Thủ tướng: Phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Sáng 9/5, phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp lần thứ 4, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trước những thách thức trên toàn cầu do đại dịch COVID-19, hội nghị lần này cần phải tập trung hơn nữa vào các giải pháp nhằm tái khởi động nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của các tổ chức quốc tế là khoảng 2,55%; đặc biệt phải giữ kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Sự kiện được tổ chức định kỳ hằng năm với các chủ đề cụ thể xoay quanh nhiều vấn đề quan trọng của doanh nghiệp. Đây cũng được ví như Hội nghị Diên Hồng và là buổi đối thoại trực tiếp giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp.
Sau khi lắng nghe, tổng hợp những kiến nghị, khó khăn từ cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ có thể sẽ đưa ra nhiều quyết sách quan trọng nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.
Năm nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lường trên toàn cầu, trước những tác động tiêu cực và hậu quả nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp lần này được tổ chức theo phương thức trực tuyến, kết nối 63 điểm cầu địa phương và 30 điểm cầu của các bộ, ngành.
Đây cũng là sự kiện có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với khoảng 6.000 người trực tiếp tham gia tại các điểm cầu; hơn 800.000 doanh nghiệp và 5 triệu hộ kinh doanh cùng nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi diễn biến sự kiện, thông qua tường thuật trực tiếp của Đài Truyền hình Việt Nam.
Khai mạc sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý nghĩa thiết thực của hội nghị, qua đó, không chỉ ghi nhận những nỗ lực vượt khó, tự cường của cộng đồng doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh để động viên tinh thần doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
Thủ tướng nhận định đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, mạng sống của 1 nhóm người hay 1 cộng đồng mà nay đã ảnh hưởng tới hàng tỷ người trên hành tinh.
Trên phương diện kinh tế, đại dịch COVID-19 đã gây tác động, suy thoái đối với mọi ngành, lĩnh vực; từ phía cung tới phía cầu, từ thị trường tài chính tới nền kinh tế thực, từ sản xuất tới tiêu dùng, từ công nghiệp tới dịch vụ, từ hàng không tới du lịch, từ nội thương tới ngoại thương, từ các ngành thâm dụng lao động tới các ngành thâm dụng công nghệ, từ dầu mỏ tới ôtô, từ các quốc gia đang phát triển tới các nước phát triển bất kể quy mô kinh tế lớn hay nhỏ đều không tránh khỏi tác động.
Tuy nhiên, như bao biến cố lớn trong lịch sử, loài người rồi sẽ chiến thắng dù có thể sẽ có nhiều tổn thất hay mất mát, thậm chí có nhiều người đã không thể vượt qua.
“Đến giờ này có thể nói những doanh nghiệp, những hợp tác xã, những hộ cá thể, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có thể tham dự sự kiện hôm nay là những doanh nghiệp có năng lực thích nghi tốt nhất," Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Tuy nhiên, Việt Nam trong cuối tháng 3 năm 2020 được dự báo tăng trưởng 4,5% và quý 1 vừa qua đã đạt mức tăng trưởng 3,83%. Mặc dù là mức thấp nhất của quý 1 trong 10 năm gần đây, song vẫn là mức tăng trưởng khá cao so với bối cảnh chung của thế giới và là mức tăng trưởng cao nhất trong các nước Đông Nam Á. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định, Việt Nam vẫn duy trì khá tốt mức tăng trưởng cho dù thấp so cùng kỳ năm trước nhưng ở mức cao hơn so với các khu vực ASEAN và toàn châu Á.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam phải tập trung vào 5 mũi giáp công là: thu hút đầu tư, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa với thị trường có gần 100 triệu dân như Việt Nam.
Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng mong muốn và đặt ra 6 yêu cầu đối với các doanh nghiệp. Đó là: yêu tổ quốc, thượng tôn pháp luật, chia sẻ, khó khăn với Chính phủ; oàn kết và hợp tác với nhau để tạo sức mạnh tổng hợp; Không nản chí nếu không sẽ tự mình bỏ cuộc; năng động quyết đoán vì nếu không sẽ thụ động và tự mình đánh mất cơ hội; sáng tạo để có sự chủ động trong sản xuất kinh doanh; cần có niềm tin vì nếu không sẽ tự mình chối bỏ mình.
Thủ tướng nhấn mạnh doanh nghiệp cần có tinh thần yêu nước; yêu nước thì phải hành động, phải có quyết tâm mạnh mẽ trong điều kiện mới, như lò xo bị nén lại đến giờ sẵn sàng bung ra để phát triển. Doanh nghiệp phải đóng góp vào phát triển của đất nước để đưa nền kinh tế phát triển theo hình chữ V chứ không phải chữ U, hay chữ W.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Trong lúc đang còn nhiều khó khăn, Đảng và Chính phủ luôn luôn nghĩ đến điều này. Nhưng không phải là thời điểm để chỉ than vãn về khó khăn của doanh nghiệp mà phải nêu được những trở ngại lớn. Chính phủ không trực tiếp giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, nhưng Chính phủ sẽ tìm cách giúp doanh nghiệp tăng năng suất. Bởi chỉ có tăng năng suất mới là nguồn của phát triển. Doanh nghiệp phải chủ động tham gia vào việc xây dựng và phát triển như một trách nhiệm xã hội. Chính phủ đóng góp vai trò là người bảo trợ xã hội để thực thi theo nguyên tắc công bằng bình đẳng minh bạch.
"Việt Nam cần trở thành 1 quốc gia thịnh vượng vào năm 2045. Dịch bệnh không làm Việt Nam thay đổi tầm nhìn này. Vậy còn tầm nhìn của doanh nghiệp vào năm 2045 là gì? Vị trí của các doanh nghiệp vào năm 2045 sẽ là ở đâu… Điều đó nằm trong tay các bạn," Thủ tướng nhấn mạnh.
Đánh giá cao nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá trong thời gian khó khăn vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phát huy tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong nước mặc dù bắt đầu có những dấu hiệu tích cực, nhưng trên thế giới vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài, đặc biệt các nước là đối tác thị trường quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu... Do đó, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị một số giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới đó là tập trung phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy; kích cầu, phát triển thị trường nội địa; đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại, đầu tư; khai thác tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mới; hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với việc làm và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách; thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển...
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá rất cao những phản ứng kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành các chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để ứng phó với dịch bệnh. Ngay như hội nghị lần này cũng là dịp để khơi dậy tinh thần, truyền đi thông điệp cả hệ thống chính trị cần chung sức, đồng lòng để cùng vươn lên bứt phá và tranh thủ thời cơ vàng khi Việt Nam đã đẩy lùi được dịch bệnh ở thời điểm mà nhiều nền kinh tế còn đang lúng túng, chưa thoát ra được khó khăn.
Ông Lộc cũng cho biết thêm hiện tại, tình hình doanh nghiệp đang dần được cải thiện, nhưng vẫn còn rất gian nan và những biện pháp trợ giúp kịp thời từ Chính phủ là vô cùng quan trọng.
“Điều mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp lúc này là các cơ quan và tổ chức có liên quan cần thúc đẩy thực thi các chính sách, chủ trương hỗ trợ của Chính phủ một cách thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các các gói hỗ trợ đã được ban hành. Tục ngữ có câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no." Nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống; chậm một ngày có thể doanh nghiệp sẽ không còn. Lúc ấy, mọi biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ chẳng có ích lợi," ông Lộc kết luận./.