Phát triển mô hình cung cấp sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao cho người tiêu dùng
Toàn cảnh Dự án |
Được triển khai từ đầu năm 2015 trên diện tích hơn 60ha, đây là dự án được đánh giá là có quy mô và chất lượng lớn thứ 2 toàn Miền Bắc. Bên cạnh các hạng mục chính như: Khu nhà điều hành, Khu văn phòng, khu chăn nuôi bò thịt, khu chăn nuôi bò giống, khu chăn nuôi lợn, khu chế biến thức ăn, khu xử lý chất thải, khu trồng cỏ, trồng cây ăn quả được đầu tư xây dựng hết sức hiện đại. Hiện nay, dự án đang trong quá trình hoàn thiện và đã đi vào nuôi trồng thí điểm.
Được biết, sau khi hoàn thành, Dự án sẽ nuôi khoảng 2.000 con bò thịt và bò sinh sản; hơn 1.500 con lợn giống, lợn thịt các loại và nhiều loại gia cầm khác. Được biết, Giống của các loại Bò, Lợn đều được nhập khẩu và lựa chọn từ nền giống theo tiêu chuẩn quốc tế từ các nước Ấn Độ, Úc; Đan Mạch...
Toàn bộ hệ thống, trang thiết bị phục vụ dự án đều tự động hóa và khép kín |
Trao đổi với chúng tôi, Ông Hà Văn An, Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt - Chủ Dự án cho biết "Chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi quyết tâm cao và phải đầu tư nhiều hơn so với nuôi bình thường. Giá thành sản xuất chăn nuôi VietGAP cũng cao hơn một chút so với chăn nuôi thông thường bởi tỷ lệ hao hụt cao hơn do không dùng các loại kháng sinh cấm trong phòng trị bệnh. Nhưng bù lại, sản xuất VietGAP luôn yên tâm về đầu ra, dù là bán cho nhà chế biến xuất khẩu hay bán cho các hệ thống siêu thị để tiêu thụ ở thị trường nội địa. Với phương châm đó, chúng tôi quyết tâm sau khi hoàn thiện, Dự án sẽ cung ứng ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn nhất có thể".
Cũng theo đại diện dự án, để chăn nuôi thành công, trước tiên phải có con giống, sau đó đến quy trình chăm sóc. Do đó, bên cạnh nguồn giống được nhập khẩu từ nước ngoài, mọi quy trình chăn nuôi trong dự án đều được tuân thủ theo quy định hết sức nghiêm ngặt từ khâu khử trùng đến chăm sóc. Cùng với đó, toàn bộ hệ thống, trang thiết bị phục vụ dự án đều tự động hóa và khép kín. Chuồng được xây cao, thoáng mát, máng ăn bán tự động và hoàn toàn có thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh cũng như quá trình phát triển của đàn vật nuôi. Cùng với đó, hệ thống lắng phân tự động, nước thải được lắng xuống hầm biogas sẽ là nguồn nguyên liệu làm khí đốt và nước tưới cho cây trồng trong dự án. Đặc biệt, bao quanh dự án đều được trồng cây xanh, vừa tạo bóng mát, vừa góp phần bảo vệ môi trường xung quanh.
Toàn bộ nguồn thức ăn phục vụ Dự án đều do Công ty tự sản xuất và cung cấp |
Anh Trần Mạnh Công, Công nhân của Dự án nói "Toàn bộ hệ thống của Dự án đều được tự động hóa, do đó, đã tiết kiệm được nhiều sức lao động cho người lao động. Tuy nhiên, để vận hành được toàn bộ hệ thống này, chúng tôi đã được Công ty đào tạo hết sức bài bản. Cùng với đó, trước khi vào làm việc tại đây, chúng tôi cũng đã được tham gia các lớp tập huấn về VSATTP, vệ sinh chuồng trại. Do đó, có thể đủ kiến thức để đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt do Công ty đề ra".
Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có do Công ty tự sản xuất, Dự án được triển khai nhằm cung cấp nguyên liệu thịt bò, thịt lợn chất lượng cao cho thị trường trong tỉnh Thái Nguyên, các tỉnh miền Bắc như: Hà Nội, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, và các địa phương khác trong cả nước. Đặc biệt, Dự án đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, tạo chuỗi liên kết trong phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tập trung; giải quyết việc làm cho gần 100 lao động địa phương và người dân trong vùng.
Ông Hà Văn An, Chủ Dự án cho biết thêm "Không những đáp ứng yếu tố cung ứng sản phẩm an toàn cho thị trường, mục đích của chúng tôi là tạo ra chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng. Do đó, chúng tôi đã cung ứng Giống cho bà con quanh vùng Dự án, cung cấp nguồn thức ăn và có sự giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt. Sau thời gian nhất định, chúng tôi sẽ thu mua lại của bà con nông dân, sau đó tiến hành vỗ béo khoảng 25 đến 30 ngày rồi mới xuất chuồng"
Có thể thấy, với kinh nghiệm gần 15 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản, thức ăn chăn nuôi, và hơn thế là việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về thực phẩm trước vấn nạn thực phẩm bẩn, thì hướng đi của Công ty Cổ phần Nam Việt là việc làm rất cần thiết. Nó không chỉ mở ra cơ hội cho ngành sản xuất thực phẩm an toàn của tỉnh mà còn góp phần không nhỏ vào thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạch đến năm 2020 của tỉnh Thái Nguyên./.