Nhiều người dùng nhận thông báo khóa SIM một chiều từ ngày 2/6
Nếu không bổ sung thông tin sớm, người dùng sẽ bị khóa 1 chiều từ ngày 2/6 |
Một số người dùng di động vừa cho biết, từ sáng 31/5, khi thực hiện các cuộc gọi đi thì nhận ngay thông báo của nhà mạng trước khi được nối máy đến thuê bao ở đầu dây bên kia. Chị Thanh Trúc cho biết, khi thực hiện cuộc gọi đi, nhà mạng Viettel phát thông báo thuê bao quý khách sẽ bị khóa một chiều từ ngày 2/6 và đề nghị khách hàng đi bổ sung thông tin, ảnh chân dung cho thuê bao.
Đồng cảnh ngộ, một số người dùng mạng Viettel cũng chia sẻ thông tin trên Facebook rằng họ cũng nhận được thông báo tương tự và yêu cầu hoàn thành trước ngày 2/6.
Xác nhận với Dân trí, đại diện Viettel cho biết hiện đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP. Từ ngày 27/5/2018, Viettel tiến hành phát thông báo tự động cho toàn bộ khách hàng chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao và có thời gian dự kiến bị chặn chiều gọi đi vào ngày 2/6/2018 (sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên Viettel gửi thông báo).
Theo đó, khi khách hàng thực hiện cuộc gọi đến một thuê bao bất kỳ, hệ thống sẽ tự động phát thông báo thời gian khách hàng bị tạm ngưng dịch vụ 1 chiều theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP và đề nghị khách hàng nhanh chóng tự bổ sung thông tin qua ứng dụng My Viettel hoặc đến điểm giao dịch Viettel để được hỗ trợ.
Viettel cũng cho biết, thống kê cho thấy, sau 1 ngày phát thông báo bằng hệ thống IVR, số lượng khách hàng thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao tăng đột biến. Tính đến thời điểm này 70% khách hàng của Viettel có thông tin thuê bao di động chưa chính xác đã thực hiện việc bổ sung thông tin theo quy định. Chia sẻ thêm, Viettel cũng cho biết, vào ngày 18/5, Viettel đã gửi loạt tin nhắn đầu tiên đến một nhóm khách hàng chưa thực hiện xác nhận/bổ sung thông tin và ảnh chụp chân dung theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ để thông báo thời hạn cuối cùng phải bổ sung thông tin thuê bao.
Trao đổi với 2 nhà mạng khác là MobiFone và VinaPhone, đại diện các nhà mạng này nói rằng hiện tại vẫn chưa khóa bất cứ SIM nào chưa bổ sung thông tin và sẽ làm đúng quy trình với các thông báo trước đó. Trong đó, nhà mạng sẽ nhắn 5 tin nhắn liên tục ít nhất 5 ngày và mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện bổ sung, cập nhật thông tin thuê bao. Sau 15 ngày không bổ sung thông tin sẽ bị khóa 1 chiều thuê bao di động.
Theo lịch của Viettel, các thuê bao trong nhóm khách hàng đầu tiên có thể bị tạm ngừng cung cấp dịch vụ một chiều là vào ngày 2/6/2018 (15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo) nếu người dùng không hoàn thành việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động.
Đối với VinaPhone, nhà mạng này cũng cho biết, kể từ 16/5, nhà mạng này cũng áp dụng đúng quy định, tiến hành khóa SIM theo đúng quy trình thông báo của Bộ Thông tin và Truyền thông. Như vậy, các SIM chưa chuẩn hóa thông tin cũng có thể bị khóa một chiều từ những ngày đầu tháng 6 năm nay.
Đại diện các nhà mạng cũng chia sẻ thêm, trong thời gian qua cũng đã tổ chức phân lớp khách hàng theo khu vực và đối tượng để nhắn tin. Với biện pháp này, mỗi khách hàng sẽ có thời hạn cập nhật thông tin khác nhau và được thông báo đầy đủ qua tin nhắn để chủ động thực hiện qua các kênh online nhà mạng cung cấp hoặc đến trực tiếp các cửa hàng bổ sung.
Các nhà mạng cũng khuyến nghị khách hàng dành thời gian để bổ sung thông tin ngay sau khi nhận được tin nhắn thông báo để giữ liên lạc được thông suốt và bảo đảm quyền lợi của mình.
Theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 24/4/2017. Sau 12 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của mình tuân thủ đúng quy định tại Nghị định này.
Theo khoản 5, Điều 15, thông tin thuê bao gồm số thuê bao, thông tin trên giấy tờ tùy thân của cá nhân, bao gồm: họ và tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; số, ngày cấp, cơ quan cấp hoặc nơi cấp giấy tờ tùy thân; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (đối với người có quốc tịch Việt Nam). Thông tin đăng kí còn có thêm ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động)...
Cũng theo Nghị định này, nếu giả mạo, sử dụng giấy tờ cá nhân, tổ chức khác để thực hiện giao kết hợp đồng thuê bao SIM sẽ bị phạt từ 200 đến 500 ngàn đồng. Đối với người dùng chuyển quyền sở hữu SIM mà không đăng kí lại thuê bao cũng bị phạt tương tự.
Đáng chú ý, sẽ phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp viễn thông di động không thông báo hoặc không yêu cầu các thuê bao thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung khi phát hiện thông tin thuê bao không đúng quy định.