Pháp kêu gọi châu Âu ủng hộ sáng kiến can thiệp quân sự chung
Ngày 30/8, nhân chuyến thăm tới Phần Lan, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tục kêu gọi các nước châu Âu đoàn kết nhằm tương trợ lẫn nhau trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: RFI) |
Trong buổi họp báo chung với Tổng thống Phần Lan, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tục kêu gọi các nước châu Âu đoàn kết trong lĩnh vực quốc phòng, nhằm đảm bảo an ninh của châu Âu trước các nguy cơ và thách thức chung.
“Châu Âu có cùng quan điểm đối với những nguy cơ về chính trị và địa chính trị đang phải đối mặt, cũng như sự cần thiết của việc xây dựng một châu Âu có khả năng bảo vệ và phòng thủ. Tuyên bố chung trong lĩnh vực quốc phòng đã được các nước châu Âu thông qua nhân dịp này khẳng định sự đồng nhất quan điểm. Nước Pháp đã đề xuất một sáng kiến can thiệp giữa các quốc gia châu Âu, tập hợp các quốc gia châu Âu nhằm thiết lập một văn hóa phòng thủ chiến lược chung. Pháp có thể làm việc cùng các quốc gia có chung những quan ngại về các nguy cơ này”, Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định.
Nhân dịp này, Tổng thống Emmanuel Macron đã đề xuất các nước châu Âu thiết lập một cơ chế đoàn kết tự động trong lĩnh vực quốc phòng. Với cơ chế này, các nước châu Âu sẽ can thiệp quân sự trong trường hợp một nước thành viên bị tấn công.
Theo Tổng thống Emmanuel Macron, để thực hiện được điều này, châu Âu cần tiến hành cải cách, đặc biệt là điều khoản của Hiệp ước Lisbonne liên quan tới sự tương trợ giữa các nước châu Âu. Đây cũng chính là điều khoản mà nước Pháp đã kích hoạt lần đầu tiên sau vụ khủng bố tại Paris hồi năm 2015.
Ông Macron cũng nhấn mạnh, NATO vẫn sẽ là đồng minh quan trọng và chiến lược của châu Âu. Tuy nhiên, sự đoàn kết giữa các quốc gia châu Âu cần phải được củng cố và thúc đẩy nhằm thích ứng với bối cảnh địa chính trị mới khi mà Mỹ đang thực thi chính sách giảm dần can dự vào hoạt động phòng thủ tại châu Âu.
Trước đó, Tổng thống Pháp đã đề xuất Sáng kiến can thiệp chung châu Âu (European Intervention Initiative) hướng tới giúp các quốc gia châu Âu có khả năng cùng triển khai nhanh một chiến dịch quân sự, sơ tán hay hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp khủng hoảng.
Đến nay, sáng kiến này có 9 thành viên gồm Pháp, Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Đức, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Anh./.