Facebook Zalo youtube Tiktok

Tin 24h ngày 11/12/2024

Việt Nam
Ngày 11/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 131/CĐ-TTg về việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
aa

Công điện của Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Chú thích ảnh
Khu vực giải quyết thủ tục hành chính của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh tư liệu: Lâm Khánh/TTXVN

Công điện nêu rõ: Thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện, trong đó chú trọng việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, thủ tục hành chính nội bộ, phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính và đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là việc triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh tại 5 địa phương.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc đánh giá tác động quy định thủ tục hành chính tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của một số bộ, ngành, địa phương còn hình thức. Công tác tham vấn đối tượng chịu tác động chưa phát huy hiệu quả. Một số quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, mâu thuẫn, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, giảm chi phí tuân thủ ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các công việc.

Theo đó, kiểm soát chặt chẽ và thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả việc tham vấn đối tượng chịu tác động theo đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những thủ tục hành chính đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Đồng thời, khẩn trương xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh và giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư theo các phương án cắt giảm, đơn giản hóa đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu tại văn bản số 6866/VPCP-KSTT ngày 26/9/2024 về việc thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung các luật và văn bản số 7575/VPCP-KSTT ngày 16/10/2024 về việc thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung văn bản dưới luật.

Các bộ, ngành, địa phương công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính để đội ngũ cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện; 100% hồ sơ thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và phải liên thông, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ sớm hoàn thành việc nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trong năm 2025.

Bên cạnh đó, thường xuyên giám sát, theo dõi việc thực hiện các quy định, thủ tục hành chính sau khi được ban hành; kịp thời lắng nghe, phát hiện để sửa đổi, bổ sung những quy định, thủ tục hành chính không còn phù hợp, làm cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Định kỳ hằng tháng công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công, Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương.

Bộ Tư pháp, Tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung nâng cao chất lượng thẩm định quy định về thủ tục hành chính tại các đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chỉ ban hành thủ tục hành chính thật sự cần thiết, hợp pháp, khả thi với chi phí tuân thủ thấp nhất.

Bộ Tư pháp - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan rà soát, đề xuất ưu tiên đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các dự án luật để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được nêu tại văn bản số 6866/VPCP-KSTT ngày 26/9/2024 về việc thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung các luật.

Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Tổ công tác) giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Công điện này; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của bộ, cơ quan, địa phương; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời.

Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Hội đồng tư vấn) phát huy vai trò tư vấn, đề xuất các sáng kiến cải cách và chủ động nắm bắt, cung cấp thông tin, tài liệu chi tiết, rõ ràng về các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân và đề xuất giải pháp (nếu có) để báo cáo Tổ công tác kịp thời tháo gỡ.

Văn phòng Chính phủ tăng cường, phát huy vai trò thẩm tra, có ý kiến độc lập về quy định thủ tục hành chính tại các đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm giấy phép và đổi mới hoạt động cấp phép tại các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2025 - 2030, hoàn thành trong Quý I năm 2025; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2025, hoàn thành trong tháng 1/2025.

Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương nâng cấp, phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng: tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin về thủ tục hành chính, kịp thời nắm bắt, phát hiện những vấn đề khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, nâng cao năng lực phản ứng chính sách. Ngoài ra, cung cấp các biểu mẫu điện tử tương tác tự động điền thông tin để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính; hỗ trợ kiểm soát chặt chẽ quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật từ khâu xây dựng dự thảo; cung cấp chức năng tham vấn trực tuyến các đối tượng chịu tác động; đánh giá nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương. Hoàn thành trong Quý IV năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo việc triển khai, đôn đốc, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện công điện này.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các thành viên Tổ công tác, thành viên Hội đồng tư vấn tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Công điện này đến từng cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức thuộc phạm vi chức năng quản lý; định kỳ hằng tháng báo cáo kết quả thực hiện công điện này (lồng ghép trong báo cáo cải cách thủ tục hành chính hằng tháng gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).

Thời tiết ngày 11/12: Chiều và đêm Bắc Bộ trời chuyển rét, vùng núi có nơi rét đậm

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khoảng trưa và chiều ngày 11/12, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ.

Từ đêm 12/12, không khí lạnh tiếp tục tăng cường và ảnh hưởng đến phía Tây Bắc Bộ, Trung Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ. Gió chuyển hướng Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4.

Từ chiều và đêm 11/12, ở khu vực Bắc Bộ, trời chuyển rét, vùng núi có nơi rét đậm; từ chiều và đêm 12/12, ở khu vực Bắc Trung Bộ trời chuyển rét. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ phổ biến từ 14-17 độ C, vùng núi 11-14 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C; ở Bắc Trung Bộ phổ biến từ 16-19 độ C.

Trên biển, từ chiều và đêm 11/12, ở vịnh Bắc Bộ, gió chuyển hướng Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; từ đêm 12/12, gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 2-3 m.

Từ chiều và đêm 11/12, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3,0-5,0 m.

Từ chiều tối và đêm 11/12, vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2-3 m.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao, nên từ ngày 11/12 đến khoảng ngày 15/12, ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Giá vàng sáng nay 11/12 bật tăng mạnh

Cùng chiều với giá vàng thế giới tăng cao, giá vàng nhẫn, vàng miếng SJC trong nước sáng 11/12 bật tăng mạnh.

Cụ thể, tại thời điểm 9 giờ 10 phút, tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 84,8 - 85,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 900.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC công bố giá vàng nhẫn ở mức 84,3 - 85,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 800.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Tương tự, giá vàng miếng SJC cũng được các doanh nghiệp vàng điều chỉnh tăng mạnh, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá vàng miếng SJC ở mức 84,6 - 87,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 84,6 - 87,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Trên thị trường thế giới, giá vàng tăng lên mức cao nhất trong hai tuần, được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị gia tăng và dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất lần thứ ba vào tuần tới. Thị trường cũng đang hướng sự chú ý đến dữ liệu lạm phát của Mỹ, dự kiến được công bố vào ngày 11/12 (giờ địa phương).

Phiên 10/12, giá vàng giao ngay tăng 1,3%, đạt mức 2.692,32 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ chốt phiên tăng 1,2%, đạt 2.718,40 USD/ounce.

Ông Peter Grant, Phó Chủ tịch kiêm chiến lược gia cấp cao về kim loại tại Zaner Metals, nhận định: “Lo ngại về căng thẳng leo thang ở Trung Đông đang thúc đẩy nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn”.

Nhà phân tích Fawad Razaqzada của Forex.com nhận định: “Dữ liệu CPI sẽ ít ảnh hưởng đến giá vàng nếu chỉ dao động quanh mức dự báo. Tuy nhiên, chỉ số CPI cao hơn dự kiến sẽ làm giảm khả năng Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất trong đầu năm 2025”.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch dự đoán 86% khả năng Fed sẽ cắt giảm thêm 0,25 điểm phần trăm lãi suất tại cuộc họp ngày 17 - 18/12.

Vàng được coi là tài sản an toàn trong thời kỳ bất ổn kinh tế và địa chính trị, đồng thời thường tăng giá trong môi trường lãi suất thấp.

Ở một diễn biến khác, Trung Quốc cho biết sẽ áp dụng chính sách tiền tệ "hợp lý và linh hoạt" và một cách tiếp cận tài khóa chủ động hơn trong năm tới. Ông Razaqzada nói thêm: “Bất kỳ thông báo quan trọng nào cũng có thể hỗ trợ giá vàng, vì Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, đặc biệt khi dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, thúc đẩy nhu cầu trang sức để làm quà tặng”.

Cá ngừ Việt Nam tăng thị phần tại nhiều thị trường

Chú thích ảnh
Chế biến sản phẩm cá ngừ đại dương xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Bá Hải. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Sau thời gian sụt giảm xuất khẩu do tác động của các chính sách liên quan đến kích cỡ cá ngừ cũng như biến động thị trường, cá ngừ Việt Nam đang lấy lại vị trí và tăng thị phần tại nhiều thị trường.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, diễn biến khả quan nhất đến thời điểm này là xuất khẩu cá ngừ Việt Nam vào thị trường Mỹ đã tăng trở lại; trong đó, tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ đóng hộp vào Mỹ tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023, ước đạt hơn 95 triệu USD.

Bà Nguyễn Thị Vân Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam chia sẻ, Mỹ đang là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trong nhiều năm qua, chiếm 36% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này. Các nhà chế biến đồ hộp châu Á đang mở rộng thị trường tại Mỹ trong giai đoạn này. Thái Lan vẫn là nguồn cung cá ngừ đóng hộp lớn nhất cho Mỹ. Tuy nhiên, lượng cá ngừ đóng hộp nhập khẩu từ Thái Lan vào Mỹ trong giai đoạn này chỉ ở mức tương đương so với cùng kỳ. Trong khi đó, Mỹ lại tăng nhập khẩu từ Việt Nam và Hàn Quốc.

Hiện Việt Nam đã vượt qua Mexico trở thành nguồn cung cá ngừ đóng hộp lớn thứ 2 cho nước này sau Thái Lan, chiếm 12% tổng khối lượng nhập khẩu. Các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cũng đã được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ Việt Nam điều chỉnh giá thấp hơn, dao động trung bình ở mức 4.670 USD/tấn.

Hiện tại, kinh tế Mỹ đang phục hồi nhanh chóng và đây là nền kinh tế phát triển có triển vọng được điều chỉnh tăng cho cả hai năm. Tiêu dùng nội địa tại Mỹ cao hơn và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh tiền lương và giá cả tài sản tăng. Do đó, doanh số bán lẻ thuỷ sản tại Mỹ đang tăng lên, dự kiến sẽ thúc đẩy nhập khẩu thuỷ sản, bao gồm cả cá ngừ, trong thời gian tới. Do đó, đây sẽ là cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài Mỹ, thị trường Bồ Đào Nha cũng tăng nhập khẩu sản phẩm cá ngừ của Việt Nam. Hiện Bồ Đào Nha đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 6 của Việt Nam trong khối châu Âu. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, liên tục từ đầu năm các đơn hàng cá ngừ của Việt Nam đang được xuất sang Bồ Đào Nha và giá trị ngày càng cao hơn. Ước tính trong 11 tháng năm 2024, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này khoảng hơn 10 triệu USD, tăng 380% so với cùng kỳ năm 2023.

Cũng theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, Bồ Đào Nha là quốc gia nằm ở phía Tây Nam châu Âu, tuy là một đất nước nhỏ với 10 triệu dân nhưng lại là cửa ngõ thông thương ra thế giới khi có vị trí địa chiến lược quan trọng nằm ở trung tâm tam giác châu Âu, châu Phi, và Mỹ La tinh. Chính vì thế những năm gần đây, các nhà nhập khẩu Bồ Đào Nha đang gia tăng nhập khẩu thông qua các cảng của nước này. Cụ thể năm 2024, Bồ Đào Nha tăng nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến khác của Việt Nam; trong đó, đặc biệt là cá ngừ hấp đông lạnh. Các đơn hàng này phần lớn là tạm nhập tái xuất qua các cảng Bồ Đào Nha đến Vigo, Tây Ban Nha.

Việc Việt Nam gia tăng xuất khẩu cá ngừ sang Bồ Đào Nha không chỉ là hướng tới thị trường của đất nước này mà còn là cả thị trường châu Âu và châu Phi. Thêm vào đó, các sản phẩm cá ngừ Việt Nam đang được hưởng ưu đãi về thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng tối đa những ưu đãi để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, bà Nguyễn Thị Vân Hà cho biết thêm.

Được học lý thuyết thi bằng lái ô tô từ xa hoặc tập trung học từ 1/1/2025

Theo quy định mới tại Thông tư số 35/2024/TT-BGVT do Bộ GTVT mới ban hành, từ ngày 1/1/2025, khi đào tạo bằng lái ô tô, học viên có thể học lý thuyết theo hình thức tập trung, đào tạo từ xa hoặc tự học.

Thông tư số 35/2024/TT-BGVT quy định, khi đào tạo tất cả các hạng giấy phép lái xe ô tô, học viên phải học lý thuyết đầy đủ theo hình thức tập trung hoặc đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.

Theo đó, người có nhu cầu cấp GPLX các hạng: B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE phải học đủ chương trình lý thuyết theo quy định và được lựa chọn một trong các hình thức học như:

Tập trung tại cơ sở đào tạo lái xe hoặc đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn theo quy định của pháp luật về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe.

Đối với nội dung học thực hành lái xe phải học theo hình thức tập trung tại cơ sở đào tạo lái xe.

Về thời gian đào tạo lái xe ô tô; thời gian ôn tập, kiểm tra hết môn và nghỉ lễ, Tết để xây dựng tổng thời gian khóa đào tạo trong chương trình đào tạo lái xe không quá 90 ngày.

Người học lái xe được kiểm tra kết thúc môn học khi tham dự tối thiểu 70% thời gian học các môn lý thuyết. Học đủ thời gian và tối thiểu 50% số km học thực hành lái xe trên sân tập lái; học đủ số km và tối thiểu 50% thời gian học thực hành lái xe trên đường.

Cá chết trắng mặt hồ rộng 36 ha ở Hà Tĩnh

Chú thích ảnh
Khu vực hồ nuôi cá rộng 36 ha, nằm ở chân cầu Hộ Độ (thành phố Hà Tĩnh). Ảnh: TTXVN phát

Sáng 11/12, thông tin từ lãnh đạo xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh cho biết, từ khoảng 1 tuần trở lại đây, có tình trạng cá chim của một hộ nuôi trên địa bàn chết, với số lượng ước tính khoảng hơn 4 tấn.

Hồ nuôi có cá chết nằm ngay dưới chân cầu Hộ Độ, có diện tích 36 ha, thuộc địa giới của hai xã Thạch Hạ (thành phố Hà Tĩnh) và Hộ Độ (huyện Lộc Hà). Chủ hồ nuôi cá là ông Nguyễn Văn Nguyên, sinh năm 1976. Cá chết có trọng lượng từ 600 - 800g/con, nổi trắng mặt hồ và bốc mùi hôi thối từ mấy ngày nay.

Ông Nguyên cho biết: Cách đây 1 tuần, cá tại hồ nuôi bắt đầu có hiện tượng cá bỏ ăn, da mất sắc tố và bơi lờ đờ. Ngay khi cá có biểu hiện bất thường, chúng tôi đã cấp tập thu hoạch khoảng 15 tấn cá bán cho các thương lái. Trung bình 1 kg cá có giá từ 70 - 80.000 đồng, thu về khoảng 1 tỷ đồng.

Đến ngày 11/12, số cá chết lên tới khoảng 4 tấn. Ông Nguyên cho biết, ông thả hơn 18 vạn cá giống từ tháng 5/2024 trên diện tích 36 ha mặt nước. Cá đang trong giai đoạn thu hoạch, trọng lượng trung bình 0,7 kg. Nếu không có sự cố, gia đình ông Nguyên dự kiến thu hoạch cá bán cho vụ Tết với số lượng khoảng 30 tấn, thu về 4,2 tỷ đồng.

Những ngày qua, để đảm bảo vệ sinh môi trường hồ nuôi và môi trường xung quanh khu vực, chủ hồ đã huy động các công nhân và phương tiện tiến hành vớt, thu gom số lượng cá chết đem đi xử lý, tiêu hủy theo quy định. Tuy nhiên, do số lượng cá chết nhiều, diện tích hồ rộng nên việc xử lý, tiêu hủy vẫn chưa hoàn thành. Cá chết nhiều, tồn đọng đã gây nên mùi hôi thối tại khu vực xung quanh hồ nuôi.

Theo chính quyền địa phương, nguyên nhân của việc cá chết vẫn đang được xác định, nguyên nhân ban đầu có thể do ảnh hưởng của thời tiết.

NASA: Thế giới vừa trải qua tháng 11 nóng thứ hai trong lịch sử

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo tháng 11/2024 đã trở thành tháng 11 nóng thứ hai trong lịch sử.

Báo cáo cập nhật từ Viện Nghiên cứu không gian Goddard của NASA cho thấy nhiệt độ trung bình trong tháng 11 vừa qua đã cao hơn 1,31 độ C so với mức trung bình dài hạn từ năm 1951 đến 1980. Trong khi đó, tháng 11 nóng nhất từ trước đến nay là tháng 11/2023

Theo NASA, sự gia tăng nhiệt độ vượt mức trung bình này tiếp tục phản ánh một xu hướng ấm lên kéo dài, mà nguyên nhân chính là do các hoạt động của con người. Nhiệt độ toàn cầu trong những năm gần đây đã tăng mạnh. Số liệu của NASA cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay ở mức cao nhất trong lịch sử.

Trước đó, Cơ quan giám sát khí hậu châu Âu Copernicus cũng nhận định năm 2024 "chắc chắn" là năm nóng nhất được ghi nhận từ trước đến nay và là năm đầu tiên vượt "lằn ranh đỏ" vốn được vạch ra trong việc bảo vệ hành tinh khỏi tình trạng quá nóng đến mức nguy hiểm.

Hàn Quốc: Chính thức bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun dự một hội nghị tại Seoul, ngày 15/10/2024. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Sáng 11/12, cơ quan chức năng Hàn Quốc đã bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun với cáo buộc nổi loạn liên quan việc Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật trong thời gian ngắn, gây hỗn loạn trên cả nước.

Sau khi bị tạm giữ từ ngày 8/12, ông Kim Yong Hyun chính thức bị bắt với các cáo buộc "tham gia các nhiệm vụ quan trọng trong cuộc nổi loạn" và "lạm quyền cản trở việc thực thi quyền lực". Người phát ngôn Tòa án Trung tâm Seoul cho biết động thái bắt giữ được thực hiện do lo ngại về khả năng tiêu hủy bằng chứng.

Cũng vào rạng sáng 11/12, hai quan chức cảnh sát cấp cao cũng đã bị bắt giữ trong bối cảnh cuộc điều tra về tình trạng hỗn loạn chính trị đang được đẩy mạnh sau những tác động tiêu cực từ tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Hàn Quốc.

Trước đó, tiết lộ với các nhà lập pháp, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến tranh Đặc biệt Lục quân Kwak Jong Geun cho biết Tổng thống Yoon Suk Yeol đã trực tiếp ra lệnh ngăn cản đủ số nghị sĩ tập hợp tại Quốc hội để bỏ phiếu bác bỏ lệnh thiết quân luật.

Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền cho biết đang xây dựng "lộ trình từ chức" có thể dẫn đến việc Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức vào tháng 2 hoặc tháng 3 năm tới trước khi diễn ra cuộc bầu cử mới. Trong khi đó, phe đối lập lên kế hoạch tiến hành bỏ phiếu luận tội vào mỗi thứ Bảy hằng tuần./.

Thainguyentv.vn

Tin bài khác

Tin 24h ngày 9/12/2024

Tin 24h ngày 9/12/2024

Thời tiết ngày 9/12: Miền Bắc rét đậm và rét hại, miền Trung trời lạnh
Tin 24h ngày 8/12/2024

Tin 24h ngày 8/12/2024

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng sớm 8/12, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8.
Tin 24h ngày 7/12/2024

Tin 24h ngày 7/12/2024

Tối 6/12, Quỹ VinFuture chính thức công bố 4 công trình khoa học được vinh danh năm 2024. Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD đã được trao cho “Những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu”.
Tin 24h ngày 6/12/2024

Tin 24h ngày 6/12/2024

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 6/12, bộ phận không khí lạnh ảnh hưởng yếu đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sau đó khoảng ngày 7/12, không khí lạnh được tăng cường mạnh hơn, ảnh hưởng đến phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3-4, vùng ven biển cấp 4-5.
Tin 24h ngày 5/12/2024

Tin 24h ngày 5/12/2024

* 16 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Xem thêm

Đọc nhiều

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Có rất nhiều cách luận biển số tại Việt Nam, trong đó dựa trên phát âm và giá trị là hai cách phổ biến nhất. Quan niệm xấu, đẹp về biển số tại Việt Nam có ...
Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Vì sinh mệnh chính trị của Đảng, vì sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, các cấp ủy đảng từ Trung ương ...
[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

Trong 3 ngày qua, Thái Nguyên phát hiện 11 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, gồm 3 trường hợp tại huyện Đồng Hỷ (ngày 31/10, cách ly từ khi trở về Thái Nguyên), 8 trường ...
Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra,cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ ...
Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên công bố 99 ca nhiễm Covid-19 mới, cập nhật sáng 30/11. Tổng số ca mắc Covid-19 lũy tích từ 01/01/2021 đến nay: 410 ca
Xem trên
[Megastory] Thái Nguyên: Triển vọng từ mô hình chăn nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung  nguyên liệu chè xanh

[Megastory] Thái Nguyên: Triển vọng từ mô hình chăn nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh

Với mong muốn phát triển một sản phẩm chăn nuôi mang thương hiệu của ngành nông nghiệp địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Đề tài Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi lợn ...
[Megastory] Ký ức Lễ trình quốc thư đầu tiên

[Megastory] Ký ức Lễ trình quốc thư đầu tiên

70 năm đã trôi qua, ký ức về những ngày chuẩn bị tiếp quản thủ đô vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử trên ATK Đại Từ, Thái Nguyên. Một sự kiện ngoại giao quan ...
[Infographic] Nhìn lại công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

[Infographic] Nhìn lại công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã đi qua để lại hậu quả thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân các tỉnh miền Bắc nói chung và tỉnh Thái ...
[Infographic] Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên 9 tháng năm 2024

[Infographic] Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên 9 tháng năm 2024

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên trong 9 tháng năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, tiếp ...
[Photo] Mùa lúa ở Bản Tèn

[Photo] Mùa lúa ở Bản Tèn

Cảnh sắc Bản Tèn vào mùa lúa chín luôn là điều gì đó khiến nhiều người nhất định phải chinh phục trong hành trình du lịch vùng cao. Vẻ đẹp thơ mộng, bình yên của ...
Tự hào cờ đỏ sao vàng

Tự hào cờ đỏ sao vàng

Lá cờ nền đỏ với ngôi sao vàng 5 cánh luôn gắn liền với những sự kiện lịch sử hào hùng, là động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân ta phấn đấu, ...
[Infographic] Thái Nguyên: Khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên

[Infographic] Thái Nguyên: Khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên

UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 1908/QĐ-UBND về việc ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ...