ky uc vun ve nha bao chien truong liet si pham thi kim oanh
Liệt sĩ - Nhà báo Phạm Thị Kim Oanh

Những ký ức không bao giờ quên

“Có những phút làm nên lịch sử. Có cái chết hóa thành bất tử. Có những lời hơn mọi bài ca. Có con người như chân lý sinh ra” … Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người Thầy của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam đã từng nói: “Cán bộ Báo chí cũng là chiến sĩ Cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Làm theo lời dạy của Bác, đội ngũ cán bộ Báo chí – Những chiến sĩ Cách mạng ấy, luôn gắn bó máu thịt với sự nghiệp Cách mạng dân tộc. Không chỉ dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí trên mặt trận tư tưởng – văn hóa mà rất nhiều nhà báo đã ra trận trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong tư thế người lính thực thụ nơi chiến trường. Và nhiều người trong số đó đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Thái Nguyên, quê hương Cách mạng cũng đã có những người con như thế; đó là Liệt sĩ – Nhà báo Phạm Thị Kim Oanh.

ky uc vun ve nha bao chien truong liet si pham thi kim oanh
Bà Ngô Thị Mai Diện (Chị dâu Liệt sĩ - Nhà báo Phạm Thị Kim Oanh) lật giở những trang ký ức viết về cô em gái của chồng

Vào một buổi chiều đầu mùa hạ tôi đến thăm thân nhân gia đình chị, một không gian rộng mở trước mắt. Căn nhà nhỏ nhưng ấm cúng; trên bàn thờ, là di ảnh của một cô gái có khuôn mặt bầu bĩnh, nụ cười dễ mến, đôi mắt đen, đượm buồn. Căn nhà mà di ảnh của chị được chăm sóc cẩn thận đó chính là gia đình anh trai cả của Liệt sĩ Phạm Thị Kim Oanh – ông Phạm Bảo Long. Nhưng người anh trai đã mất, nay bàn giao hương khói Liệt sĩ cho vợ và con trai cả của ông. Tiếp chúng tôi bằng chén trà nóng hổi, bà Ngô Thị Mai Diện (vợ ông Phạm Bảo Long) không nén nổi xúc động khi kể về người em gái duy nhất của chồng mình: “Gia đình chồng tôi có ba anh em, Oanh là con út nhưng lại sớm chịu lắm thiệt thòi. Khi mẹ chồng tôi mang thai cô Oanh được 6 tháng thì bố chồng tôi mất. Cô Oanh sinh ra không biết mặt cha. Có lẽ đây chính là nguyên nhân sâu xa khiến cô Oanh lúc nào cũng trầm tư, lặng lẽ…”.

Sau khi bố mất, hoàn cảnh kinh tế của gia đình trong những năm 50 – 60 của thế kỷ XX cực kỳ khó khăn. Sáng sáng, mẹ chồng tôi đã dậy từ rất sớm, đi đến từng ngõ ngách phố phường trong thành phố Thái Nguyên bán xôi, khoai, sắn luộc… gom góp từng hào cho anh em chồng tôi ăn học. Mẹ chồng tôi vẫn mãi ở vậy tần tảo nuôi dạy các con. Thương mẹ, thương các em… chông tôi đành bỏ học, xin đi làm để phụ giúp gia đình. Sớm ý thức được hoàn cảnh của gia đình mình, nên từ nhỏ cô Oanh đã là một cô bé chăm chỉ, biết lo toan, chia sẻ công việc với mẹ và các anh. Oanh học khá, cả nhà ai cũng động viên em cố gắng học để thi vào Đại học. Không phụ lòng mẹ, các anh và mọi người, năm 1967, em gái chồng tôi đã trúng tuyển vào trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tay vùa rót trà, ánh mắt đượm buồn, tôi biết, bà đang cố kìm nén cảm xúc, những kỷ niệm về người chồng quá cố và cô em gái của chồng ùa về trong ký ức của bà. Bà kể rằng, về làm dâu gia đình, chồng bà – Ông Long là anh cả trong gia đình, nên ông Long thường xuyên thay mẹ đến tận trường để xem em ăn ở, sinh hoạt, học tập như thế nào. Rồi đến ngày anh lập gia đình, Oanh lại càng vui hơn vì đã có tôi chăm sóc mẹ, gia đình nên cô Oanh càng yên tâm học hành. Bà Diện nghẹn ngào: “Khi tôi sinh con, cô Oanh đã dành dụm những đồng tiền học bổng ít ỏi của sinh viên để mua quần áo gửi về cho cháu, khiến tôi hết sức cảm động, và cả cuộc đời không bao giờ quên được”.

Những năm chiến tranh ác liệt, Trường Đại học Tổng hợp đã được sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tuy là trong cùng một tỉnh, nhưng muốn lên thăm em gái, chồng tôi đều phải đạp xe đạp từ Thành phố Thái Nguyên vượt qua hơn 30 cây số đường miền núi khó đi. Có những hôm, bà Diện dậy từ tờ mờ sáng, chuẩn bị những nắm cơm, củ khoai cho chồng mang lên thăm em.

Nhìn chúng tôi – những phóng viên trẻ đang tuổi đôi mươi như Phạm Thị Kim Oanh ngày nào, bà Ngô Thị Mai Diện như nghẹn lòng – nỗi nhớ thương em gái chồng với biết bao kỷ niệm ngày xưa về gia đình lại cồn cào ruột gan. Những giọt nước mắt lăn dài trên hai gò má bà nghẹn ngào: “Ngày đoàn nhà báo Thông tấn xã Việt Nam lên đường vào chiến trường, chồng tôi đã về số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, đưa tiễn em gái, cùng bao nhiêu người khác đưa tiễn người thân. Chồng tôi cũng đã thay mẹ dặn dò cô Oanh: Phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, đừng lo gì cho người ở lại…”. Và không ngờ đó cũng là lần gặp gỡ cuối cùng của chồng tôi và em gái.

Nữ nhà báo hết lòng vì nghề đến giây phút cuối cùng

Năm 1972, vừa tốt nghiệp khóa học thì Thông tấn xã Việt Nam vào trường Đại học Tổng hợp tuyển phóng viên. Chị Phạm Thị Kim Oanh đã trúng tuyển. Biết là phải đi chiến trường ngay nhưng chị đã sẵn sàng nhận quyết định. Như mọi thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, chí khí tuổi trẻ luôn thôi thúc con người ta hành động vì mục tiêu cao cả của Tổ Quốc mà không băn khoăn, toan tính. Được tin Oanh đã tốt nghiệp, chuyển sang làm nhà báo và sẽ ra mặt trận trong ngày một ngày hai, cả nhà đều không ai dám ngăn cản vì biết Oanh đã quyết làm việc gì thì khó mà lay chuyển. Khi ấy, mẹ chồng tôi chỉ lựa lời động viên con gái đi cho “chân cứng, đá mềm…”, nhưng đêm đêm bà lại âm thầm khóc một mình vì thương con gái út.

ky uc vun ve nha bao chien truong liet si pham thi kim oanh
Hàng ngày bà Mai Diện hương khói cho Liệt sĩ Phạm Thị Kim Oanh

Vậy mà, chỉ hai tháng sau khi chị Phạm Thị Kim Oanh nhập ngũ làm một phóng viên chiến trường với bao bom đạn ác liệt, gia đình tôi đã nhận được tin dữ. Chị đã hy sinh cùng một số đồng chí khác ngay trên đường hành quân ra mặt trận. Nhưng phải gần đến 5 tháng sau, khi cầm trên tay tấm giấy báo tử của đơn vị xác nhận Liệt sĩ Phạm Thị Kim Oanh hy sinh ngày 2-4-1973 thì gia đình mới có thể tin đó là sự thật.

Chị ra đi ở cái tuổi 24, cái tuổi đẹp nhất của người con gái, cái tuổi đầy nhiệt huyết, căng tràn sự sống. Con người của Liệt sĩ – Nhà báo Phạm Thị Kim Oanh luôn mang tính chiến đấu, là tình yêu cuộc sống, yêu cái tốt đẹp, là lòng yêu thương con người, và lòng tin không gì lay chuyển được ở Đảng, ở Cách mạng.

Chia tay gia đình người thân Liệt sĩ - Nhà báo Phạm Thị Kim Oanh ở phường Đồng Quang TPTN sau những cái bắt tay thật chặt, đó là một cảm giác lâng lâng thật khó tả. Những người làm báo trẻ tuổi vừa bước chân vào nghề như tôi thấy mình cần cố gắng rèn luyện hơn nữa, để có được lý tưởng sống, như lời của một anh hùng “sống sao cho đáng sống” để không phụ công lao của các Anh hùng Liệt sĩ như Liệt sĩ – Nhà báo Phạm Thị Kim Oanh.