Nga coi phát triển kinh tế vùng Viễn Đông là nhiệm vụ quốc gia
Phát triển Vùng Viễn Đông của Liên Bang Nga, củng cố tiềm năng kinh tế, đổi mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đương nhiên là nhiệm vụ quan trọng mang tầm cỡ quốc gia.
Đây là tuyên bố Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra trong thư chào mừng Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ năm, dự kiến diễn ra từ ngày 4-6/9 tới tại thành phố Vlapostok, vùng Viễn Đông của Liên bang Nga.
Theo phóng viên TTXVN tại Nga, bức thư được đăng tải trên trang web của Điện Kremlin ngày 21/8, trong đó nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh: "Trong thời gian gần đây, nhiều biện pháp nghiêm túc, chưa từng có tiền lệ được áp dụng nhằm hỗ trợ giới doanh nghiệp trong khu vực, thành lập các ''Vùng lãnh thổ phát triển vượt trội.''
Nhiều cơ sở công nghiệp, xã hội, giáo dục, cơ sở hạ tầng thể thao được đưa vào khai thác sử dụng, chú ý thành lập các khu vực có cơ chế điều chỉnh pháp luật đặc biệt. Mối quan hệ đối tác giữa giới doanh nghiệp Nga và các nước châu Á-Thái Bình Dương không ngừng được củng cố và phát triển".
Theo Tổng thống Putin, Nga với tư cách cường quốc Á-Âu lớn nhất, quan tâm đến sự phát triển năng động của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và cởi mở đối thoại bình đẳng dựa trên cơ sở song phương, cũng như tại các khuôn khổ đa phương, theo kênh Liên minh kinh tế Á-Âu, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Tổng thống Putin tin tưởng rằng EEF lần này sẽ diễn ra trên tinh thần xây dựng, khởi động nhiều dự án mới, triển vọng giúp thúc đẩy hợp tác cùng có lợi.
Chủ đề chính của EEF lần thứ năm là những chỉ số tăng trưởng kinh tế và xã hội của vùng Viễn Đông, cũng những vấn đề nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở khu vực lớn. Ngoài ra, trong chương trình còn có các cuộc đối thoại-kinh doanh liên quốc gia với Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Năm 2018, tại EEF lần thứ tư, có 220 thỏa thuận và hợp đồng với tổng giá trị hơn 3.000 tỷ ruble (tương đương 45 tỷ USD) đã được ký kết.
Trước thềm EEF lần thứ năm, ngày 21/8 tại Moskva đã diễn ra hội thảo bàn tròn “Doanh nghiệp nhỏ vùng Viễn Đông – những cơ hội, điều kiện và ưu đãi”. Hội thảo đã nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với sự phát triển của vùng Viễn Đông, cũng như một số biện pháp hỗ trợ từ chính quyền để giúp các doanh nghiệp này khắc phục những khó khăn phát sinh.
Những đại biểu tham gia hội thảo khẳng định doanh nghiệp nhỏ vẫn là một yếu tố cần thiết và hiệu quả trong sự phát triển của nền kinh tế khu vực. Thứ trưởng Bộ phát triển Viễn Đông và Bắc Cực của Nga, ông Sergey Tyrtsev nói: “Chúng tôi cho rằng sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải trở thành một trong những đầu tàu để phát triển Viễn Đông. Chúng tôi sẽ làm tất cả cho mục đích này”. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ phát triển Viễn Đông và Bắc Cực Alexander Kozlov khẳng định Nga hoan nghênh các nhà đầu tư châu Á, trong đó có Việt Nam, tham gia đầu tư vào khu vực Viễn Đông.
Hiện ở Viễn Đông, các dự án lớn như Nhà máy xử lý khí Amur, Tổ hợp đóng tàu Zvezda, Tập đoàn nông nghiệp Rusagro... đã đóng góp đáng kể vào tổng mức đầu tư tại khu vực này. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp lớn như vậy không vượt quá 15% tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại vùng lãnh thổ phát triển vượt trội (TOR) và cảng tự do Vlapostok. Chiếm phần lớn vẫn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tại hội thảo, các đại biểu có chung nhận định rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ cần thị trường tiêu thụ, mà còn cần có cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính. Theo tính toán của giới chuyên gia, đến năm 2024, nước Nga cần thu hút khoảng 25 triệu người tham gia vào lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ, trong khi hiện nay con số đó mới chỉ là 19 triệu người. Do đó, nhà nước có kế hoạch chi 178 tỷ ruble (gần 28 triệu USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp này. Ngoài ra, khoảng 80 tỷ ruble (gần 12 triệu USD) đã được sử dụng để hỗ trợ cho 814 dự án đang được triển khai tại Viễn Đông.
Để giải quyết bài toán giao thông, Viễn Đông đang đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó các hành lang giao thông “Primorie-1” và “Primorie-2”có thể giúp nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa với các nước châu Á-Thái Bình Dương./.
Dương Trí-Hồng Quân (TTXVN/Vietnam+)