Ngành chè Thái Nguyên chủ động hội nhập
Để nâng tầm sản phẩm trà, nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ ra đời như tổ hợp tác, Hợp tác xã

Đã có hơn 20 năm trồng, chế biến, buôn bán chè nhưng chị Nguyễn Thị Hương Vân vẫn chỉ dừng ở mô hình hộ kinh doanh. Nhận thấy cơ hội để nâng tầm sản phẩm trà của gia đình cũng như gia tăng doanh số bán hàng không chỉ trong nước mà cả thị trường nước ngoài, tháng 10/2020, chị Vân đã quyết định thành lập Hợp tác xã:

Chị Nguyễn Thị Hương Vân, Giám đốc Hợp tác xã Hương Vân Trà, Thái Nguyên chia sẻ:“Để đưa ra thị trường những sản phẩm tốt, chúng tôi luôn khẳng định vị thế của mình có bước tiến riêng, iên kết với người nông dân trong sản xuất và rất khắt khe về quy trình chăm bón, thu hái sao cho đạt tiêu chuẩn để đưa ra những sản phẩm xanh, sạch, đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng”.

Chị Nguyễn Thị Tú, Hợp tác xã Hương Vân Trà cho biết:“Từ khi vào hợp tác xã của chị Hương Vân thì sản phẩm chè nói chung ổn định về giá cả. Mình làm, chăm bón theo quy trình thì thu nhập cũng khá hơn”.

Là đơn vị tiên phong trong trồng, chăm sóc, sản xuất chế biến chè hữu cơ, đến nay, Công ty Cổ phần Ntea Thái Nguyên đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn nông nghiệp hữu cơ Châu Á IFarm do tổ chức chứng nhận quốc tế Biocert đánh giá và cấp chứng nhận. Năm 2020 trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID– 19 nhưng công ty vẫn xuất khẩu được sản phẩm sang các thị trường Austraulia, Ukraine, Anh.

Bà Lê Thị Nga, Trưởng Văn phòng điều phối Công ty Cổ phần Ntea Thái Nguyên khẳng định: “Sản phầm chè của Công ty Cổ phần Ntea Thái Nguyên có chất lượng đảm bảo 100% là tiêu chuẩn hữu cơ nên khi xuất khẩu luôn đạt tiêu chuẩn chất lượng”.

Ngành chè Thái Nguyên chủ động hội nhập
Hướng tới xuất khẩu bền vững là phải tuân thủ quy trình sản xuất khép kín, đạt chuẩn là điều mà các doanh nghiệp kinh doanh chè tập trung trong thời gian tới

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 52 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã sản xuất kinh doanh chè, 230 làng nghề chè và trên 91.000 hộ trồng chè nhưng mới chỉ có ít đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu sản phẩm chè, sản lượng và giá trị xuất khẩu còn thấp. Chính vì vậy, khi một số Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) được ký kết đã mang lại cơ hội xuất khẩu quan trọng cho ngành chè Thái Nguyên.

Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè tỉnh Thái Nguyên cho rằng:“Hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu chè Thái Nguyên đã từng bước cải tiến dây chuyền sản xuất của mình, liên kết với người dân đáp ứng được với tiêu chuẩn, chất lượng. Bước đầu là tiêu chuẩn Vietgap của Việt Nam, sau đó là các tiêu chuẩn của Châu Âu, của Mỹ và tiêu chuẩn hữu cơ”.

Cơ hội luôn đi liền với thách thức, vì vậy, làm thế nào để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất chè hữu cơ với chất lượng ổn định, hướng tới xuất khẩu bền vững là điều mà các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tiếp tục quan tâm thực hiện trong thời gian tới.