0057-xi-myng
Tính đến hết tháng 8, lượng tồn kho toàn ngành xi măng tăng trên 34% so với cùng kỳ.

8 tháng năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 470 nghìn tỷ đồng, bằng gần 59% kế hoạch năm. Không chỉ sản lượng ở nhiều ngành công nghiệp có xu hướng giảm, mà thị trường tiêu thụ cũng đang gặp khó khăn, dẫn đến sản lượng tồn kho cũng có xu hướng tăng. Tính đến hết tháng 8, lượng tồn kho toàn ngành xi măng là 125 nghìn tấn, tăng trên 34% so với cùng kỳ. Theo nhận định từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực, dịch bệnh COVID-19 đã tác động trực tiếp đến nhu cầu tiêu thụ. Xuất khẩu giảm, sản lượng tiêu thụ chủ yếu là thị trường trong nước, dẫn đến nguồn cung vượt cầu, sức ép tiêu thụ thị trường trong nước ngày một tăng. Ông Lê Bá Chức, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng La Hiên cho biết: “Để khắc phục tình trạng này thì đầu tiên, giải pháp của chúng tôi là phải tiết kiệm chi phí; thứ hai nữa là chất lượng sản phẩm phải đứng hàng đầu. Đối với sản xuất thì chúng tôi phải cân đối tiêu thụ với sản xuất, phải phù hợp, không được thừa”.

Không chỉ ngành xi măng, nhiều lĩnh vực công nhiệp như chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đang phải đối mặt trước áp lực tồn kho.

Đối với ngành may mặc, hết tháng 8 đã ghi nhận trên 15 triệu sản phẩm tồn kho, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Thực tế, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, không chỉ tỷ lệ đơn đặt hàng giảm, mà còn khiến giá thành sản phẩm cũng có xu hướng giảm theo. Giải bài toán này, nhiều doanh nghiệp may mặc của tỉnh đã chủ động chuyển đổi quy trình sản xuất, chuyển đổi kết cấu mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh thay vì các mặt hàng truyền thống. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG chia sẻ: “Đến quý II, việc tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn, cho nên sản phẩm bị tồn kho. Chúng tôi đã chuyển hóa số vải mua về để sản xuất ra hàng khẩu trang vải. Tôi nghĩ là Công ty TNG cũng như các doanh nghiệp khác, đều cố gắng thì chúng ta đẩy mạnh tiêu thụ sẽ góp phần giảm hàng tồn kho”.

Có thể thấy, việc gia tăng chỉ số tồn kho đang gây thêm áp lực đối với lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các ngành chế biến, chế tạo hiện nay, khi mà xu hướng phục hồi hậu COVID-19 vẫn còn chưa xác định, nhất là đối với thị trường xuất khẩu. Cụ thể, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tính đến hết tháng 8, các sản phẩm như máy tính bảng, điện thoại thông minh... tồn kho 2,6 triệu sản phẩm. Kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 12% so với cùng kỳ. Ông Park Byung Kyn, Tổng Giám đốc DongSong Vina thông tin: “Là một trong những vendor của Samsung, DongSong Vina chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm phụ trợ linh kiện điện tử. Thời điểm này, sản lượng tiêu thụ của SamSung có giảm so với trước. Điều này cũng khiến các doanh nghiệp vendor như DongSong vina cũng bị tác động theo”.

Khó khăn vẫn còn phía trước, song với sự vào cuộc kịp thời của các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, nhiều lĩnh vực đang nỗ lực thực hiện kế hoạch chung của cả năm. Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng tương lai gần về những tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu, đặc biệt, khi hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực từ đầu tháng 8 sẽ là chìa khóa mở tạo đà tăng trưởng, từ đó giảm áp lực đối với gánh nặng tồn kho trong những tháng cuối năm./.