Tạo đà phát triển du lịch từ giá trị di sản văn hóa
Thái Nguyên hiện có 22 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng với hệ thống di tích lịch sử, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh ở cấp độ quốc gia hoặc địa phương và hệ thống các lễ hội truyền thống; Văn hóa ẩm thực của các dân tộc; các di sản văn hóa văn nghệ dân gian…khá phong phú với nhiều loại hình mang bản sắc truyền thống riêng của đồng bào 8 dân tộc cùng sinh sống. Tuy nhiên, đây mới chỉ là tiềm năng, lợi thế ban đầu để tạo đà phát triển du lịch văn hóa.
TS. Trần Văn Túy, Nguyên Ủy viên BCH TƯ Đảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV |
TS. Trần Văn Túy, Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV cho biết: Khi người ta đến thăm những di sản văn hóa, vậy thì ta phải làm sao để cho nó trở thành (như cái chùa, nơi ấy, di sản ấy, địa phương ấy) và để nó trở thành sản phẩm du lịch và cứ nói đến Thái Nguyên là người ta phải biết đến cái sản phẩm du lịch ấy, đấy mới là điều quan trọng.
Làm sao để di sản văn hóa trở thành câu chuyện nổi bật, ấn tượng dưới góc nhìn của những người đến trải nghiệm đó là mục tiêu của ngành du lịch. Cuối năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn làng truyền thống dân tộc Nùng xóm Tân Đô, xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ với mục tiêu góp phần bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và hỗ trợ phát triển hoạt động du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Dự án vào cuộc người dân đón nhận với tâm thế háo hức.
Ông Lâm Văn Tự, Bí thư Chi bộ xóm Tân Đô, xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên |
Ông Lâm Văn Tự, Bí thư Chi bộ xóm Tân Đô, xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho biết: Người Nùng là chúng tôi vẫn giữ được truyền thống bản sắc là ví dụ như hát then, hát si, hát lượn và vẫn giữ được phong tục trang phục. Hiện nay xóm Tân Đô chúng tôi có 65 nhà sàn rất đẹp, đặc biệt chúng tôi có món ăn gọi là Khau Nhục, gà thiến rất ngon, rượu Đông chí. Hàng năm chúng tôi cũng vẫn mở hội vào ngày mồng 4 Tết. Nhân dân xóm Tân Đô chúng tôi là rất là tâm huyết với Dự án mà được Nhà nước đầu tư cho. Chúng tôi rất mong là được tham gia những lớp tập huấn và được đi tham quan để học hỏi những cái nơi đã từng làm du lịch cộng đồng.
Đây chỉ là một trong số hàng chục chương trình, dự án bảo tồn, phục dựng và lưu giữ hồn cốt các giá trị của di sản văn hóa của Thái Nguyên. Thông qua đó, quá trình xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng từ các di sản văn hóa sẽ được phát huy sức mạnh. Nhưng để truyền được cảm hứng, lan tỏa được mạnh mẽ, sâu sắc vẻ đẹp của di sản văn hóa truyền thống đi xa hơn nữa thì nhất thiết phải giữ được hồn cốt di sản trong không gian phát triển của văn hóa bản địa.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, tư vấn và đào tạo về phát triển địa phương STG, Hà Nội |
Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, tư vấn và đào tạo về phát triển địa phương STG, Hà Nội cho biết: Phải cố gắng giữ nguyên được bản sắc văn hóa cũng như là những nền tảng truyền thống của từng dân tộc, như vậy thì chúng ta mới duy trì được một cái nét riêng và nó sẽ hình thành cái sản phẩm du lịch cộng đồng và nó sẽ bị lai căng với những dân tộc khác hoặc là chúng ta bị mất đi bản sắc, nên chúng ta cần phải lưu ý về mặt tài nguyên thiên nhiên, bởi vì du lịch cộng đồng nó sẽ gắn chặt với khai thác những tài nguyên thiên nhiên bản địa. Nếu như chúng ta khai thác không khéo và chúng ta làm ảnh hưởng ô nhiễm đến môi trường thì chúng ta sẽ băng hoại mất những cái tài nguyên quý giá này và nó mất đi cái không gian của rừng, của núi, của nước thì văn hóa nó cũng mất theo.
Di sản văn hóa là chìa khóa để phát triển du lịch bền vững. Mỗi địa phương ở Thái Nguyên tiếp tục phải lựa chọn những giá trị văn hóa đặc trưng của từng dân tộc gắn với phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo. Di sản văn hóa sẽ trở thành nền tảng quan trọng trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch Thái Nguyên trên bản đồ du lịch Việt Nam.