Thái Nguyên: Sôi nổi ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Mông huyện Đồng Hỷ lần thứ 4 năm 2018
Là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số đông, trong đó đồng bào Mông tập trung sinh sống ở 9 xóm bản trên địa bàn toàn huyện, những năm qua Đồng Hỷ đã nhận được sự qua tâm về phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số đặc biệt là đồng bào Mông. Đáng chú ý đề án 2037 “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020” triển khai về với cơ sở đã giúp đời sống đồng bào Mông ở những xóm bản khó khăn từng bước đi lên, với các chính sách cụ thể về xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế và các thiết chế văn hóa; các chính sách khuyến nông phù hợp với từng địa bàn, đã giúp thay đổi đáng kể bức tranh đời sống đồng bào ở các bản làng.
Nhắc đến đồng bào dân tộc Mông- tiếng khèn và điệu múa đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu tạo nên đời sống văn hóa tinh thần phong phú của đồng bào nơi đây. Cùng với sự phát triển xã hội, đồng bào dân tộc Mông trên các xóm bản huyện Đồng Hỷ nói riêng và tỉnh Thái Nguyên vẫn giữ gìn được nét đẹp văn hóa độc đáo từ tiếng khèn Mông. Ngày hội văn hóa thể thao dân tộc Mông năm nay, bà con đồng bào dân tộc Mông càng thêm vui mừng khi điệu khèn Mông chính thức được Bộ văn hóa thể thao và du lịch công bố là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây sẽ là cơ hội để người dân có thể quảng bá hình ảnh nét đẹp văn hóa cũng như đời sống tinh thần của đồng bào địa phương.
Trải qua 3 lần tổ chức, Ngày hội văn hóa thể thao dân tộc Mông huyện Đồng Hỷ thật sự là ngày hội của sự đoàn kết dân tộc, quảng bá văn hóa đặc sắc của đồng bào các xóm bản vùng cao, tạo sự giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng. Công tác chuẩn bị cho việc tổ chức ngày hội cũng đã được chuẩn bị chu đáo.
Tham dự ngày hội có đại diện các đội thi đến từ 9 xóm bản có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn huyện như xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn; xóm Lân Quan, Mỏ Ba xã Tân Long, xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng. Đặc biệt ngày hội cũng đã đón rất nhiều đồng bào Mông từ các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn về tham dự, tạo nên bức tranh đa sắc màu. Với sự chuẩn bị tích cực cho ngày hội, 9 xóm bản đã quảng bá đến du khách gần xa nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào địa phương, thông qua các điệu múa lời ca. Năm nay các xóm bản tổ chức thi nấu ăn với các món ăn truyền thống của đồng báo vùng cao như mèn mén, thắng cố và nhiều loại sản vật khác. Tất cả tạo nên không khí ngày hội sôi nổi tạo dấu ấn trong lòng du khách gần xa.
Hơn 7 ha tam giác mạch đã bén rễ với đất đồi núi trên Bản Tèn, đúng dịp Ngày hội văn hóa thể thao dân tộc Mông huyện Đồng Hỷ lần thứ 4 được tổ chức, cùng với các tiểu cảnh được xây dựng phục vụ du lịch thu hút được sự chú ý của nhiều du khách thập phương. Mô hình trồng hoa Tam giác mạch tại Bản Tèn, xã Văn Lăng không chỉ làm phong phú thêm các hoạt động trong ngày hội, mà còn tạo điểm nhấn nhằm giới thiệu quảng bá tiềm năng du lịch của Bản Tèn nói riêng và Đồng Hỷ nói chung. Việc xây dựng mô hình này huyện Đồng Hỷ cũng mong muốn góp phần giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân nơi đây.
Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa - thể thao dân tộc Mông lần thứ 4 huyện Đồng Hỷ năm 2018 đã được tổ chức thành công, mở ra cơ hội và hướng đi mới để phát triển và nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào dân tộc Mông tại các xóm bản vùng cao. Qua ngày hội cũng góp phần bảo tồn, giáo dục và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần của đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.