Nâng tầm thương hiệu trà Thái Nguyên lên thành văn hoá Trà
Với trên 23.000ha diện tích trồng chè với 5 vùng chè đặc sản, năm 2023 tổng thu từ chè của Thái Nguyên đạt khoảng 13.000 tỷ đồng. |
Thái Nguyên được thiên nhiên ưu đãi khí hậu thuận lợi để tạo nên vùng đất “Đệ nhất danh Trà”, danh tiếng ấy, được người trồng và chế biến chè Thái Nguyên nhiều đời gìn giữ, phát triển. Và danh xưng đã nâng tầm thành thương hiệu sau 3 kỳ festival Trà được tổ chức thành công, và mới đây nhất, Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thương hiệu Trà Thái Nguyên, giá trị cây chè cũng như sản phẩm trà của Thái Nguyên đã ở vị thế mới.
Mới đây nhất, trong buổi tiếp và làm việc với nghệ nhân trà,các văn nghệ sĩ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, văn hoá trà. Sáng kiến, giải pháp hợp tác xây dựng, củng cố nghệ thuật trà Thái Nguyên trở thành nét văn hoá trà đặc sắc được xem là một trong những hướng đi bền vững đem lại hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân làm chè.
Nghệ nhân chè Hoàng Anh Sướng chia sẻ: "Thái Nguyên là một trong những vùng Trà độc nhất Việt Nam và những người yêu Trà Việt Nam đều biết đến Trà Thái Nguyên. Chính vì thế lần này tôi lên đây hợp tác cùng với Công ty Chiến Công và Ủy ban dân tỉnh để kết hợp tổ chức những buổi tập huấn, chia sẻ với những người làm Trà ở Thái Nguyên về văn hóa trà Việt Nam, về vẻ đẹp của nghệ thuật thưởng trả Việt Nam".
Ông Đinh Huy Chiến, Giám đốc HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công: "Hợp tác xã chúng tôi sẽ đồng hành với tỉnh Thái Nguyên và đặc biệt là đồng hành với người dân, các doanh nghiệp, doanh nhân làm về nghề trà Thái Nguyên để qua đó giá trị của sản phẩm trà Thái Nguyên sẽ được nâng cao hơn".
Nghệ nhân chè Hoàng Anh Sướng chi sẻ về văn hóa trà Việt Nam |
Và lộ trình “Nâng tầm thương hiệu trà Thái Nguyên lên thành văn hóa trà” đã được khởi động bằng lớp tập huấn, trao đổi giữa nghệ nhân trà với hội viên các Hội, Hiệp hội, Liên minh HTX, làng nghề chè... trên địa bàn tỉnh - những người nhiều năm làm chè, bám chè, sống bằng chè.
Bà Đỗ Thị Hiệp, Nghệ nhân chế biến chè tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: "Tôi rất yêu nghề chè và rất đam mê làm chè, không những là một người nghệ nhân để truyền tải các thông tin về cái kỹ thuật chế biến chè cho nông dân mà tôi còn muốn truyền tải đến nông dân những nét đẹp về văn hóa trà của Việt Nam và tìm hiểu những cái văn hóa trà của thế giới để trao đổi với nông dân để cho nông dân không những là những người làm trà giỏi mà còn biết về văn hóa trà nữa, để nâng tầm sản phẩm trà của Thái Nguyên".
Bà Ngô Thị Vân, HTX Trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên: "Mình làm trà nhưng cũng kết hợp với tiếp khách du lịch cộng đồng. Qua lớp học này mình cũng được mở mang thêm, đó là khi khách đến với Tân Cương thì mình sẽ giới thiệu cho khách về cái văn hóa thường trà".
Văn hóa luôn tạo nên sự khác biệt và góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm; thu hút du khách về tham quan, tìm hiểu vùng đất, con người, lịch sử của quê hương. Với trên 23.000ha diện tích trồng chè với 5 vùng chè đặc sản, tính riêng năm 2023, tổng thu từ chè của Thái Nguyên đạt khoảng 13.000 tỷ đồng. Tỉnh Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Thái Nguyên tiếp tục hoạch định các chủ trương, chiến lược lớn phát huy giá trị cây chè và sản phẩm trà, đưa thương hiệu “Trà Thái Nguyên” vươn xa hơn nữa trên thị trường trong nước và quốc tế./.