Quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
Đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chủ trì phiên họp toàn thể UBND tỉnh lần thứ 19 |
Trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra ngay từ những ngày đầu, tháng đầu. Quá đó, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục đạt những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, tháng 2 là tháng đầu sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên một số chỉ tiêu giảm so với tháng trước, như: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn đạt giảm 12,15% nhưng tăng 7,76% so với cùng kỳ; Tổng thu ngân sách 02 tháng đầu năm 2023 đạt 2.569,9 tỷ đồng, giảm 23,2% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt trên 2.1 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt trên 5.600 tỷ đồng, tăng 57,1% so với cùng kỳ.
Trong tháng 2, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng theo Chỉ thị số 01 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần hạn chế tín dụng đen. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đến 28/02/2023 đạt 92.200 tỷ đồng.
Về sản xuất nông nghiệp, vụ đông năm nay do ảnh hưởng của thời tiết nóng kéo dài, rét muộn, các loại cây rau khó sinh trưởng, phải trồng lại nhiều lần nên diện tích gieo trồng đạt 13,4 nghìn ha, giảm 0,7% so với năm trước; hoạt động chăn nuôi phát triển ổn định, công tác phòng, chống dịch bệnh được đảm bảo...
Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia được đẩy mạnh, nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia. Đời sống người dân tiếp tục cải thiện. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; thông tin truyền thông được tăng cường.
Hội nghị đã tập trung phân tích kỹ lưỡng tình hình, đánh giá khách quan, trung thực về những kết quả đã làm được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Đồng thời đề xuất một số giải pháp phù hợp, kịp thời để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công; tiến độ xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững...
Cũng trong chương trình, hội nghị cho ý kiến vào các nội dung dự kiến trình Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh: Dự thảo Nghị quyết về việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022; Quy định hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên quản lý; kết quả thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình cải cách hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025...
Phát biểu chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; Các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm; Chú trọng kiểm tra, đôn đốc để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Đồng thời công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, xây dựng, tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh cần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm tiến độ, hiệu quả và đúng quy định; Tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hành chính nhà nước, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư và tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao thứ hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (Par Index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); Quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo bền vững./.