* Đồng chí HOÀNG BẮC, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS Bộ Công Thương: Cần huy động có hiệu quả công nghiệp dân sinh

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp với địa phương trên cả nước xây dựng mới và rà soát quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm bảo đảm phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội và phù hợp tình hình quốc phòng an ninh (QPAN) trong giai đoạn mới, bảo đảm tính liên ngành, liên vùng. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị thuộc bộ đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương cho cán bộ, công nhân viên theo đặc điểm nhiệm vụ đơn vị. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Giáo dục QPAN địa phương bồi dưỡng kiến thức QPAN cho đội ngũ cán bộ, công chức đạt kết quả tốt cả về số lượng và chất lượng. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức xây dựng lực lượng tự vệ, thực hiện công tác động viên, tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ bảo đảm số lượng, chất lượng. Vụ Khoa học và Công nghệ của Bộ Công Thương đã tiến hành nghiên cứu thành công nhiều đề tài phục vụ cho quốc phòng như: “Nghiên cứu bánh răng côn xoắn cho xe tăng”; “Nghiên cứu công nghệ sản xuất thép đặc biệt dùng cho sản xuất nòng súng”... Bên cạnh đó, Viện Công nghệ của Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng nghiên cứu, chế tạo thành công 5 mác thép hợp kim cho chế tạo tên lửa... Trong thời gian qua, sự hợp tác giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Công Thương trong công tác động viên công nghiệp được quan tâm và duy trì thường xuyên...

Hiện nay, một số quy định chưa được các cơ quan, đơn vị thực hiện thống nhất như: Chi trả phụ cấp trách nhiệm cho các cán bộ Ban CHQS, chỉ huy lực lượng tự vệ; quy định các đối tượng tham gia bồi dưỡng kiến thức QPAN; biên chế lực lượng tự vệ... Do đó, cần có quy định cụ thể nhằm bảo đảm thống nhất trong toàn quốc. Thời gian qua, công nghiệp quốc phòng vẫn đang hoạt động khép kín, chưa thực sự là một bộ phận của công nghiệp quốc gia. Nguyên nhân chính là chưa xây dựng được cơ chế, chính sách đặc thù. Để thực sự huy động có hiệu quả công nghiệp dân sinh tham gia xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng cần xây dựng được cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích các ngành, tổ chức và cá nhân tham gia. Có thể sử dụng cơ chế đặt hàng đối với một số bộ phận, chi tiết sản phẩm quốc phòng mà cơ sở công nghiệp dân sinh có thế mạnh…

TRẦN LÊ (ghi)

tao dong thuan cao trong nhan thuc va hanh dong

* Đồng chí NGUYỄN QUYẾT THẮNG, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS Bộ Giao thông vận tải: Tăng cường thể chế pháp quyền nhằm nâng cao sức mạnh tổng hợp

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông vận tải và các dịch vụ công liên quan theo quy định của pháp luật. Để thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ GTVT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển ngành nhanh, bền vững, đạt được một số kết quả quan trọng. Hệ thống giao thông không ngừng được củng cố, nâng cấp, mở rộng và làm mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm QPAN.

Từ năm 2010 đến nay, Bộ GTVT đã đưa vào khai thác, sử dụng gần 200 công trình, dự án, kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, củng cố QPAN. Hệ thống đường bộ được Bộ GTVT quan tâm đầu tư đồng đều giữa các vùng, miền và các địa phương, trong đó có nhiều công trình, dự án lớn như: Hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ1A và Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên… Đối với lĩnh vực hàng không dân dụng, hoạt động của các cảng hàng không, sân bay có sự phối hợp, hiệp đồng giữa hàng không dân dụng và quân sự, bảo đảm tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và các hoạt động khẩn cấp, như phòng, chống thiên tai, bạo loạn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Đáng chú ý là hệ thống quản lý bay được tập trung đầu tư, trang bị hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế nâng cao khả năng quản lý và bảo vệ vùng trời. Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa, chủ trương của bộ là nâng cấp, tăng chiều dài các đoạn, tuyến chính đang quản lý khai thác; xây dựng một số cảng đầu mối, bến hàng hóa và hành khách ở Đồng bằng sông Cửu Long và lưu vực sông Hồng… thiết thực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời tăng cường năng lực vận tải phục vụ yêu cầu QPAN. Về giao thông nông thôn, trong giai đoạn 2011-2015, bộ đã tiến hành xây dựng mới, nâng cấp được 47.436km đường giao thông nông thôn; xây mới 15.474 cầu; cứng hóa được 220.246km/492.982km đường giao thông nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân ở nông thôn, tạo cơ sở tăng cường tiềm lực quốc phòng. Mặt khác, ngành GTVT còn chủ động phối hợp với Bộ CHQS các tỉnh, thành phố xây dựng quy hoạch hệ thống đường giao thông trong KVPT vừa phục vụ dân sinh vừa đáp ứng yêu cầu cơ động tác chiến trong chiến tranh.

Hoàn thiện Luật Quốc phòng (sửa đổi) theo Hiến pháp năm 2013 và thể chế quan điểm, chủ trương của Đảng với những yêu cầu mới sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về quốc phòng, thực sự là khung pháp lý, làm cơ sở để tăng cường thể chế pháp quyền, nâng cao sức mạnh tổng hợp của cả nước đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời kỳ mới. Vì vậy, nội dung kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; xây dựng tiềm lực quốc phòng, chuẩn bị cho động viên quốc phòng, xử lý các tình huống liên quan tới quốc phòng, an ninh quốc gia phải được thể chế hóa rõ hơn trong luật, làm cơ sở cho việc thi hành bảo đảm hiệu quả.

KHÁNH CHI (ghi)

* Thiếu tướng NGUYỄN TÂN CƯƠNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 4: Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị

Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 4 và cấp ủy, chính quyền 6 tỉnh trên địa bàn quân khu thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Cơ quan quân sự, công an các cấp phát huy tốt chức năng tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ QPAN. Đảng ủy Bộ tư lệnh Quân khu 4 quan tâm chỉ đạo, đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, diễn tập KVPT ở các cấp; góp phần nâng cao nhận thức về âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch và vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng ở địa phương. Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch, đề án đã được xây dựng, các tỉnh từng bước đầu tư ngân sách, huy động nguồn lực bảo đảm cho quốc phòng. Từ năm 2005 - 2015 các tỉnh đã chi ngân sách đầu tư xây dựng LLVT tỉnh, huyện; xây dựng công trình phòng thủ và các công trình kết hợp kinh tế với quốc phòng, tổng mức đầu tư hơn 1.656 tỷ đồng (chưa tính ngân sách chi thường xuyên bảo đảm QPAN), góp phần tăng cường QPAN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nhờ đó, thế trận và tiềm lực quốc phòng trong KVPT được củng cố và có sự phát triển về chiều sâu. Việc xây dựng, bố trí lực lượng, điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch được triển khai thực hiện nghiêm túc, phù hợp với đặc điểm tình hình, sự phát triển của xã hội và địa phương. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và thế mạnh tiềm năng tại chỗ để xây dựng các tỉnh, huyện (thị xã, thành phố) thành KVPT vững chắc, giữ vững ổn định ANCT-TTATXH trong thời bình và SSCĐ thắng lợi khi có tình huống chiến tranh.

Để triển khai nhiệm vụ quốc phòng, quân sự hiệu quả, đề nghị Bộ Quốc phòng, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hệ thống Luật; các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội với củng cố QPAN và hoạt động đối ngoại; đặc biệt trong xây dựng thế trận KVPT; công tác phòng thủ dân sự; động viên quân đội trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài; hệ thống luật pháp và các văn bản có liên quan đến chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến và động viên thời chiến trong tình hình mới. Khi sửa đổi, bổ sung Luật Quốc phòng phải quy định cụ thể hơn trong mối quan hệ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức về nhiệm vụ quốc phòng, kinh phí ngân sách để thực hiện... Đồng thời phải coi trọng tính đồng bộ, thống nhất nội dung giữa các Bộ, ngành Trung ương và phải có dự báo chiến lược lâu dài.

THẢO MY (ghi)

* Đồng chí ĐẶNG DUY HẬU, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh: Sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng

Trong những năm qua, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và LLVT tỉnh Quảng Ninh luôn đoàn kết, phấn đấu đưa tỉnh Quảng Ninh phát triển toàn diện. Đặc biệt trong công tác quân sự, quốc phòng địa phương, cơ quan quân sự các cấp đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền cùng cấp chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tỉnh chủ động gắn phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân. Tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về quốc phòng ở địa phương, nhất là ban hành các chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Cơ quan quân sự địa phương các cấp thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành tham gia khảo sát, thẩm định và giám sát việc triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng khu công nghiệp, dịch vụ-thương mại trên tuyến biên giới cửa khẩu Móng Cái, Hoành Mô, Vạn Gia, Cái Lân. Các công trình dân sinh, đường tuần tra biên giới, đường giao thông ở vùng cao, vùng sâu, hệ thống thông tin liên lạc, bệnh viện... được xây dựng, hoàn thiện... góp phần tăng cường sức mạnh và thế trận phòng thủ liên hoàn, vững chắc, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương khi có tình huống. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo bổ sung các kế hoạch, phương án tác chiến khu vực phòng thủ sát với sự phát triển của thực tiễn, phù hợp với khả năng, điều kiện của tỉnh.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Quốc phòng, chúng tôi nhận thấy, vẫn còn một số bất cập cần tháo gỡ. Hiện nay, phần lớn lực lượng dân quân tự vệ là lao động chính của gia đình. Khi tham gia hợp đồng thời vụ với chủ tàu, các ngư dân phải đi lao động, sản xuất trên biển dài ngày, vào ngư trường không thuộc địa phương của tỉnh quản lý. Do đó, khi huy động lực lượng dân quân biển để tham gia huấn luyện và thực hiện các nhiệm vụ khác sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Để nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dân quân biển, trước hết chúng ta cần có văn bản pháp lý; có chính sách khuyến khích cho người lao động tham gia lực lượng dân quân tự vệ biển bằng cách tăng thêm mức trợ cấp ngày công lao động và hỗ trợ một phần kinh tế cho gia đình khi họ tham gia làm nhiệm vụ trên biển. Bên cạnh đó, việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá, nuôi trồng thủy sản khu vực biên giới và trang bị thêm công cụ hỗ trợ và phương tiện thông tin liên lạc cho lực lượng dân quân tự vệ biển là một việc thiết thực nên triển khai thời gian tới.

LÊ DUY(ghi)

* Thiếu tướng TRẦN DUY GIANG, Tư lệnh Quân đoàn 1: Thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện

Thực hiện Nghị quyết 765 của Quân ủy Trung ương về "lãnh đạo nâng cao chất lượng huấn luyện", hằng năm, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 đã lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị tích cực làm công tác chuẩn bị huấn luyện; tổ chức tập huấn cán bộ, chiến sĩ; chuẩn bị đầy đủ giáo án, mô hình học cụ, thao trường bãi tập để nâng cao chất lượng huấn luyện SSCĐ. Nhờ đó, công tác huấn luyện chiến đấu được đổi mới cả về nội dung, tổ chức, phương pháp. Đặc biệt những năm gần đây, Quân đoàn 1 đã đưa phương pháp huấn luyện theo tình huống và đã thu được kết quả tốt; chất lượng huấn luyện được nâng lên, kết quả kiểm tra phân đội hằng năm 100% đạt yêu cầu, trong đó có 70-80% khá, giỏi. Trình độ tổ chức chỉ huy quản lý, điều hành huấn luyện của cán bộ các cấp ngày càng tiến bộ; cán bộ tiểu đoàn hơn 90%, cán bộ đại đội có 85%, cán bộ trung đội có 80% huấn luyện đạt khá, giỏi; 100% chiến sĩ biết bơi; huấn luyện quân nhân dự bị đạt 100% so với chỉ tiêu, kết quả hằng năm đạt khá.

Để nâng cao chất hượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đoàn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 xác định tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết TW8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; duy trì nghiêm các chế độ SSCĐ, nâng cao chất lượng các cuộc diễn tập; phối hợp chặt chẽ với công an, Bộ CHQS sự các tỉnh, Ban CHQS các huyện, thị xã trên địa bàn các đơn vị đóng quân thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng trong tình hình mới. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, bảo đảm an toàn tuyệt đối, trong đó nâng cao phương pháp huấn luyện theo tình huống. Lãnh đạo bảo đảm tốt công tác hậu cần, tài chính, vũ khí trang bị kỹ thuật cho các nhiệm vụ.

Nhằm bảo đảm tốt cho triển khai hiệu quả Luật Quốc phòng (sửa đổi), thời gian tới cần nâng cấp Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, về động viên công nghiệp thành Luật về lực lượng dự bị động viên, động viên công nghiệp. Điều chỉnh độ tuổi phục vụ tại ngũ ứng với cấp bậc quân hàm để tương xứng giữa tuổi phục vụ của sĩ quan và tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp.

Để đưa Luật Sĩ quan, Luật Nghĩa vụ quân sự... vào cuộc sống, đề nghị tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ, trình Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư hướng dẫn tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, các văn bản về xây dựng chính quy trong quân đội cơ bản ban hành từ năm 2000 trở về trước có nội dung không còn phù hợp, đề nghị nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với các văn bản pháp luật về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam mới được ban hành.

HỒNG LÊ (ghi)