Tăng cường quản lý nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên
Gần 1.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên đã được cấp cho các doanh nghiệp, hộ nông dân, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè.

Xác định chè là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nên thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều đề án lớn để đẩy mạnh trồng và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh đã có Đề án xây dựng nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên và được UBND tỉnh giao là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên. Thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Hội đã thường xuyên tổ chức các hoạt động kiểm tra, rà soát, thẩm định, đánh giá và cấp gần 1.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên cho các doanh nghiệp, hộ nông dân, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè.

Qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy, các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè trên địa bàn đã nhận thức đầy đủ về giá trị thương hiệu, nhãn hiệu; đồng thời, thực hiện tốt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm chè có nhãn hiệu.

Bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc Hợp tác xã chè Tuyết Hương, huyện Đồng Hỷ cho rằng: “Chúng tôi phải khẳng định được nguồn gốc, xuất xứ chè ở Thái Nguyên. Qua đó, cũng tránh nhầm lẫn với các sản phẩm chè của các tỉnh khác”.

Bà Vũ Thị Dung, Giám đốc Hợp tác xã Trà Sơn Dung, TP Thái Nguyên thì nêu ý kiến: “Chúng tôi biết là được quyền sở hữu nhãn hiệu Chè Thái Nguyên thì sản phẩm được đi xa hơn. Cụ thể, sản phẩm chè của hợp tác xã Trà Sơn Dung đã được xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Canada và nhiều nơi khác nữa”.

Việc được quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên là rất quan trọng, góp phần rất lớn trong việc nâng cao giá trị sản phẩm chè. Tuy nhiên, cũng còn một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của điều này, nên chưa biết cách khai thác để nâng cao giá trị sản phẩm của mình khi đã có chứng nhận. Do đó, công tác tuyên truyền là giải pháp quan trọng đã được các cấp hội Nông dân đẩy mạnh.

Ông Đỗ Xuân An, tổ 1, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ đề nghị: “Muốn mở rộng hơn nữa, nhưng một số người trồng chè trong chúng tôi lại chưa biết được tác dụng của nhãn hiệu tập thể, về quyền sử dụng nhãn hiệu đó của mình trên thị trường. Mong các ngành chức năng tiếp tục bổ trợ kiến thức về vấn đề này cho người trồng chè”.

Bà Dương Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ nói về giải pháp: “Hội Nông dân huyện thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai nhiều lớp tập huấn về sản xuất và chế biến chè. Chúng tôi đã đưa các hộ nông dân đi tham gia các hội chợ triển lãm về chè”.

Thời gian tới, nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý và phát triển thương hiệu Chè Thái Nguyên, giúp người tiêu dùng hiểu về ý nghĩa, giá trị và tin tưởng sử dụng những sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên, Hội Nông dân tỉnh đã đăng tải danh sách các đơn vị, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh được sử dụng nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên trên ứng dụng công dân số C-Thái Nguyên; website của Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên tại địa chỉ thainguyen.gov.vn và Cổng thông tin điện tử của Hội Nông dân tỉnh tại địa chỉ hoinongdan.thainguyen.gov.vn.

Ông Dương Văn Tuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên cho biết về định hướng của hội: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường thực hiện các giải pháp bảo vệ thương hiệu Chè Thái Nguyên. Tránh tình trạng vi phạm thương hiệu trên địa bàn tỉnh và trong cả nước, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao thương hiệu để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm Chè Thái Nguyên tốt nhất”.

Để tiếp tục thúc đẩy cho quá trình phát triển thương hiệu Chè Thái Nguyên trên thị trường cả nước và thế giới thì rất cần có sự chung tay xây dựng của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, người trồng chè. Bên cạnh đó, cần quan tâm tới ba yếu tố vô cùng quan trọng của việc xuất khẩu là phải đổi mới công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm./.