Thái Nguyên: Tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tái phát, lây lan ra diện rộng
Chỉ đạo của UBND tỉnh về tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tái phát, lây lan ra diện rộng |
Theo Thông báo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong thời gian qua bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tiếp tục tái bùng phát tại các tỉnh, thành phố, trong đó có hiện tượng bệnh DTLCP tái phát một lần hoặc nhiều lần tại các xã đã qua 30 ngày của nhiều tỉnh, thành phố như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Nam,...
Trên địa bàn tỉnh hiện chưa phát hiện ổ bệnh DTLCP, tuy nhiên tỉnh Thái Nguyên nằm giáp ranh với 4 tỉnh, thành phố đang có dịch (Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Nội). Do vậy, nguy cơ bệnh DTLCP tái bùng phát, lây lan trên diện rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt trong điều kiện nuôi tái đàn, tăng đàn lợn đang gia tăng, việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học còn hạn chế ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các Sở, Ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã, tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:
Thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng các nội dung tại các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy và UBND tỉnh; khắc phục ngay tư tưởng, tình trạng chủ quan, lơ là của chính quyền địa phương các cấp để dịch tái phát, lây lan ra diện rộng.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, các nguy cơ khi dịch tái bùng phát lây lan ra diện rộng, hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng cho các hộ chăn nuôi, nhân rộng các mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh tại địa phương.
Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, đặc biệt là lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã: Thành lập đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương, đánh giá nghiêm túc kết quả thực hiện, kịp thời chấn chỉnh việc triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP của chính quyền cơ sở.
Tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh đến tận cơ sở, hộ chăn nuôi, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm, xử lý dứt điểm ổ dịch khi mới được phát hiện; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân, chính quyền địa phương giấu dịch, không khai báo, tự ý chữa trị, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh, chất thải vật nuôi ra môi trường (đặc biệt là các khu vực kênh thủy lợi) dẫn đến dịch lây lan ra diện rộng, gây thiệt hại kinh tế, bức xúc cho người dân và gây ô nhiễm môi trường. Nghiêm túc thực hiện báo cáo tình hình dịch bệnh từ thôn, xóm đến xã, huyện và tỉnh theo đúng quy định của Luật Thú y.
Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP, các giải pháp ứng phó khi có dịch xảy ra, chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, vật tư, kinh phí để kịp thời triển khai chống dịch có hiệu quả.
Các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh./.