Phát triển bền vững - đường tới thành công của doanh nghiệp Việt
Phát biểu tại Diễn đàn phát triển bền vững mới đây tại Hà Nội, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, phát triển một cách bền vững là con đường độc đạo của doanh nghiệp Việt, với 3 trụ cột chính: con người, trái đất và lợi nhuận.
Các vướng mắc của doanh nghiệp đang dần được tháo gỡ để hướng đến phát triển bền vững (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh tạo ra lợi nhuận kinh tế, doanh nghiệp cần phải quan tâm đến vấn đề con người và môi trường. Đó chính là nét văn hóa mà tất cả các doanh nghiệp Việt phải hướng tới, TS. Lộc nhấn mạnh.
Giấy thông hành
Chia sẻ trên Enternews, bà Dương Mai Hoa, TGĐ Vingroup cho biết, xu hướng phát triển bền vững là con đường tất yếu của doanh nghiệp và phi lợi nhuân là xu hướng phát triển chung của các doanh nghiệp xã hội hướng đến cộng đồng.
“Với những nỗ lực đang triển khai, chúng tôi mong muốn là doanh nghiệp tiên phong thúc đẩy mô hình phi lợi nhuận trong lĩnh vực giáo dục và y tế,” bà Hoa khẳng định.
Không chỉ Vingroup mà nhiều công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp trong nước như Vinamilk, SaigonTourist… cũng xác định được các hướng đi bền vững và đứng vững để cạnh tranh trên thị trường. Ngoài lợi nhuận, các doanh nghiệp cũng có chính sách làm việc bảo đảm an toàn và sức khoẻ cho người lao động và tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường…
Theo Chủ tịch VCCI, một doanh nghiệp bền vững sẽ có được 2 loại giấy chứng nhận: 1 là chứng nhận về kinh doanh, và 2 là sự công nhận từ chính những nhân viên, người lao động, các đối tác và cộng đồng. Đây mới chính là giấy thông hành cho doanh nghiệp trên chặng đường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Enternews dẫn lời TS. Kristan Schoultz – Quyền Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam cho hay, đã có bằng chứng thuyết phục về doanh nghiệp thành công đi kèm với trách nhiệm xã hội lớn hơn. “Làm giàu bằng việc làm tốt” là một xu hướng mới nổi trong các doanh nghiệp đang tìm kiếm thị trường mới tại các nước đang phát triển. Nghiên cứu cho thấy đang có sự chuyển dịch rõ rệt từ việc trực tiếp tổ chức các hoạt động từ thiện hay đóng góp cho các mục đích từ thiện sang áp dụng mục tiêu kép này.
Xây dựng "đẳng cấp" thương hiệu
Tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2016, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, Việt Nam vẫn chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp với những thương hiệu và đẳng cấp cao trong khu vực và trên thế giới.
Các “đại gia” của Việt Nam hiện nay chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và bất động sản. Đa số các doanh nghiệp nội mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, tính bài bản và chuyên nghiệp thấp, chưa đạt chuẩn toàn cầu.
Muốn thành công trong hội nhập, doanh nghiệp Việt phải nâng tầm để đạt đến chuẩn mực quốc tế (Ảnh minh họa: Dân trí) |
Bên cạnh đó, việc đầu tư vào phát triển và ứng dụng công nghệ đang là đòi hỏi cấp bách để doanh nhân Việt Nam thực sự đặt chân vào nền kinh tế thế giới.
Hiện nay, cơn lũ quét của công nghệ đang cấu trúc lại nền kinh tế thế giới. Các đại gia sống nhờ tài nguyên, giàu lên nhờ dầu mỏ đang mất dần lợi thế. Cơ hội của các nền kinh tế, các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo đang lên ngôi.
Nhưng trong bức tranh mới của nền kinh tế thế giới, đang có những thương hiệu công nghệ lâm vào giai đoạn thoái trào do không theo kịp xu thế, không đủ đổi mới và sáng tạo.
Nhìn ra thị trường quốc tế, các thương hiệu giá trị hàng đầu thế giới đều tập trung vào lĩnh vực công nghệ như Google, Facebook, Yahoo, Microsoft, Apple… Tại Việt Nam, các tập đoàn lớn về công nghệ, viễn thông như FPT và Viettel cũng khẳng định “đẳng cấp” của doanh nghiệp thời hiện đại.
Hơn cả những con số
Kỷ lục về số doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam trong một năm được chính thức xác lập. Lần đầu tiên, trong năm 2016, Việt Nam có 110.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Chia sẻ trên báo Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông dùng từ “sống động” khi nhắc tới kỷ lục này. Theo ông Đông, điều này phản ánh sự tăng trưởng của doanh nghiệp Việt những năm gần đây. Điều đó cho thấy sức sống của môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao kỷ lục năm 2016 (Ảnh minh họa: KT) |
Sự sống động và sức sống của môi trường kinh doanh Việt Nam không chỉ ở con số kỷ lục về doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016, mà còn ở tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 8,1 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2015. So với con số 6,3 tỷ đồng của năm 2015, quy mô doanh nghiệp thành lập mới năm nay cũng tăng mạnh.
Tuy nhiên, hiện nay, mối quan ngại về một lớp doanh nhân lớn lên bằng quan hệ “thân hữu” đang cản đường của những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Thậm chí, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam trở nên méo mó bởi cách thức “đầu tư” vào quan hệ và các nhóm lợi ích.
Tại Đại hội toàn quốc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải xóa bỏ ngay tình trạng quan hệ thân hữu đang “bóp chết” việc làm ăn chân chính của doanh nghiệp.
Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt đến xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã tập trung xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thúc đẩy khởi nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và thành công./.