Ký EVFTA, nông sản Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ về chất lượng
Đẩy mạnh xuất khẩu thanh long ra thị trường thế giới. (Ảnh: TTXVN) |
Tuy nhiên, bên cạnh ưu đãi về thuế quan, EVFTA cũng đưa ra những điều kiện chặt chẽ, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam khó có thể tận dụng hết các ưu đãi do hiệp định mang lại.
Đây cũng là nội dung được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo: "Nâng cao nhận thức về các điều khoản SPS mới của hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA)", do dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) tổ chức tại Hà Nội sáng 8/11.
Kim ngạch thương mại tăng nhanh
Những năm qua, thương mại Việt Nam-EU liên tục tăng trưởng. Cơ cấu hàng hóa giao thương đan xen, nhưng nhìn chung, Việt Nam liên tục xuất siêu, trong đó có mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 3,8 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 2,3 tỷ USD, gấp 6,3 lần năm 2000. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 14,5%/năm.
Đáng chú ý, EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, bao gồm: một số sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao... EU cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan (TRQs) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Về thuế xuất khẩu của Việt Nam, Việt Nam cam kết xoá bỏ hầu hết các loại thuế xuất khẩu đối với hàng hoá xuất sang EU.
Nói về tầm quan trong của hiệp định thương mại Việt Nam-EU, theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, với tính toàn diện, chất lượng cao, phạm vi cam kết rộng, hiệp định có thể có tác động đáng kể đối với kinh tế Việt Nam.
"Một khi EVFTA được ký kết, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng 30-40% và xuất khẩu của EU vào Việt Nam cũng sẽ tăng 20-25%. Đồng thời, hiệp định này cũng trở thành động lực thúc đẩy Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa công cuộc thực hiện cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh," ông Hiếu nói.
Các chuyên gia Mutrap tại hội thảo Nâng cao nhận thức về các điều khoản SPS mới của hiệp định thương mại tự do EVFTA. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Phải kiểm soát chặt chất lượng
Theo các chuyên gia, để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là nông, thủy sản phải đảm bảo các yêu cầu khăt khe nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ.
Thực tế hiện nay, nhiều nông phẩm của Việt Nam chưa có thương hiệu, thậm chí một số sản phẩm xuất khẩu vẫn chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và đã bị trả về thời gian qua là một trong những lưu ý đối với ngành nông nghiệp.
Nói về những tồn tại này, theo ông Nguyễn Tử Cương, chuyên gia dự án EU-Mutrap, nhiều lĩnh vực của Việt Nam vẫn chưa gắn kết trong kiểm soát mối nguy An toàn cho sức khỏe động vật, thực vật và An toàn thực phẩm. Hơn nữa, rất khó kiểm soát theo chuỗi, từ trang trại đến bàn ăn, hoặc từ ao nuối đến bàn ăn.
Do vậy, theo ông Cương, Việt Nam chỉ tận dụng được lợi thế từ hiệp định EVFTA khi hiểu rõ Quy định về đảm bảo an toàn thực vật và kiểm dịch động thực vật (SPS), có hệ thống tổ chức tinh gọn đúng yêu cầu chuyên môn, và minh bạch, tức là mọi quy định đều trên cơ sở đánh giá nguy cơ, không nhằm dựng rào cản thương mại.
"Về lâu dài, Việt Nam nên có một cơ quan dảm nhận nhiệm vụ SPS và cơ quan này có thể trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc trực thuộc Chính phủ nhằm kiểm soát An toàn sức khỏe động thực vật trên cạn và An toàn thực phẩm đối với các sản phẩm này," ông Nguyễn Tử Cương kiến nghị.
Còn theo bà Miriam García Ferrer, Phái đoàn liên mình châu Âu tại Việt Nam, mặc dù việc đàm phán hiệp định thương mại EVFTA đã kết thúc từ cuối năm 2015 nhưng quan trọng hơn là các bên phải hoàn thiện khung pháp lý và đáp ứng các yêu cầu mà hiệp định đưa ra.
"Ở EU, chỉ cần đến một cửa duy nhất và đưa ra yêu cầu chính thức các thủ tục để Ủy ban châu Âu đánh giá các quy định, nếu đáp ứng đầy đủ là có thể phê duyệt ngay và được công bố công khai trên mạng, doanh nghiệp sẽ không mất bất cứ chi phí nào," chuyên gia này đưa ra kinh nghiệm đang được áp dụng tại EU.
Trong khi đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như thúc đẩy nông sản xuất khẩu sang EU, các chuyên gia cũng kiến nghị Nhà nước phải quản lý chặt khâu sản xuất, đảm bảo sản phẩm phải được truy xuất được nguồn gốc khi đưa ra thị trường.
Đồng thời, cần xây dựng được hệ thống xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế, không để xảy ra tình trạng một số đơn vị làm ăn gian dối, ảnh hưởng đến uy tín nông sản của Việt Nam./.