Phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp
Khoa học, công nghệ được các HTX quan tâm và đầu tư để có sản phẩm chất lượng cao.

Sản xuất đồng loạt theo quy trình, phương pháp đồng bộ để cho sản lượng cao, chất lượng đồng đều..., gần 60 xã viên tham gia HTX Bình Minh (xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình) giờ đây đã bớt hẳn nơm nớp tình trạng được mùa mất giá, hay đổ rau đi vì không tiêu thụ được sản phẩm. Ông Nguyễn Duy Hiếu, xã viên HTX Bình Minh chia sẻ: “Bà con nhân dân ở đây làm tổ chức này tôi thấy có cái hay. Đầu ra đầu vào có sự đảm bảo”. Bà Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Bình Minh cho rằng, điều quan trọng là cân đối đầu ra sản phẩm: “Trước nhiều hơn thì lại khó, đối với HTX thì lại không như vậy, đủ nguồn cung cấp đảm bảo cho thị trường thì tốt hơn về đầu ra. Bà con không còn phải lo vất vả đi bán”.

Sau khi thành lập vào năm 2018, HTX Khe Cốc (huyện Phú Lương) hiện có 15 thành viên, sản xuất trên tổng diện tích 15 ha, vốn điều lệ 450 triệu đồng. HTX được thành lập với sứ mệnh liên kết thành viên và các hộ trồng chè tại địa phương, tạo sức mạnh về vốn, nhân lực, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn lao động. Để nâng tầm sản xuất, HTX đang đẩy mạnh đầu tư nâng cấp nhà xưởng, trang bị máy móc, thiết bị, phát triển bao bì, đóng gói... hướng tới mô hình sản xuất chè khép kín, từ sản xuất nguyên liệu đầu vào, đến chế biến, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Ông Tô Văn Khiêm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Khe Cốc nhấn mạnh: “Trong HTX có con dấu, đại diện được cho bà con nhân dân, ký kết được hợp đồng, nhập khẩu máy móc, thiết bị, có những đơn hàng lớn để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài”.

Trung bình mỗi năm tỉnh Thái Nguyên có từ 25 - 35 HTX nông nghiệp thành lập mới. Hiện toàn tỉnh gần 400 HTX phát triển theo hình thức sản xuất mới, an toàn, tập trung, quy mô lớn… Nhờ có sự liên kết chặt chẽ, hỗ trợ vốn, xúc tiến thương mại nên thị trường đầu ra đã dần ổn định, góp phần nâng cao mức thu nhập và ổn định đời sống cho xã viên. Nói về các giải pháp, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Hỗ trợ các HTX từ khi thành lập cho đến khi sản xuất, quá trình quản trị HTX, rồi khi có sản phẩm, chúng tôi sẽ hướng dẫn dán tem nhãn và đưa đi xúc tiến thương mại, giúp các HTX các cán bộ kế toán, cán bộ kỹ thuật, để các HTX có điều kiện phát triển”.

Các giải pháp trên được kỳ vọng sẽ giúp các HTX nông nghiệp kiểu mới vượt qua vướng mắc, khó khăn, lớn mạnh hơn nữa, đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Thái Nguyên./.