt mạng cũng như gây tàn phá lớn, đợt lũ mang lại hy vọng cho những người nông dân địa phương ở miền Nam, nơi các loại cây trồng như chà là, hạnh nhân và ngũ cốc đang vật lộn suốt 6 năm khô hạn liên tiếp. Tuy nhiên, chuyên gia cố vấn về nước Mohamed Jalil nhận định tác động của đợt mưa có thể không kéo dài. Theo đó, mặc dù lũ lụt đã bắt đầu bổ sung trữ lượng nước ngầm và mang đến hy vọng cho nông dân, nhưng vẫn chưa chắc chắn về mức độ hỗ trợ với vấn đề hạn hán kéo dài của Maroc.

Trong khi đó, theo các nhà khí tượng học, đợt mưa này là do ảnh hưởng của cơn bão ngoại nhiệt đới, một sự kiện bất thường đối với khu vực này và có thể dẫn đến thời tiết khắc nghiệt hơn trong tương lai. Các chuyên gia cảnh báo biến đổi khí hậu có thể khiến những cơn bão như vậy trở nên thường xuyên hơn, khiến khu vực này dễ bị ảnh hưởng không chỉ bởi hạn hán kéo dài mà cả lượng mưa lớn đột xuất./.

Thainguyentv.vn

Tin mới hơn

Tin 24h ngày 21/12/2024

Ngày 20/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 18 luật vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Tin 24h ngày 20/12/2024

* Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam Sáng 20/12, Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).

Tin 24h ngày 19/12/2024

Khởi tố bị can đốt quán cà phê ở đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội khiến 11 người chết

Tin 24h ngày 18/12/2024

Dự báo thời tiết 10 ngày tới, không khí lạnh tăng cường xuống miền Bắc, khu vực này rét kéo dài, ban đêm trời rét sâu.

Tin 24h ngày 17/12/2024

Còn hơn một tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tại chợ hoa Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội) nhiều tiểu thương đã bày bán những cành đào, chậu quất mini, cành mận Tây Bắc... phục vụ người dân có nhu cầu chơi Tết sớm.

Tin bài khác

Tin 24h ngày 16/12/2024

Tin 24h ngày 16/12/2024

* Từ ngày 1/1/2025, xe chở học sinh phải có cảnh báo chống bỏ quên Từ ngày 1/1/2025, xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non và học sinh phải sơn màu vàng đậm và có biển báo nhận diện.
Điểm sự kiện từ ngày 9/12 đến ngày 15/12/2024

Điểm sự kiện từ ngày 9/12 đến ngày 15/12/2024

Từ ngày 9/12 đến ngày 15/12/2024, Thainguyentv.vn đã đăng tải đậm nét nhiều tin tức, sự kiện trên các lĩnh vực: Chính trị - Kinh tế - Văn hóa - Xã hội... diễn ra trên thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Mời quý độc giả cùng chúng tôi điểm lại nội dung chính của những sự kiện đã đăng tải trong tuần.
Tin 24h ngày 15/12/2024

Tin 24h ngày 15/12/2024

Sáng 15/12, tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 34 tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Quân đoàn.
Tin 24h ngày 14/12/2024

Tin 24h ngày 14/12/2024

Quốc hội Hàn Quốc chiều 14/12 đã nhất trí luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol vì lệnh thiết quân luật bất thành vào đêm 3/12, quyết định đình chỉ chức vụ của ông cho đến khi Tòa án Hiến pháp ra quyết định phục chức hay cách chức.
Tin 24h ngày 13/12/2024

Tin 24h ngày 13/12/2024

* Bộ Nội vụ bác thông tin lan truyền về chế độ với cán bộ khi sắp xếp bộ máy Bộ Nội vụ khẳng định những thông tin lan truyền trên mạng xã hội về chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp bộ máy là không chính xác.
Xem thêm

Đọc nhiều

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Có rất nhiều cách luận biển số tại Việt Nam, trong đó dựa trên phát âm và giá trị là hai cách phổ biến nhất. Quan niệm xấu, đẹp về biển số tại Việt Nam có ...
Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Vì sinh mệnh chính trị của Đảng, vì sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, các cấp ủy đảng từ Trung ương ...
[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

Trong 3 ngày qua, Thái Nguyên phát hiện 11 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, gồm 3 trường hợp tại huyện Đồng Hỷ (ngày 31/10, cách ly từ khi trở về Thái Nguyên), 8 trường ...
Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra,cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ ...
Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên công bố 99 ca nhiễm Covid-19 mới, cập nhật sáng 30/11. Tổng số ca mắc Covid-19 lũy tích từ 01/01/2021 đến nay: 410 ca
Xem trên
[Infographics] Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên

[Infographics] Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên

Tỉnh ủy Thái Nguyên vừa ban hành Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên theo Kết luận số 09-KL/BCĐ, ngày 24/11/2024 và các văn ...
[Megastory] Thái Nguyên: Triển vọng từ mô hình chăn nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung  nguyên liệu chè xanh

[Megastory] Thái Nguyên: Triển vọng từ mô hình chăn nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh

Với mong muốn phát triển một sản phẩm chăn nuôi mang thương hiệu của ngành nông nghiệp địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Đề tài Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi lợn ...
[Megastory] Ký ức Lễ trình quốc thư đầu tiên

[Megastory] Ký ức Lễ trình quốc thư đầu tiên

70 năm đã trôi qua, ký ức về những ngày chuẩn bị tiếp quản thủ đô vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử trên ATK Đại Từ, Thái Nguyên. Một sự kiện ngoại giao quan ...
[Infographic] Nhìn lại công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

[Infographic] Nhìn lại công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã đi qua để lại hậu quả thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân các tỉnh miền Bắc nói chung và tỉnh Thái ...
[Infographic] Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên 9 tháng năm 2024

[Infographic] Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên 9 tháng năm 2024

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên trong 9 tháng năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, tiếp ...
[Photo] Mùa lúa ở Bản Tèn

[Photo] Mùa lúa ở Bản Tèn

Cảnh sắc Bản Tèn vào mùa lúa chín luôn là điều gì đó khiến nhiều người nhất định phải chinh phục trong hành trình du lịch vùng cao. Vẻ đẹp thơ mộng, bình yên của ...
Tự hào cờ đỏ sao vàng

Tự hào cờ đỏ sao vàng

Lá cờ nền đỏ với ngôi sao vàng 5 cánh luôn gắn liền với những sự kiện lịch sử hào hùng, là động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân ta phấn đấu, ...