Ngành chè Thái Nguyên nỗ lực hội nhập thị trường quốc tế
Khi một số Hiệp định Thương mại được thực hiện sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu quan trọng cho ngành chè Thái Nguyên. |
Đã có hơn 20 năm trồng, chế biến, buôn bán chè, nhưng chị Nguyễn Thị Hương Vân vẫn chỉ dừng ở mô hình hộ kinh doanh. Nhận thấy cơ hội để nâng tầm sản phẩm trà của gia đình cũng như gia tăng doanh số bán hàng không chỉ trong nước mà cả thị trường nước ngoài khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, tháng 10/2020, chị Vân đã quyết định thành lập hợp tác xã.
Chị Nguyễn Thị Hương Vân, Giám đốc Hợp tác xã Hương Vân Trà, Thái Nguyên chia sẻ: “Để đưa ra thị trường những sản phẩm tốt, chúng tôi luôn khẳng định vị thế của mình có bước tiến riêng, liên kết với người nông dân trong sản xuất và rất khắt khe về quy trình chăm bón, thu hái sao cho đạt tiêu chuẩn để đưa ra những sản phẩm xanh, sạch, đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng”.
Chị Nguyễn Thị Tú, Hợp tác xã Hương Vân Trà cho biết: “Từ khi vào hợp tác xã của chị Hương Vân thì sản phẩm chè nói chung ổn định về giá cả. Mình làm, chăm bón theo quy trình thì thu nhập cũng khá hơn”.
Cũng là đơn vị mới được thành lập, tuy nhiên, sản xuất theo hướng hữu cơ, đa dạng hóa sản phẩm, nhất là dòng sản phẩm chè uống liền (chè matcha) là hướng đi mới của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bắc Thái. Sản phẩm này cũng đã được hợp tác xã gửi mẫu sang Singapore để kiểm định chất lượng, hứa hẹn thị trường xuất khẩu bền vững, lâu dài.
Chị Dương Thị Thơm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bắc Thái cho biết: “Xúc tiến thương mại cực kỳ là quan trọng với hợp tác xã nói chung và mọi người đều mong muốn quảng bá các sản phẩm chè của Tân Cương chất lượng nhất, đảm bảo nhất”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 52 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã sản xuất kinh doanh chè, 230 làng nghề chè và trên 91.000 hộ trồng chè, nhưng mới chỉ có ít đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu sản phẩm chè, sản lượng và giá trị xuất khẩu còn thấp. Chính vì vậy, khi một số Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) được ký kết đã mang lại cơ hội xuất khẩu quan trọng cho ngành chè Thái Nguyên.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất chè đã tập trung đầu tư công nghệ đẩy mạnh và mở rộng thị trường xuất khẩu. |
Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu chè Thái Nguyên đã từng bước cải tiến dây chuyền sản xuất của mình, liên kết với người dân đáp ứng được với tiêu chuẩn, chất lượng. Bước đầu là tiêu chuẩn VietGap của Việt Nam, sau đó là các tiêu chuẩn của Châu Âu, của Mỹ và tiêu chuẩn hữu cơ”.
Tuy nhiên, cơ hội luôn đi liền với thách thức, làm thế nào để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất chè hữu cơ với chất lượng ổn định, hướng tới xuất khẩu bền vững là điều mà các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh rất quan tâm. Bên cạnh đó, thị hiếu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm trà cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp khi muốn xuất khẩu sang các thị trường Châu Âu, Bắc Mỹ.
Bà Đỗ Thị Đức Lý, Giám Công ty Cổ phần Chè Tân Cương - Hoàng Bình, Thái Nguyên cho rằng: “Cái gu của người tiêu dùng mới là quan trọng. Người Việt Nam thì uống trà xanh là trà mạn, người nước ngoài thì phải qua chế biến rất nhiều. Vì dùng trà như của Việt Nam sẽ gây cảm giác mất ngủ khi chưa dùng quen. Điều đó đặt ra một yêu cầu cho các doanh nghiệp là phải đầu tư công nghệ, máy móc để đi vào sản xuất sản phẩm mà người ta cần”.
Trên thực tế, số lượng và giá trị xuất khẩu các sản phẩm trà của tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của cây trồng thế mạnh này. Các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh sẽ còn rất nhiều việc phải làm để có thể tạo bước đột phá về thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, nhằm mục tiêu thu về nhiều ngoại tệ hơn cho nền kinh tế của địa phương./.