Nông thôn mới Hà Nội trước ngã rẽ mới: Chính quyền hợp lòng dân
Từ sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng hưởng ứng của người dân Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy vừa qua đã đạt được nhiều thành tích nổi bật:
1. Về sản xuất nông nghiệp
Giá trị sản phẩm nông nghiệp thu hoạch trên 1ha đất đạt 239 triệu đồng/ha, tăng 6 triệu đồng so với năm 2015 và tăng 4 triệu đồng so với Kế hoạch của UBND thành phố (235 triệu đồng/ha). Tái cơ cấu và chuyển đổi cơ cấu có sự tiến bộ rõ rệt.
Nhờ trồng cây ăn quả đặc sản, nhiều hộ đã đổi đời |
Hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung như các vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mê Linh, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn… cho giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất truyền thống khoảng 25-30%; Vùng sản xuất rau an toàn ở Đông Anh, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ, Đan Phượng… với giá trị từ 400-500 triệu đồng/ha/năm; Vùng trồng cây ăn quả ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh Trì, Phúc Thọ… với giá trị 0,5-1 tỷ/ha/năm. Đã xây dựng được thương hiệu cho một số sản phẩm nông sản.
2. Về xây dựng NTM
Hạ tầng kinh tế xã hội khu vực nông thôn được tăng cường. Trong năm 2016, các huyện, thị xã và các xã đã tích cực triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Thành phố Hà Nội có thêm huyện Đông Anh được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM; 54 xã đã được Hội đồng thẩm định Thành phố bỏ phiếu nhất trí 100% đề nghị Chủ tịch UBND thành phố công nhận đạt chuẩn. Trong số 131 xã còn lại, có 88/386 xã (chiếm 22,8%) đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 42/386 xã (chiếm 11,14%) đạt và cơ bản đạt từ 10-14 tiêu chí, chỉ còn 1 xã ở huyện Ba vì là đạt và cơ bản đạt 8 tiêu chí.
3. Về nâng cao đời sống nông dân
Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2016 đạt 36 triệu đồng/năm, đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang.
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở một số huyện tương đối cao như Đan Phượng (80%), Phúc Thọ (80,2%), Phú Xuyên (75%), Chương Mỹ (76%),… Trên 91% số hộ gia đình có vô tuyến truyền hình; 100% số xã có máy tính kết nối Internet; hầu hết các hộ có điện thoại.
Năm 2016, số hộ nghèo là 44.412 hộ, giảm 20.965 hộ so với đầu năm, chiếm tỷ lệ 2,37%, trong đó khu vực nông thôn có 40.494 hộ nghèo, giảm 19.778 hộ, chiếm 3,65% (giảm 0,95% so với đầu năm 2016). Một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp như: Đông Anh (1,24%), Gia Lâm (1,46%), Đan Phượng (2,42%), Thanh Trì (2,54%),...
4. Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp
Tổ công tác liên ngành của Ban chỉ đạo đã tới từng huyện, thị xã hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở; dưới cơ sở các huyện, thị xã và các xã đã vào cuộc hết sức quyết liệt.
Thu hoạch lúa ở một cánh đồng mẫu lớn. |
Do đó đến cuối năm 2016 đã cấp được 602.963/629.452 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa (đạt 95,8%). Một số địa phương đã hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân như huyện Thanh Trì, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Thạch Thất, Mê Linh.
5. Về thực hiện chính sách đối với đồng bào vùng miền núi
Cùng với sự hỗ trợ của các quận nội thành trong việc chung sức xây dựng NTM đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng tỷ lệ các xã có trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia theo chuẩn mới.
Bộ mặt vùng đồng bào dân tộc miền núi ngày càng khang trang sạch đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, đến nay đã có 6/14 xã đạt chuẩn NTM như: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, (Thạch Thất); Phú Mãn, Đông Xuân (Quốc Oai); Trần Phú (Chương Mỹ).
6. Về kết quả huy động vốn
Tổng kinh phí đầu tư cho NTM toàn thành phố năm 2016 là 8.158.128 triệu đồng, trong đó Nguồn vốn ngân sách nhà nước 7.328.214 triệu đồng; Nguồn vốn huy động ngoài ngân sách 829.914 triệu đồng; Nhân dân đóng góp 339.789 triệu đồng; Các nguồn vốn khác 153.429 triệu đồng.
Ngoài ra, các quận cũng đã tích cự hỗ trợ các huyện trong xây dựng NTM. Trong năm 2015 đã hỗ trợ 95,5 tỷ; trong giai đoạn 2016-2020 các huyện đang tiếp tục đăng ký hỗ trợ. Đến nay, bước đầu đã có 7/12 quận: Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên, Bắc Từ Liêm và quận Tây Hồ cam kết hỗ trợ các huyện xây dựng NTM với tổng kinh phí là 70 tỷ đồng.