Vốn ưu đãi: Đòn bẩy xóa đói, giảm nghèo
Chăn nuôi bò thương phẩm tại gia đình ông Nguyễn Văn Tần |
Đến thăm mô hình sản xuất của gia đình ông Nguyễn Văn Tần, ở xóm Rừng Lâm, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, ít ai nghĩ gia đình ông từng nằm trong danh sách hộ nghèo của địa phương. Năm 2016, được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, ông Tần đã tập trung nguồn lực để chuyển đổi mô hình kinh tế từ trồng rau sang cây ăn quả và chăn nuôi. Đến nay, với hơn 100 gốc bưởi và nhãn, cộng thêm thu nhập từ chăn nuôi bò thương phẩm, doanh thu mỗi năm của gia đình ông Tần đạt từ 80 đến 100 triệu đồng.
Ông Tần chia sẻ: “Mỗi thứ cũng được 1, 2 chục triệu. Trồng xen canh vào thì có nhiều thứ mang lại thu nhập, từ đó góp phần cho cuộc sống tạm ổn.”
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, gia đình bà Hoàng Thị Cảnh đã có thu nhập ổn định từ làm chè, chăn nuôi và trồng cây ăn quả |
Cũng chỉ với 50 triệu đồng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, đến nay gia đình bà Hoàng Thị Cảnh, ở xóm Vân Hòa, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ đã có thu nhập khá ổn định từ việc chăn nuôi, trồng chè và cây ăn quả. Với hơn 1 mẫu chè và 50 gốc bưởi cho thu hoạch, mỗi năm gia đình bà Cảnh thu lời trên 130 triệu đồng. Thực hiện ước mơ làm giàu, năm 2020, gia đình bà tiếp tục đầu tư trồng mới 150 gốc bưởi Diễn. Dự kiến, 4 năm nữa sẽ cho thu hoạch.
Bà Cảnh cho biết: “Nếu trước kia tôi chỉ hái chè để phát triển kinh tế gia đình thì còn gặp nhiều khó khăn. Từ khi vay được nguồn vốn của Ngân hàng chính sách, mình chủ động chứ không phụ thuộc vào ai nữa. Trong thời gian tới nếu được vay thêm nguồn vốn, tôi sẽ đầu tư vào giàn tưới tiêu cho cây chè và cây ăn quả để có năng suất hơn.”
9 tháng năm 2020, toàn tỉnh có trên 20 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội |
Có thể khẳng định, với nhiều hoạt động tín dụng được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực. Chỉ tính riêng 9 tháng năm nay, toàn tỉnh đã có trên 20 nghìn lượt là hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được hỗ trợ vay ưu đãi, với số vốn trên 760 tỷ đồng. Qua rà soát thực tế, hầu hết các nguồn vốn vay đều sử dụng đúng mục đích, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn, đồng thời là đòn bẩy để nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương./.