Phát triển du lịch sinh thái - từ cách làm tại La Bằng, Đại Từ
Tháng 4/2023, điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn, xã La Bằng do Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Kẹm La Bằng quản lý được UBND tỉnh công nhận. |
Tháng 4/2023, điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn, xã La Bằng do Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Kẹm La Bằng quản lý được UBND tỉnh công nhận. Hợp tác xã gồm 8 thành viên, lĩnh vực hoạt động là kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày, dịch vụ ăn uống, du lịch cộng đồng. Với việc được công nhận là điểm du lịch cộng đồng đã góp phần đưa loại hình này phát triển bài bản, gia tăng giá trị kinh tế cho người dân.
Anh Lê Văn Phương, Chủ Tân Sơn Homestay, xã La Bằng, huyện Đại Từ chia sẻ: "Bắt đầu từ năm 2020, tôi làm chè. Xu thế khách đến suối Kẹm đông, nên tôi mạnh dạn đầu tư homestay".
Anh Nguyễn Văn Tới, Chủ La Bằng Homestay, xã La Bằng, huyện Đại Từ cho hay: "Môi trường nơi đây trong lành, không khí mát mẻ, nhu cầu của khách tăng nên tôi xây dựng homestay để phục vụ du khách".
Hiện nay, huyện Đại Từ đã lập Đề án phát triển du lịch sinh thái La Bằng, Hoàng Nông giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, tổng kinh phí dự kiến hơn 260 tỷ đồng. |
Hiện nay, huyện Đại Từ đã lập Đề án phát triển du lịch sinh thái La Bằng, Hoàng Nông giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, tổng kinh phí dự kiến hơn 260 tỷ đồng với một số nội dung chính như: Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết xây dựng điểm du lịch xã La Bằng, Hoàng Nông; mở rộng và tôn tạo di tích lịch sử quốc gia nơi thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên ở xã La Bằng; hỗ trợ vùng sản xuất chè tập trung gắn với phát triển du lịch xã Hoàng Nông, La Bằng; nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Quốc lộ 37 vào hai xã La Bằng và Hoàng Nông... Chủ trương này đã, đang tạo điều kiện cho các địa phương tiếp tục có hướng phát triển loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng.
Ông Triệu Văn Đông, Bí thư Đảng ủy xã La Bằng, huyện Đại Từ cho biết: "Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động bà con nhân dân xóm Tân Sơn, xã La Bằng gìn giữ bản sắc, bảo vệ rừng; định hướng bà con phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với phát triển thương hiệu chè của địa phương".
Có tiềm năng rất lớn, song để tránh việc khai thác du lịch một cách tự phát, manh mún, cần tiếp tục có thêm những chính sách nhằm bảo tồn, tái tạo và phát triển được tài nguyên tự nhiên, gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để không chỉ La Bằng mà còn nhiều nơi khác của tỉnh Thái Nguyên có thể tận dụng tối đa lợi thế, phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, góp phần gia tăng giá trị kinh tế./.