Xuất khẩu nửa đầu năm 2018: Tín hiệu khởi sắc từ nội lực
Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng 6 vừa qua đã cho thấy, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 33,07 tỷ USD, tăng 19,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 80,86 tỷ USD (chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 14,5%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Nhiều lợi thế cho xuất khẩu
Mặc dù trong 6 tháng đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, và kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước, nhưng theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, nhìn chung, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực chủ yếu vẫn thuộc về khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Đặc biệt là một số mặt hàng nông sản tuy lượng xuất khẩu tăng nhưng do giá xuất khẩu bình quân giảm nên kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước.
Vải thiều Việt Nam đã xuất khẩu đi trên 30 quốc gia. |
Đánh giá về tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng qua, ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, sở dĩ tình hình xuất khẩu của Việt Nam liên tục khởi sắc trong năm 2017 và nửa đầu năm 2018 là do từ năm 2017, nền kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc.
Yếu tố thuận lợi hơn cả là những trung tâm kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc và ASEAN đều là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam phát triển ổn định đã tạo thuận lợi lớn cho xuất khẩu của Việt Nam.
“Đến hết quý II/2018, kinh tế Việt Nam liên tục đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Lạm phát, nợ xấu, mặt bằng lãi suất giảm và tỷ giá tương đối ổn định, tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đã góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch hơn cho doanh nghiệp…tất cả những điều đó đã tạo ra kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh”, ông Phương cho biết.
Còn theo phân tích của ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng quản lý vận hành cơ chế một cửa Quốc gia và ASEAN (Tổng cục Hải quan), tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh và xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 và nửa đầu 2018.
“Hàng hóa thành phẩm xuất khẩu có tỷ trọng nguyên liệu đầu vào nhập khẩu cao, điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu”, ông Hùng cho biết.
Cân bằng tỷ trọng xuất khẩu
Có thể thấy những đóng góp của khu vực doanh nghiệp FDI vào sự phát triển kinh tế của đất nước, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu… nhưng điều này lại đang làm dấy lên những quan ngại về một nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài.
Giới chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại, khu vực kinh tế trong nước đang ngày càng trở nên yếu thế so với khu vực FDI. Tốc độ tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp FDI sẽ khiến nền kinh tế mất tự chủ và nội lực ngày càng trở nên suy yếu.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nếu nền kinh tế lệ thuộc quá lớn mà không phát huy nội lực thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển. Đặc biệt là khi nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển cũng như tốc độ tăng trưởng của kinh tế đất nước.
Nói về tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI, ông Phương nhận định, với việc thu hút khoảng 25.000 dự án FDI đang là đóng góp lớn cho Việt Nam về vốn, thiết bị, công nghệ cũng như tạo công ăn việc làm rất lớn. Chính vì hầu hết các doanh nghiệp FDI là xuất khẩu nên khối này đã tác động lớn và tích cực đến nền kinh tế nói chung, trong đó vó việc thúc đẩy xuất khẩu.
Tuy nhiên, để cân bằng cán cân thương mại, thậm chí là xuất siêu bền vững, ông Phương khuyến nghị, Việt Nam cần phải xây dựng được ngành công nghiệp hỗ trợ giúp Việt Nam giảm nhập khẩu.
Cụ thể là, các doanh nghiệp trong nước phải giảm nhập siêu và sử dụng các nguyên phụ liệu, linh phụ kiện trong nước. Muốn vậy, ngoài thực sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, cần có chính sách khuyến khích, tạo động lực để doanh nghiệp giảm nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo nhận định của ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế mở được định hướng bởi xuất khẩu, đồng thời có nhiều sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng như nông lâm thủy sản, dệt may, da giày, sản phẩm nhựa...
Nhưng để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ phải đứng trước nhiều thách thức về thông tin thị trường, công tác dự báo cung cầu, những cách thức quản trị cũng như hoạch định chiến lược...
Do đó, ông Vinh khuyến cáo, các doanh nghiệp không nên quá phân vân về thị trường trong nước hay nước ngoài. Khi hai thị trường này luôn được ngăn cách bởi các hàng rào văn hóa, chính trị… sự cạnh tranh của các sản phẩm trong con mắt người tiêu dùng sẽ tạo ra giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, là cơ sở thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu./.