Làm giàu ở nông thôn: Sửa sang nhà, trồng cây trái và đón khách tới ăn
Đồng vốn hiệu quả
Dù triển khai các chương trình du lịch chưa lâu nhưng diện mạo cù lao Tân Lộc thay đổi đáng kể. Theo các hội đoàn thể phường, hiện các khu vực: Tân An, Tân Mỹ 1, Tân Mỹ 2 và Đông Bình là những nơi phát triển nhiều cơ sở dịch vụ du lịch nhất. Các hộ dân đang từng ngày hoàn thiện cơ sở vật chất và chất lượng phục vụ du khách.
Bà Lê Hồng Điệp ngụ khu vực Tân An, phường Tân Lộc, phấn khởi cho biết: "Hàng chục năm gia đình tôi chuyên canh cây ăn trái và chỉ mới đón khách du lịch 2 tháng nay. Cuối tuần, vườn nhà tôi đón khoảng 100 khách các tỉnh lân cận và TP.Hồ Chí Minh. Hiện chúng tôi cung cấp dịch vụ tham quan vườn ổi và phục vụ vài món ăn đơn giản".
Bà Lê Hồng Ðiệp (giữa) giới thiệu vườn ổi được cải tạo, trồng mới của gia đình để phục vụ khách du lịch tới thăm quan, ăn trái. Ảnh: Mỹ Tú. |
Đưa chúng tôi tham quan vườn ổi rộng 4.000m2 đang trĩu quả, bà Điệp cho biết thêm, gia đình tận dụng nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH để lót đan đường đi quanh vườn. Số tiền 50 triệu đồng tuy không nhiều nhưng giúp gia đình bà Điệp thêm điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình kinh tế. Bà Điệp dự kiến sẽ xây dựng thêm chỗ du khách nghỉ chân tại vườn ổi và chuẩn bị thêm nhân lực, sẵn sàng phục vụ ẩm thực ngày càng chu đáo, chuyên nghiệp hơn.
Du khách tham quan, du lịch đi qua vườn dừa ở cù lao Tân Lộc. ảnh: Mỹ Tú |
Đến hết tháng 7.2017, quận Thốt Nốt có 213 hộ vay gần 10 tỷ đồng từ chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm để phát triển du lịch. Trong đó, phường Tân Lộc có 197 hộ vay, với số tiền gần 9,3 tỷ đồng. Theo bà Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Tân Lộc, đến nay, Hội Phụ nữ phường đang quản lý khoảng 100 hộ vay vốn phục vụ du lịch. Để góp phần phát huy hiệu quả vốn vay, hội, đoàn thể khuyến khích các hộ luôn đảm bảo chất lượng cây trái và thái độ phục vụ thật tốt, đồng thời quan tâm bổ sung các dịch vụ thiết yếu theo nhu cầu du khách.
Chị Đỗ Thị Kim Trinh ở khu vực Tân An, con dâu của ông Trần Bá Thế - chủ nhân một trong những ngôi nhà cổ nổi tiếng xứ cù lao Tân Lộc, bắt đầu mở dịch vụ phục vụ du khách vài tháng nay. Bên cạnh hướng dẫn du khách tham quan nhà cổ, vợ chồng chị Trinh tận dụng khoảng vườn sau nhà mở dịch vụ câu cá giải trí và phục vụ nước giải khát. Dù dịch vụ chưa thật sự tươm tất và đầy đủ nhưng nhờ không khí yên tĩnh, vườn cây mát mẻ và khoảng ao rộng, gia đình chị thu hút trên 100 khách dịp cuối tuần; ngày thường cũng có nhiều lượt khách.
Hội hỗ trợ tận tình
Chị Kim Trinh cho biết: "Trước khi mở dịch vụ câu cá giải trí, tôi được địa phương giới thiệu vay 40 triệu đồng từ NH CSXH. Số tiền này đủ để tôi dựng mấy căn chòi cho khách câu cá, uống nước và nằm võng nghỉ ngơi". Với lợi thế vườn nhà rộng 2ha, trồng nhiều loại cam, quýt đang cho trái, vợ chồng chị Trinh dự kiến thời gian tới, sẽ mở thêm dịch vụ tham quan vườn cây ăn trái và phục vụ các món ăn đặc sản địa phương.
Ở cù lao Tân Lộc, nhà vườn nào cũng cải tạo, trồng thêm cây ăn trái để ngày càng thu hút nhiều khách du lịch. Ảnh: Thanhnien. |
Chị Phan Thị Thu Trang - Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Lộc, cho biết: "Đa số hộ vay phát triển du lịch của phường dựa vào vườn cây ăn trái. Trong quá trình cho vay, Hội chủ động nắm bắt hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc vườn cây. Tháng 6 vừa qua, phường mở lớp tập huấn khởi nghiệp du lịch cho 70 học viên. Tháng 8 tới, sẽ có thêm khóa dạy nghề trồng cây có múi, đáp ứng nhu cầu phát triển vườn cây ăn trái cho các nhà vườn"./.