Thái Nguyên hướng tới sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam
Toàn tỉnh hiện có trên 60 ha diện tích chè hữu cơ tại thành phố Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ, Phú Lương và huyện Đại Từ |
Hiện nay, thị trấn Sông Cầu huyện Đồng Hỷ đang triển khai mô hình trồng chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam với diện tích 20ha. Người dân tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 40% giá phân bón, chế phẩm vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật; được đào tạo tập huấn chuyển giao công nghệ; tham gia chuỗi liên kết sản xuất; đánh giá cấp chứng chỉ xác nhận vùng sản xuất đang trong quá trình chuyển đổi sang canh tác nông nghiệp hữu cơ để làm tiền đề cấp chứng nhận sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041-2:2017.
Bà Nguyễn Thị Lanh Thị Trấn Sông Cầu huyện Đồng Hỷ cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện nghiêm ngặt các quy trình ví dụ như vườn chè được đảm bảo theo quy trình hữu cơ như phân lô, vùng đệm cách ly để đảm bảo dịch hại không phá và lây lan ra”.
Ông Nguyễn Quang Chung, Chủ tịch UBND Thị trấn Sông Cầu huyện Đồng Hỷ khẳng định: “Bây giờ chuyển sang hữu cơ thì đây đúng là mô hình hoàn hảo để tạo ra những sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe, cải thiện môi trường và mang lại giá trị đích thực về kinh tế”.
Thực hiện mô hình chè hữu cơ, nông dân được hỗ trợ 100% về kỹ thuật và 40% về phân bón |
Thực hiện mô hình chuyển đổi sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam năm 2017, toàn tỉnh đã có trên 60 ha diện tích chè hữu cơ tập trung tại thành phố Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ, Phú Lương và huyện Đại Từ, qua đó từng bước giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm bằng cách sử dụng phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc, qua đó bảo vệ môi trường sinh thái cũng như sức khỏe cho chính người sản xuất và người tiêu dùng.
Ông Đỗ Thanh Lân, xã Phú Xuyên huyện Đại Từ cho biết: “Chè hữu cơ chúng ta nên làm, phải làm để đảm bảo môi trường để đảm bảo sức khỏe cho người làm, người uống và người tiêu dùng”.
Toàn tỉnh hiện có trên 22 nghìn ha chè nhưng diện tích sản xuất chè theo hướng hữu cơ vẫn còn ít. Trong khi đó, việc sản xuất chè theo hướng hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20-40% so với sản xuất chè theo phương thức truyền thống. Vì vậy, việc triển khai mô hình sẽ góp phần khuyến khích người dân nhân rộng diện tích chè hữu cơ trên địa bàn tỉnh để hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông Thái Nguyên cho biết về định hướng trong những năm tiếp theo: “Trung tâm tổ chức các lớp tập huấn và tổ chức mô hình chè an toàn hữu cơ thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác. Trong đó, nguồn kinh phí tập huấn, đào tạo là 100% và xây dựng mô hình thì hỗ trợ phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ là 40%”.
Trước nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, an toàn cùng lối sống xanh của người tiêu dùng và thị trường thì việc chuyển đổi sang nền nông nghiệp hữu cơ, không hóa chất là hướng đi tất yếu. Vì vậy, rất cần những giải pháp và sự vào cuộc của các đơn vị, địa phương nhằm xây dựng thành công và nhân rộng mô hình hữu cơ góp phần nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm chè./.