Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên,Tổng kết thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh và phong trào thi đua yêu nước năm 2016
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm |
Đúng 8h15 phút: Buổi lễ chính thức bắt đầu. Dự buổi lễ có đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương; đồng chí Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Thái; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; đồng chí Nguyễn Khánh, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Thi đua khen thưởng Trung ương; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Quân khu 1, một số Bộ, Ban, Ngành Trung ương; đoàn đại biểu TP Hà Nội và một số tỉnh bạn.
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm |
Đại biểu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên; đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh. Cùn dự buổi lễ còn có các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Bắc Thái, Thái Nguyên các thời kỳ; đại diện các doanh nghiệp, các địa phương trên địa bàn tỉnh và các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được khen thưởng trong năm 2016.
8h30 phút: Các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ. Tiếp đó, thay mặt Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên trình bày diễn văn đã khái quát quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của tỉnh Thái Nguyên trong 185 năm qua.
Các đại biểu và nhân dân thực hiện nghi lễ Chào cờ |
Diễn văn nêu rõ: Với vị trí chiến lược quan trọng“Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân pháp (1947-1954), Thái Nguyên được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm An toàn khu (ATK); Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã làm tròn sứ mệnh bảo vệ “Thủ đô kháng chiến”. Tại nơi đây, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định nhiều quyết sách quan trọng trong suốt cuộc trường kỳ kháng chiến, đặc biệt là quyết định mở chiến dịch Biên giới năm 1950 và chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, Thái Nguyên, cái nôi của chiến khu cách mạng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến. Gần một vạn người con của quê hương đã anh dũng hy sinh, hàng vạn người con đã lên đường ra trận và đã hiến dâng một phần xương máu của mình cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, lập nên những chiến công vẻ vang xứng danh với truyền thống của quê hương cách mạng và đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt là danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh.
Đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm |
Tỉnh Thái Nguyên được thành lập vào ngày 4/11/1831; đến năm 1901 Toàn quyền Đông Dương có Nghị định về điều chỉnh địa giới, cắt một phần diện tích đất của Phú Lương (Thái Nguyên) về Bạch Thông (Bắc Kạn). Ngày 21/4/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định thành lập tỉnh Bắc Thái trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Để đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân các dân tộc và yêu cầu sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 6/11/1996, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa 9 đã phê chuẩn việc chia tỉnh Bắc Thái thành 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Tỉnh Thái Nguyên chính thức được tái thành lập ngày 01/1/1997, đồng chí Nguyễn Ngô Hai, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng được chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời. Trong những ngày đầu mới tái lập tỉnh, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã phát huy truyền thống yêu nước, kế thừa những thành quả của các thế hệ lãnh đạo đi trước, đoàn kết, sáng tạo, phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, đã tạo dựng, xây đắp nên, tạo thế và lực mới để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Hai mươi năm tái lập tỉnh là một mốc son đáng nhớ, đánh dấu sự phấn đấu bền bỉ, ý chí vượt lên mọi khó khăn, thử thách và đạt được nhiều thành tựu quan trọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Chặng đường 20 năm tuy không dài so với chiều dài lịch sử, nhưng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thái Nguyên có thể tự hào về kết quả đã đạt được. Sau 4 kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các khóa 15, 16, 17, 18 và 01 năm thực hiện Nghị Quyết Đại hội 19, đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 15,2%, (so với năm 1997 là 8,5%); Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng dần tỷ trọng của công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh từ 2,5 triệu đồng/năm 1997 đã tăng lên 52 triệu đồng/năm 2016 (gấp 20,8 lần). Thu ngân sách sách (năm 1997 là 204,7 tỷ đồng; năm 2010 là 2.725 tỷ đồng; năm 2013 là 5.541 tỷ đồng; năm 2015 là 7.485 tỷ đồng; năm 2016 là 8.950 tỷ đồng). Phấn đấu đến năm 2020 Thái Nguyên tự cân đối về thu-chi ngân sách; giá trị sản xuất công nghiệp từ 2.127 tỷ đồng, đến nay đạt trên 477.000 tỷ đồng (gấp 210 lần); tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm (giảm từ 26,85% năm 2005 xuống còn khoảng 11% năm 2010 và còn 7,06% vào năm 2015- theo tiêu chí cũ), đến nay chỉ còn 11,4% (theo tiêu chí mới); giá trị xuất khẩu từ 22,5 triệu USD đã tăng lên 19,1 tỷ USD.
Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 mới đứng ở vị trí thứ 57/63 tỉnh, thành và đến năm 2015 đã phấn đấu đứng ở vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành trong cả nước; đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, và cũng đã có nhiều dự án lớn đã được khởi công thực hiện, bước đầu có kết quả khá khả thi.
Cùng với quá trình phát triển công nghiệp, tỉnh đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tập trung nhiều nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới (tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 56 xã đạt chuẩn nông thôn mới), góp phần làm thay đổi diện mạo ở nông thôn.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Giáo dục - đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới. Thái Nguyên được cả nước biết đến là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 của cả nước với 9 trường đại học, trên 25 trường cao đẳng, trung cấp, hàng năm đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp hàng vạn trí thức, cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề cho tỉnh và các tỉnh khu vực phía Bắc.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được tăng cường với chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên; đã phát triển và thực hiện đầu tư các trung tâm y tế chuyên sâu, nhân rộng mô hình bệnh viện vệ tinh để đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm vùng về khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, với 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Trong quá trình phát triển, Thái Nguyên luôn quan tâm thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa cho các đối tượng chính sách; những gia đình có công cách mạng đều được chăm sóc giúp đỡ tận tình. Đây là tình cảm, trách nhiệm đạo lý của thế hệ hôm nay đối với cha anh, các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Đặc biệt vừa qua, Thái Nguyên đã thu hút được nhiều nguồn lực xã hội (trên 460 tỷ đồng), để đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và 76 xóm, bản chưa được đầu tư hạ tầng điện lưới quốc gia, trong đó có 35 xóm, bản ở 02 huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ hoàn toàn chưa có điện lưới quốc gia, được dư luận nhân dân hết sức phấn khởi, đánh giá cao và đồng tình ủng hộ.
Quốc phòng, an ninh luôn được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại không ngừng được mở rộng, ngày càng nhiều các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại tỉnh.
Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh về mọi mặt. Phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng từ tỉnh đến cơ sở được đổi mới; hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp được nâng lên. Công tác tập hợp, vận động quần chúng ngày càng hiệu quả; tình đoàn kết, gắn bó giữa đồng bào các dân tộc, tôn giáo ngày càng được tăng cường, góp phần vào sự ổn định, phát triển của địa phương. Đảng bộ tỉnh có 19 đảng bộ trực thuộc, với 721 tổ chức cơ sở đảng (năm 1997 là 651 đảng bộ cơ sở) và trên 86.000 đảng viên, tăng gấp gần 2 lần so với năm 1997 (năm 1997 có trên 44.000 đảng viên).
Trong các hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh, ngày 21/12/2016 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Nguyên đã lên thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Kạn, thể hiện tình cảm sau 31 năm đoàn kết thống nhất, chung sức, chung lòng, góp công, góp sức, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thái Nguyên đã tặng Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Kạn “01 công trình trường học, trị giá 10 tỷ đồng”
Đại biểu Lực lượng vũ trang tham dự Lễ kỷ niệm |
Kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh và phong trào thi đua yêu nước năm 2016, là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương Thái Nguyên. Vì vậy đồng chí đề nghị các cấp, các ngành, toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; đoàn kết nhất trí cao, chung sức đồng lòng, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, tận dụng thời cơ; phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy lùi mọi khó khăn, vượt qua thách thức; đổi mới mạnh mẽ về nhận thức, phương thức lãnh đạo; tập trung thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa 12) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường liên kết, hợp tác, quyết tâm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng, phấn đấu xây dựng Thái Nguyên “trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” như lời căn dặn của Bác Hồ năm xưa khi Người về thăm Thái Nguyên.
9h00: Đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh trình bày Báo cáo tổng kết công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh năm 2016.
Đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trình bày báo cáo chính trị |
Báo cáo nêu rõ: Đây là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; năm diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021. Tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, lạm phát thấp, kinh tế vĩ mô ổn định. Trên địa bàn tỉnh, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ công tác năm 2016. Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhanh; thu ngân sách nhà nước vượt dự toán. Sản xuất nông nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu; xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả. Hoạt động thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc; đã thu hút được một số dự án đầu tư trong nước với quy mô lớn vào tỉnh. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng, an ninh được đảm bảo; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được tăng cường; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng lên.
10 CHỈ TIÊU NỔI BẬT NĂM 2016 (1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 15,2%, vượt 3,2% so với kế hoạch (kế hoạch là 12%). (2) Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 477.485 tỷ đồng, tăng 26,7% so với năm trước và vượt 9% so với kế hoạch (kế hoạch là 438.000 tỷ đồng). (3) Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 5,3%, vượt kế hoạch (kế hoạch là 5%); giá trị trên 01 ha đất trồng trọt đạt 88,1 triệu đồng, vượt kế hoạch (kế hoạch là 88 triệu đồng); sản lượng lương thực có hạt đạt 469,4 nghìn tấn, vượt 7,9% so với kế hoạch (kế hoạch là 435 nghìn tấn). (4) Giá trị xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 19,1 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm trước và bằng 90,9% so với kế hoạch. Giá trị nhập khẩu đạt 11,8 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm trước. (5) Thu ngân sách trong cân đối ước đạt 8.950 tỷ đồng, vượt 37,7% so với kế hoạch (kế hoạch là 6.500 tỷ đồng). (6) Thu nhập bình quân đầu người (GRDP) đạt 52 triệu đồng, vượt kế hoạch (kế hoạch là 51 triệu đồng). (7) Giảm tỷ suất sinh thô bình quân trong năm đạt 0,5%o, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch là 0,1%o); số lao động được tạo việc làm mới tăng thêm cho 15.000 lao động, đạt kế hoạch; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2%, bằng kế hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,1%, vượt 0,1% so với kế hoạch; tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa là 85%, bằng kế hoạch. (8) Tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 87%, bằng kế hoạch; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 50%, bằng kế hoạch. (9) Có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới; nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 56 xã, đạt 31,11% tổng số xã. (10) Kết nạp 3.733 đảng viên mới (tăng 4,3 % so với tổng số đảng viên năm 2015). Đến hết năm 2016, toàn Đảng bộ có 86.561 đảng viên. |
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm |
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2017, tỉnh Thái Nguyên đề ra mục tiêu tổng quát thực hiện phát triển KT-XH, đó là” Thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực canh tranh của nền kinh tế. Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp địa phương tham gia công nghiệp phụ trợ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân. Nâng cao hiệu quả công tác hợp tác kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế. Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí.”
CÁC CHỈ TIÊU PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN TRONG NĂM 2017 (1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 12%, trong đó: công nghiệp - xây dựng 15%; dịch vụ 9%; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 4%. (2) Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 563.000 tỷ đồng, tăng 18% (3) Kim ngạch xuất khẩu 21.000 triệu USD, tăng 11%. (4) GRDP bình quân đầu người 58 triệu đồng/người. (5) Thu ngân sách trong cân đối (không bao gồm thu tiền sử dụng đất và loại trừ các yếu tố tăng, giảm bất thường, do thay đổi chính sách) tăng 16% so với thực hiện năm 2016. (6) Giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,5% so với năm 2016, trong đó: giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 6%; sản lượng lương thực có hạt 436 nghìn tấn; giá trị sản phẩm/ha đất trồng trọt 91 triệu đồng/ha; diện tích trồng rừng mới trên địa bàn 3.980 ha; diện tích trồng chè mới và trồng lại 1.000 ha. (7) Phấn đấu năm 2017 có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. (8) Mức giảm tỷ xuất sinh thô trong năm 0,1%o; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2% so với năm 2016; giảm trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 12,5%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 97,8%. (9) Tạo việc làm mới tăng thêm trong năm 15.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo 62%. (10) Tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa 88%; tỷ lệ xóm, làng, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa 84%; tỷ lệ cơ quan đạt chuẩn văn hóa 94%. (11) Ổn định tỷ lệ độ che phủ rừng trên 50%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 89%; tỷ lệ số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh 69%. (12) Hằng năm, kết nạp đảng viên tăng 3,5% so với tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ; trên 80% số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 50% đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh; trên 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. |
9h10 phút: Thay mặt các đồng chí nguyên Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên các thời kỳ, đồng chí Nguyễn Văn Vượng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Đoàn ĐBQH, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi lễ. Đồng chí bày tỏ niềm vui về sự phát triển của tỉnh Thái Nguyên hiện nay so với khi mới tái lập tỉnh trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn,…
Đồng chí Nguyễn Văn Vượng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Đoàn ĐBQH, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi lễ |
Kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, mỗi người dân Thái Nguyên hết sức tự hào, song vẫn còn đó những băn khoăn, trăn trở, thách thức ngăn cản sự phát triển, tuy nhiên với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, cùng sự đồng thuận trong nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ, cán bộ và đảng viên nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Vượng tin tưởng Đảng bộ chính quyền nhân dân tỉnh Thái Nguyên sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nữa.
9h20 phút: Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên trong dịp kỷ niệm ý nghĩa này.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi lễ |
Đồng chí đánh giá cao thành tích mà nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đạt được, tỉnh đã từng bước vượt qua khó khăn thử thách, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng, bộ mặt đô thị nông thôn có nhiều khởi sắc, phát triển nhanh cơ sở hạ tầng, chú trọng xây dựng nông thôn mới, tăng thu nhập cho người lao động, các lĩnh vực xã hội văn hóa có nhiều đổi mới, an ninh quốc phòng được giữ vững… Có được kết quả như vậy là nhờ phong trào thi đua yêu nước đã được triển khai sâu rộng, có hiệu quả trong toàn thể nhân dân. Nhân dịp này đồng chí chúc mừng thành phố Thái Nguyên đã được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, đây là cơ hội đáng mừng cho sự phát triển của thành phố nói riêng, tỉnh nói chung.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, đồng chí Phó Chủ tịch nước mong muốn Đảng bộ, nhân dân tỉnh Thái Nguyên tiếp tục nỗ lực, vượt khó vươn lên, thực hiện tốt phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2017. Trong đó tỉnh cần xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển một cách bền vững, gắn chặt mục tiêu với tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường. Tích cực thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp doanh nhân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, là địa phương lưu giữ nhiều giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, trong quá trình phát triển với tốc độ công nghiệp hóa nhanh, Thái Nguyên cần đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống cách mạng, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
9h40 phút: Ngay sau ý kiến phát biểu của Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh Thái Nguyên đã lên phát động phong trào thi đua yêu nước 2017, phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Thái Nguyên hội nhập và phát triển”.
Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh phát động phong trào thi đua 2017 |
Đồng chí kêu gọi ngành ngành thi đua, người người thi đua; các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong tỉnh đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh, quyết tâm triển khai thực hiện, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX vào cuộc sống;…..
9h50 phút: Thay mặt các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Minh, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phát biểu hưởng ứng phong trào thi đua năm 2017 và kêu gọi các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thiết thực hiệu quả tạo nên sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị đặt ra trong năm 2017.
Đồng chí Nguyễn Đức Minh, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu hưởng ứng phong trào thi đua |
10h00: Ban Thi đua khen thưởng tỉnh đã công bố các Quyết định khen thưởng đối với 91 tập thể và cá nhân tiêu biểu năm 2016.
3 tập thể, 2 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước |
13 cá nhân được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và 9 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước |
Cũng tại buổi lễ, 2 cá nhân có thành tích trong công tác tổ chức Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 và 2 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. 28 tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh ủy Thái Nguyên tặng cờ thi đua cho 7 tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu, UBND tỉnh Thái Nguyên tặng cờ thi đua cho 24 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2016.
10h30 phút: Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên (1/1/1997 - 1/1/2017), Tổng kết công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh và Tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2016, phát động phong trào thi đua năm 2017 kết thúc.