Quốc hội thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo
Chiều 18/11, Quốc hội đã thông qua biểu quyết của đại biểu Quốc hội. Theo đó 84,58% ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Trước đó, ông Phan Thanh Bình - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Đại biểu thông qua Luật tín ngưỡng tôn giáo |
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, ý kiến của các đại biểu đề nghị bổ sung, chỉnh lý một số điều của Luật tín ngưỡng tôn giáo là xác đáng, nhằm cụ thể hóa nội hàm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các tổ chức tôn giáo, các cá nhân có tín ngưỡng và tín đồ tôn giáo, thể hiện chính sách của Nhà nước trong việc ghi nhận, tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của con người.
Việc thực hiện các quyền này cần tuân thủ quy định của Hiến pháp.
Về điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo, ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội đề nghị thay đổi điều kiện về thời gian hoạt động từ khi được cấp chứng nhận hoạt động tôn giáo đến khi công nhận tổ chức tôn giáo từ 5 năm thành 10 năm. Có đại biểu đề nghị không quy định thời gian hoạt động là một điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo.
Vấn đề này ông Phan Thanh Bình cho biết, việc quy định tổ chức có đăng ký hoạt động tôn giáo sau một thời gian hoạt động mới được xem xét công nhận tổ chức tôn giáo là cần thiết, nhằm kiểm chứng thực tiễn hoạt động của tổ chức trước khi công nhận, bảo đảm tổ chức tôn giáo hoạt động ổn định, tồn tại lâu dài. Pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới cũng quy định về điều kiện này khi xem xét công nhận tổ chức tôn giáo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến Quốc hội về quy định thời gian hoạt động ổn định trước khi được công nhận là 5 năm hoặc 10 năm.
Từ kết quả lấy ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về điều kiện thời gian hoạt động là từ đủ 5 năm trở lên.
Về hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài cũng là vấn đề được quan tâm.
Một số đại biểu đề nghị rà soát các quy định về hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài, lược bỏ những nội dung trùng lặp hoặc không cần thiết; bổ sung một số nội dung còn chưa đầy đủ.
Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bổ sung và chỉnh lý nội dung, bảo đảm chặt chẽ, hợp lý, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời vẫn đảm bảo các quy định của luật pháp Việt Nam./.