Ngành dệt may Thái Nguyên đón cơ hội từ Hiệp định RCEP
Hiệp định RCEP mở ra cơ hội cho doanh nghiệp ngành dệt may khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam

Hiệp định RCEP được ký kết với sự tham gia của 10 nước Asean và các nước: Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD, tạo nên khu vực thuơng mại tự do lớn nhất thế giới. Nhờ vào cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lý Hiệp định RCEP cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, hiệp định này dự kiến sẽ tạo cơ hội để ngành dệt may đẩy mạnh xuất khẩu, hình thành chuỗi cung ứng. Đặc biệt, khác với các hiệp định FTA khác, quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP lại là một “điểm cộng” tương đối dễ dàng cho doanh nghiệp Việt Nam.

PGS. TS Đỗ Anh Tài, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên cho rằng: “Ngành dệt may của chúng ta sẽ có cơ hội sử dụng nguyên liệu của Trung Quốc. Nhưng mà có thể xuất vào Nhật, đi Úc hay là một nước khác. Mà trong các hiêp định RCEP hay FTA chúng ta sẽ đỡ hơn về xuất xứ nguyên liệu khi sản xuất”.

Hiệp định RCEP cũng sẽ giải quyết được một số vấn đề lớn cho doanh nghiệp ngành dệt may khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam, cơ hội rộng mở với thị trường tỷ dân này. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng là một thị trường tiềm năng khi hàng may mặc Việt Nam được sản xuất từ nguyên phụ liệu Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón đầu cơ hội từ Hiệp định này. Trong đó, những vấn đề được doanh nghiệp quan tâm là đầu tư nâng cao quy mô dây chuyền, công nghệ sản xuất:

Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Thagaco, Thái Nguyên chia sẻ: “Để dạt được những chứng chỉ đánh giá quan trọng của ngành may vào các thị trường khó tính như Nhật, EU, Mỹ... chúng tôi phải setup 1 hệ thống theo tiêu chuẩn của khách hàng. Đó là hệ thống phải đảm bảo theo tiêu chuẩn 1 chiều, tinh gọn”.

Ông Nguyễn Viết Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần May Thành Hưng, Thái Nguyên khẳng định: “Đặc biệt là thời đại công nghệ nên chúng ta phải áp dụng nhiều hơn để nâng cao được đời sống của người lao động để chuẩn bị cho lịch trình 2021 khi bệnh dịch được khống chế chúng tôi sẽ tập trung vào sản xuất”.

Ngành dệt may Thái Nguyên đón cơ hội từ Hiệp định RCEP
Các doanh nghiệp dệt may cần nhanh chóng cải tiến, nâng cao công nghệ trước thách thức và cơ hội mà Hiệp định RCEP mang lại

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp khá lo ngại khi nguyên liệu từ Trung Quốc với giá rẻ sẽ tràn vào trong nước. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên, phụ liệu trong nước gặp khó khăn:

PGS. TS Đỗ Anh Tài, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên cho biết thêm: “RCEP nói riêng và tất cả các hiệp định FTA nói chung, để tận dụng được điều đầu tiên chúng ta phải hiểu về nó. Chúng ta phải nắm bắt được các quy định, các rào cản mà các hiệp định FTA đề cập đến. Đối với doanh nghiệp của chúng ta, cái phần mà cải tiến, nâng cao công nghệ đó là yêu cầu và thách thức. Cho nên vấn đề đặt ra là đổi mới, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh. Chúng ta không chỉ trông chờ vào lợi thế giá nhân công rẻ. Vì lợi thế này sớm muộn cũng sẽ không còn”.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hết năm 2020, sản xuất may mặc của tỉnh Thái Nguyên đạt khoảng 72 triệu sản phẩm, giảm 8,4% so với cùng kỳ và bằng 80% kế hoạch năm. Việc Hiệp định RCEP được ký kết sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp dệt may trong tỉnh tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong thời gian tới./.