Lương có đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động?
Những năm gần đây, điều kiện làm việc và chất lượng sống của công nhân lao động ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, trong thực tế đời sống, việc làm, môi trường làm việc của người lao động vẫn còn nhiều khó khăn.
Mặc dù Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đại diện cho người lao động trong Hội đồng tiền lương Quốc gia, đưa ra các phương án tăng lương tối thiểu vùng nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Tuy vậy, theo Tổng Liên đoàn, đến nay, mức lương tối thiểu vùng dường như chưa đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động.
Công nhân tại khu công nghiệp. Ảnh minh họa, nguồn: Báo Dân sinh |
Khu trọ ở thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội chủ yếu cho những công nhân từ tỉnh xa đến thuê, làm việc trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Chị Hoàng Thị Hải, quê ở Thanh Hóa, hiện đang làm công nhân Công ty Hoya Glass Dick được 6 năm, mức lương hiện tại là hơn 5 triệu/tháng, thời điểm nhiều việc, làm tăng ca, làm kíp đêm thường xuyên mới được hơn 6 triệu/tháng.
Chị Hải tâm sự: Những công nhân chưa có gia đình khó khăn đã vậy, với những công nhân có gia đình như chị còn khó khăn hơn nhiều. Đặc biệt là khi tại khu công nghiệp không có khu gửi trẻ nên chị phải gửi hai con về cho ông bà chăm ở quê. Để tiết kiệm chi phí, hai vợ chồng chị hầu như ăn cơm tại Công ty.
"Ông bà không đòi hỏi tiền đưa hàng tháng, đưa bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Ở đây, tiền phòng và điện nước cũng hết khoảng 1,2 triệu, hai vợ chồng ăn hết khoảng 3 triệu, đó là tiết kiệm lắm rồi. Như ông xã đi làm ca 3 ăn ở nhà, còn em đi làm ca ngày thì ăn ở công ty, về nhà không mấy khi ăn", chị Hải cho biết.
Để giảm bớt khó khăn nhiều người lao động đã làm thêm sau giờ làm việc như: buôn bán hoa quả, quần áo, xe ôm… Anh Đỗ Như Luyện, quê ở Thanh Hóa, làm việc cho Công ty Toto Việt Nam được 3 năm, hiện tại lương của anh khoảng hơn 7 triệu đồng. Mỗi tháng anh vẫn phải dành ra một phần lương để gửi về cho ông bà nuôi con nhỏ. Để có thêm tiền, ngoài thời gian làm việc tại công ty, anh còn chạy xe ôm.
"Thời gian rảnh tôi vẫn chạy xe ôm grap để có thêm thu nhập. Hôm nào đi làm về mệt thì nghỉ. Trung bình một tháng cũng có thêm 1,5-2 triệu đồng", anh Luyện chia sẻ.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mặc dù mức lương tối thiểu vùng có tăng hàng năm nhưng đến thời điểm này mới đảm bảo khoảng hơn 95% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã khẳng định: đến năm 2020 tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương... Đồng thời, Nghị quyết cũng nêu rõ: cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định mức sống tối thiểu và đưa ra các tiêu chí mức sống tối thiểu. Đây là căn cứ để xác định một mức lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Hiện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã có công văn gửi Chính phủ đề nghị: các cơ quan chức năng đánh giá, xác định và sớm công bố “mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”, tạo cơ sở cho các bên tham gia Hội đồng Tiền lương Quốc gia thương lượng, đàm phán mức lương tối thiểu vùng năm 2020, thực hiện đúng mục tiêu “đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” như Nghị quyết số 27 đã đề ra.
"Lâu nay lấy số liệu của tổng cục thống kê, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia xác định, rồi bên Tổng Liên đoàn cũng đưa ra một số liệu khác, cho nên nhu cầu sống tối thiểu của người lao động hàng năm vẫn có những tranh cãi. Năm nay quan trọng nhất là xác định nhu cầu sống tối thiểu một cách chính xác. Chúng tôi mong theo tinh thần nghị quyết 27 là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định", ông Lê Đình Quảng nói.
Theo nghiên cứu mới đây của Trung tâm phát triển và hội nhập CDI tại các doanh nghiệp dệt may, lương cơ bản chiếm 64% tổng thu nhập của người lao động, khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng, các khoản phụ cấp, lương tăng ca, thưởng chiếm khoảng 36% tổng thu nhập. Tuy nhiên, đây là khoản có thể bị trừ hoặc không nhận được vào những giai đoạn ít việc. Vì vậy, thu nhập của người lao động không ổn định. Công nhân có thu nhập từ 6 triệu đồng trở lên bắt đầu có tiết kiệm hoặc một khoản dự phòng rủi do.
Có thể thấy, đây chỉ là một trong nhiều nghiên cứu về mức lương, nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, có thể là những gợi ý, làm căn cứ giúp các cơ quan chức năng xác định mức lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động vùng năm 2020. Và dẫu biết doanh nghiệp khó khăn nếu tăng lương nhưng người lao động cũng cần đáp ứng được cuộc sống của họ để an tâm làm việc. Khi năng suất lao động, hiệu quả công việc được nâng lên thì cả doanh nghiệp và người lao động đều được hưởng lợi./.