Phát huy thế mạnh Du lịch sinh thái cộng đồng
Khu du lịch sinh thái tại Suối cửa Tử, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ |
Những ngôi nhà nhỏ nằm biệt lập trên núi, xung quanh là cảnh sắc thiên nhiên của đồi chè, suối và rừng là những gì mà du khách nhìn thấy đầu tiên ở Hoàng Nông Farm - khu du lịch sinh thái tại Suối cửa Tử, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ… Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, du khách còn được thoả sức với hành trình du lịch khám phá những cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, những giây phút thư giãn hoặc trải nghiệm văn hóa địa phương độc đáo. Đây thật sự là thành quả đáng ngưỡng mộ của người trẻ trở về quê dựng homestay làm du lịch.
Anh Nguyễn Văn Tùng, Đại diện Homestay Hoàng Nông Farm, huyện Đại Từ chia sẻ: "Thái Nguyên có thế mạnh là rất gần Hà Nội và có những điều kiện tự nhiên, có suối, thác... văn hóa địa phương phù hợp với phát triển du lịch và từ đó tôi đã phát triển du lịch ngay chính trên quê hương mình, đặc biệt là checking trở về với thiên nhiên đang là xu hướng và thu hút khách du lịch rất là nhiều và từ đó thì tôi có phát triển ở hai cung checking suối".
Đến với quang cảnh thiên nhiên hoang sơ, đẹp như tranh vẽ của hồ Ghềnh Chè (xã Bình Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) chỉ cách trung tâm TP Thái Nguyên 20km về phía Nam, đây đang là khu du lịch sinh thái cộng đồng thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Cũng là địa điểm phù hợp với các tour du lịch ngắn ngày, đặc biệt là tour du lịch tham quan trên mặt hồ.
Với diện tích mặt nước lên đến 80 ha, hồ bao gồm 45 bán đảo lớn nhỏ tạo nên một khung cảnh ấn tượng. Mỗi mùa cảnh sắc Hồ Ghềnh Chè thay đổi và mang một nét đẹp đặc trưng. Mùa hè được xem là khoảng thời gian lý tưởng nhất để tham quan và dã ngoại tại khu vực hồ.
Ông Lê Văn Hiệp, Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè, TP Sông Công: "Đến với điểm du lịch này du khách đi tham quan có thể được trải nghiệm ba dịch vụ luôn trong một buổi".
Hồ Ghềnh Chè (xã Bình Sơn, TP Sông Công) cách trung tâm TP Thái Nguyên 20km về phía Nam |
Du lịch sinh thái cộng đồng là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hoá địa phương với mục tiêu bảo vệ môi trường, tạo cơ hội tìm hiểu, nâng cao nhận thức về môi trường và giao lưu văn hoá, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa cho khách du lịch. Được coi là nét tinh tuý của du lịch sinh thái và du lịch bền vững.
Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên: "Mục tiêu của việc phát triển du lịch cộng đồng nông thôn là việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát huy các cảnh quan, các di tích, các điều kiện về thiên nhiên ưu đãi ở các địa bàn để gắn với phát triển du lịch. Để gắn kết cộng đồng thì định hướng quan trọng nhất đó là xây dựng các hợp tác xã để kết nối cộng đồng bà con ở tại địa bàn làm du lịch cộng đồng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có trên 40 hợp tác xã về phát triển các sản phẩm du lịch cũng như có sản phẩm du lịch. Trong thời gian qua chúng tôi đã có đánh giá và cũng hỗ trợ khá hiệu quả, gần đây nhất là việc phối hợp tham ưu cho UBND tỉnh tổ chức đối thoại với các hợp tác xã du lịch trên địa bàn toàn tỉnh để kịp thời nắm bắt cũng như là tháo gỡ những khó khăn".
Dù đối mặt với nhiều thách thức, song, với tiềm năng và khả năng khai thác của mình, du lịch sinh thái cộng đồng tại tỉnh Thái Nguyên đã và đang hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách thập phương. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, sở, ngành, chính quyền địa phương, nhà đầu tư và cả cộng đồng sẽ góp phần quan trọng vào hiện thực hóa mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc, sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa Trà, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao./.