Nông sản "ế" cục bộ: Do chi phí vận chuyển quá cao
Chia sẻ tại buổi xúc tiến thương mại do Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức với chủ đề “Tư vấn, kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm giữa các doanh nghiệp phía Nam, với hệ thống phân phối phía Bắc” diễn ra sáng nay tại Hà Nội (23/5), nhiều doanh nghiệp cho rằng, có nhiều nguyên nhân của thực trạng này. Trong đó, việc tiếp cận giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này ở phía Nam đến các hệ thống phân phối tại phía Bắc như các chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị, các chợ đầu mối, đại lý thu mua… còn gặp nhiều khó khăn. Lý do là bởi thiếu kỹ năng, thiếu mối liên hệ; chi phí vận chuyển còn cao đối với lô hàng nhỏ; sản phẩm của phía Nam chưa được phát triển phù hợp với thói quen và sở thích tiêu dùng ở miền Bắc…
“Giá trị hàng hóa nông sản, thực phẩm không lớn nhưng những khó khăn về quy mô và vận tải đang đẩy giá thành của mặt hàng này lên thêm 20% đến 25%. Ngoài ra, khó khăn còn là việc kết nối như thế nào để đạt hiệu quả chi phí và giao hàng đúng hạn", đại diện một doanh nghiệp logistic chia sẻ.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp (DN) khu vực miền Nam vẫn bày tỏ nguyện vọng muốn thâm nhập thị trường miền Bắc bởi nơi đây có rất nhiều lợi thế như: nhà máy nằm sát vùng nguyên liệu; sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và đã có mặt tại rất nhiều hệ thống cao cấp, chuỗi bán lẻ và đã xuất khẩu đi nước ngoài;...
Các doanh nghiệp trao đổi về thế mạnh của mình để tìm kiếm đối tác |
Ông Trần Xuân Tùng Giám đốc một Công ty phát triển thương mại điện tử khác chia sẻ: “Các DN trong miền Nam muốn xây dựng 1 kênh phân phối ngoài Bắc phải đầu tư rất nhiều, nhưng không biết sản phẩm của mình có thực sự được thị trường ngoài Bắc chấp nhận hay không và nếu đầu tư đó không hiệu quả thì nó sẽ tính vào gánh nặng chi phí của DN.”
“Giải pháp về thương mại điện tử sẽ giúp DN thăm dò thị trường, bằng cách xây dựng hệ thống bán hàng tại khu vực miền Bắc nhưng là ảo trên mạng. DN không cần kho bãi, cửa hàng, nhưng vẫn có đầy đủ thông tin về xuất xứ, hình ảnh, giá bán niêm yết, tính năng mua bán online”, ông Tùng cho biết thêm.
Đồng quan điểm, đại diện một DN cung cấp ứng dụng bán hàng online cũng cho rằng: “Việc mở một kênh bán hàng mới và chăm sóc khách hàng là buộc phải có, tuy nhiên chi phí khá đắt đỏ và mô hình chưa được chuyên nghiệp. Vì vậy, các DN sẽ cần tới các ứng dụng đã có sẵn tập người dùng (cộng đồng người dùng đã được các ứng dụng xây dựng). Qua ứng dụng đó, DN sẽ được cung cấp việc quản lý khách hàng, biết được tên, tuổi, thói quen mua sắm, giá các sản phẩm đối tượng hay tiêu dùng. Từ đó ứng dụng sẽ cung cấp 1 kênh để DN tiếp cận khách hàng một cách đơn giản nhất".
Cũng theo ông Tùng để tạo sự khác biệt, các DN có thể đi theo 1 logic kinh doanh mới. Đó là cho phép tất cả những người tiêu dùng hàng hóa tham gia vào quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa của DN, bằng việc chuyển đổi từ người tiêu dùng thành cộng tác viên.
“Ngoài ra, khi sử dụng ứng dụng, các DN sẽ được tích hợp công cụ email marketing cho phép DN gửi hàng triệu email mà không cần mua thêm phần mềm nào khác. Bên cạnh đó là tính năng tờ rơi điện tử, nếu DN đưa ra các sản phẩm phù hợp với nhiều độ tuổi, hoặc nhu cầu khác nhau thì có thể đưa ra những tờ rơi điện tử giống như những tờ rơi thật.”, ông Tùng giới thiệu.