Tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Nhân dịp này, đã có 21 tập thể và 17 cá nhân được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên khen thưởng. |
Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh về kinh tế tập thể, HTX đã được nâng lên; nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển đã được ban hành, hoàn thiện và phát huy hiệu quả, bộ máy quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, HTX được làm rõ.
Nhiều tổ hợp tác, HTX được thành lập, hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành mục tiêu về xây dựng Nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Theo đó, tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 7.260 Tổ hợp tác, với trên 160 nghìn thành viên, người lao động và gần 470 HTX, tăng gần 190 HTX so với năm 2003 với trên 41 nghìn thành viên, doanh thu bình quân của HTX đạt 9 tỷ đồng/năm, tăng 10 lần so với năm đầu triển khai nghị quyết; thu nhập bình quân của thành viên, người lao động trong HTX đạt 45 triệu đồng/người/năm.
Tuy nhiên, thu nhập bình quân trong khu vực này còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, đa số các HTX có quy mô nhỏ, thiếu nguồn lực; việc đầu tư ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ còn hạn chế, sức cạnh tranh các sản phẩm chưa cao;… Trên cơ sở kết quả, tồn tại trong giai đoạn trước và mục tiêu trong giai đoạn 2020-2030, tỉnh Thái Nguyên đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, tập trung vào nâng cao nhận thức, chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể, HTX; giải pháp về hoàn thiện cơ cấu tổ chức; đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; tư vấn, hỗ trợ các HTX kiểu mới; xúc tiến thương mại và giải pháp về tập trung nguồn lực hỗ trợ các HTX.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn cần phải thống nhất cao về nhận thức và tư duy, phát triển kinh tế tập thể không nhất quyết phải theo đuổi xây dựng các hợp tác xã quy mô lớn, mà có thể tập trung vào việc xây dựng quan hệ hợp tác hiệu quả, nhân lên các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã đã thành công; định hướng các hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng chuỗi liên kết, có tính chuyên môn hóa cao...
Các loại hình kinh tế hợp tác phải phát triển theo nguyên tắc: Tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; căn cứ vào yêu cầu thực tế khách quan để thành lập, không nóng vội, chủ quan, duy ý chí. Qua đó, để kinh tế tập thể phát triển cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân trở thành nòng cốt phát triển kinh tế của địa phương. Đồng chí cũng yêu cầu các cơ quan chuyển môn tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể các chính sách hỗ trợ, từ đó loại bỏ những chính sách không còn phù hợp, duy trì và có thể tăng hỗ trợ đối với những chính sách phát huy hiệu quả tốt, quyết tâm tạo đột phá cho khu vực kinh tế tập thể phát triển. Đối với các tổ hợp tác, hợp tác xã cần nâng cao năng lực quản trị, chú trọng ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại để đáp ứng yêu cầu mới.
Nhân dịp này, đã có 21 tập thể và 17 cá nhân được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên khen thưởng vì có nhiều thành tích trong thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh. Trước đó, các đại biểu đã đến dâng hương, báo công Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà truyền thống Tỉnh ủy Thái Nguyên.