Từng có nhiều triển lãm mỹ thuật trong nước và quốc tế nhưng đến hôm nay, họa sĩ Lê Văn Nhường mới bén duyên với Hà Nội qua triển lãm tranh “Màu thời gian” kéo dài tới hết tháng 12. Những tác phẩm triển lãm lần này có một quãng thời gian khá dài: gần 10 năm lại đây.

Người con xứ Huế chia sẻ, ông luôn muốn đi nhiều nơi trên đất nước, mỗi nơi đều có những trải nghiệm thú vị để có cái nhìn mới mẻ hơn, không khu trú trong một vùng miền nào đó, nghệ thuật cũng vậy. Điều quan trọng là phải thấy thế giới phẳng ngay cả trong mỹ thuật, từ đó tìm thấy tiếng nói riêng của mình và không bị lạc hậu với xung quanh.

ky vong my thuat viet nam vuot qua giai doan khung hoang

Họa sĩ Lê Văn Nhường.

Trước câu hỏi, cho đến nay, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế vẫn được đánh giá là một trong 3 trung tâm mỹ thuật lớn của cả nước bên cạnh Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhưng thị trường lại không đủ để sôi động, ông cho rằng: “Huế hội tụ nhiều họa sĩ tên tuổi, có nhiều hoạt động mỹ thuật nhưng không sôi động như Hà Nội và TP HCM. Tuy vậy, tôi cũng như nhiều họa sĩ ở Huế khác, có mối quan hệ giao lưu với nhiều nơi trên cả nước nên có nhiều triển lãm, gặp gỡ.

ky vong my thuat viet nam vuot qua giai doan khung hoang

Họa sĩ, diễn viên, MC Lương Giang chúc mừng triển lãm của họa sĩ Lê Văn Nhường.

Đầu ra của tranh phần lớn là ở các Gallery TP HCM và Hà Nội hay nước ngoài, tạm gọi là “hoạt động xuyên quốc gia” nên cũng không có gì ảnh hưởng. Hơn nữa, không gian bình yên ở Huế để vẽ tranh thì rất thú vị, mỗi tội mùa mưa Huế thì tranh rất dễ bị nấm mốc!...”

Bàn về thực trạng, hội họa Việt Nam luôn đứng ở “thế yếu” so với quốc tế cả về sáng tác và lý luận, nên tranh Việt ở nước ngoài không mang giá trị lớn, điều đó thể hiện ở những cuộc đấu giá quốc tế, họa sĩ cũng bày tỏ quan điểm.

“Sáng tạo trong mỹ thuật là mang tính cá nhân và các hoạt động sau đó cũng như vậy, họa sĩ phải tự mình lo lấy, dựa dẫm vào đâu đó thì sẽ không bền vững. Tất nhiên có sự hỗ trợ vẫn tốt hơn, như sự hỗ trợ của Nhà nước chẳng hạn, việc này vẫn chưa nhiều và thực ra đây cũng không phải là kênh chính trong cuộc sống của họa sĩ.

Tuy vậy, tôi cũng có tranh của Nhà nước mua như: Hội Mỹ thuật VN sưu tập 2 tác phẩm, Bảo tàng Mỹ thuật Huế 2 tác phẩm, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng 1 tác phẩm và 1tác phẩm vẽ cho nhà Quốc hội mới...”

"Điều đáng mừng là hiện nay đã có nhiều địa phương chú ý đến mỹ thuật như TP Đà Nẵng đã thành lập Bảo tàng Mỹ thuật, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế tại trụ sở cũ của UBND Thành phố Huế, ở đây có 2 biệt thự Pháp với khuôn viên rộng mở bên bờ sông Hương.

Nó nằm trong một tuyến đường Lê Lợi - đẹp nhất Huế với cầu Trường Tiền, 2 công viên tượng điêu khắc quốc tế, nhà trưng bày ĐK Điềm Phùng Thị, trung tâm Mỹ thuật Lê Bá Đảng, công viên Tượng đài Phan Bội Châu...

Như vậy là không gian mỹ thuật đã dần hình thành, tuy hơi muộn nhưng có tác động tích cực đến họa sĩ. Hiện nay, có nhiều họa sĩ rất giỏi và có một thế hệ họa sĩ trẻ tài năng, năng động. Tôi hy vọng rằng Mỹ thuật Việt Nam sẽ có sự phát triển mới, vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện nay", ông nói.

Họa sĩ Lê Văn Nhường sinh năm 1960 tại Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. 1997: Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Từ năm 2010-2015, ông là giảng viên chuyên khoa sơn dầu trường ĐH Nghệ thuật Huế.

Tham gia Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội 1996-2015 ,Triển lãm Mỹ thuật Bắc miền Trung Việt Nam 1998, Triển lãm chung tại Califonia, USA 2005, Triển lãm quốc tế tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh 2009, Triển lãm 5 Họa sĩ Huế tại Trung tâm Mỹ thuật quốc gia Nhật Bản 2011,… Đạt nhiều giải thưởng về mỹ thuật như: Giải A triển lãm Bắc miền Trung Việt Nam, Giải thưởng Tác phẩm xuất sắc Hội Mỹ thuật Việt Nam 2014, Giải A Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (2008-2013)…