Phát triển kinh tế bền vững từ cách làm mới
Hiện thu nhập của gia đình anh Lường Văn Nam đã ổn định hơn nhờ tham gia Dự án “HTX liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững” |
Là một hộ nghèo, trước kia, anh Lường Văn Nam phải làm nhiều công việc nhưng thu nhập không ổn định. Từ khi anh tham gia Dự án anh Nam đã có công việc và thu nhập ổn định.
Anh Lương Văn Nam, xóm Vân Lăng, xã Văn Lăng, Đồng Hỷ cho biết: "Trước đay tôi đi làm thợ xây tuy nhiên thu nhập không ổn định và vất vả. Bây giờ đi làm ở HTX công việc nhẹ nhàng hơn và thu nhập cũng đã ổn định hơn trước."
Thay vì hỗ trợ bò trực tiếp cho người nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình theo phương thức nhỏ lẻ, Dự án được triển khai dưới hình thức cho hộ nghèo được vay bò nhưng chăn nuôi tập trung ở HTX. Đây là cách làm mới có sự liên kết chặt chẽ giữa Hợp tác xã và hộ nghèo. HTX có vốn và khả năng quản lý, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, còn người nghèo đi làm sẽ được trả công ở mức 200.000 đồng/người. Sau 1 năm triển khai Dự án, đàn bò 100 con sinh trưởng tốt. Bò cái giống đã sinh được 18 bê non, bò nuôi thịt phát triển ổn định. Tổng mức lợi nhuận ước tính gần 600 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Trang, Giám đốc HTX Bò Mông số 11, xã Văn Lăng, Đồng Hỷ cho biết:"Đối với hỗ trợ cho các thành viên của HTX là các hộ nghèo, cận nghèo tham gia dự án thì chúng tôi có hai hình thức hỗ trợ là: đến làm việc và trả công theo ngày, thứ hai là bán cỏ cho HTX cũng đem lại nguồn thu nhập cho gia đình."
Ông Bùi Đức Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Lương, xã Động Đạt, Phú Lương cho biết: "Với người dân tham gia chương trình thì việc chăm sóc đàn bò mang lại hiệu quả cao thì thu nhập của người dân cũng được nâng lên. Cuối năm nếu bán được giá cao thì người dân còn được thưởng thêm."
Dự án được xem là giải pháp hữu hiệu giúp hộ nghèo giảm nghèo bền vững |
Sau 3 năm triển khai dự án, từ 100 con bò được hỗ trợ vay ban đầu, trên cơ sở đàn bò sau khi sinh sản, 2 HTX sẽ chia cho 50 hộ nghèo tham gia dự án mỗi hộ một con bê để phát triển sản xuất. Đây là cách tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định, bền vững cho hộ nghèo ngay từ ban đầu, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương.
Ông Ngô Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lăng, Đồng Hỷ cho biết: "Đây là chương trình thí điểm đầu tiên của xã Văn Lăng và đã đem lại kết quả tốt được nhân đân đồng tình hưởng ứng. Và đây là cũng bước phát triển lâu dài trong thời gian tiếp theo để giúp người dân thoát nghèo bền vững."
Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng Chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Nhiều địa phương, đơn vị, các mô hình chăn nuôi trong tỉnh cũng đã đến học tập mô hình này, từ đó có cách làm nhân ra diện rộng nhiều hơn nữa đem lại hiệu quả, đặc biệt là việc giảm nghèo cho các hộ khó khăn một cách bền vững."
Việc liên kết sản xuất sẽ khắc phục được nhược điểm của quy mô kinh tế hộ nhỏ lẻ, phát huy được các lợi thế, thế mạnh của kinh tế HTX, tạo mô hình phát triển kinh tế bền vững, có nguồn thu nhập ổn định cho các hộ nông dân. Góp phần giảm nghèo bền vững tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống./.