Kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững
Lực lượng quản lý thị trường đã kịp thời tiến hành kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý theo quy định những trường hợp vi phạm nhằm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong năm 2020, lợi dụng tình hình dịch bệnh, một số cửa hàng kinh doanh vật tư y tế trên địa bàn tỉnh đã bán khẩu trang với giá cao gấp 5-10 lần so với bình thường. Bên cạnh đó, các loại nước sát khuẩn kém chất lượng xuất hiện trên thị trường… Qua theo dõi địa bàn và nhận được nguồn tin phản ánh của nhân dân, lực lượng quản lý thị trường đã kịp thời tiến hành kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý theo quy định những trường hợp vi phạm nhằm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ông Trần Khánh Phương, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, TP Thái Nguyên cho biết: "Các đợt phòng, chống dịch, đơn vị chúng tôi đã kiểm tra, kiểm soát gần 200 lượt hộ kinh doanh, thu và xử phạt đối với việc kinh doanh mặt hàng phòng, chống dịch tăng giá, hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong đợt dịch thứ 3, giá cả của một số mặt hàng khẩu trang, trang thiết bị y tế hầu như giữ ổn định, đủ nguồn hàng cung cấp".

Kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững
Nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã rất chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với đà phát triển hiện nay, các đơn vị, doanh nghiệp xác định kinh doanh trách nhiệm thì tiêu dùng mới bền vững. Trên cơ sở đó, nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã rất chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm… Chị Phạm Thị Ngọc Hà, Quản lý hệ thống Siêu thị Minh Cầu cho hay: "Siêu thị đã sử dụng máy test để thử những sản phẩm trước khi bày bán. Với những sản phẩm có chỉ số không đảm bảo chất lượng thì sẽ được tiêu hủy và thông báo đến nhà cung cấp; với những nhà cung cấp trong vòng 10 ngày và có từ 2 sản phẩm trở lên có vấn đề về chất lượng thì chúng tôi sẽ loại bỏ những nhà cung cấp đó".

Bà Nguyễn Thị Bích Oanh, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Tôi là người đi chợ thường xuyên, nên tôi rất chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm".

Thực tế đã ghi nhận khá nhiều vụ việc liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cũng có khá nhiều phương thức để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Tuy nhiên, để có những giải pháp lâu dài trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người dân cũng cần lưu ý. Ông Tạ Đình Dũng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên khuyến cáo: "Hiện nay, cũng có người tiêu dùng khi mua phải hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng giả sẽ có phản ánh bột phát, bức xúc đưa lên cộng đồng mạng nhưng đó không phải là phương án lâu dài. Phương án lâu dài tổng thể là phải có trao đổi liên hệ với các cơ quan chức năng để kiểm soát chặt chẽ, xử lý để có tính chất răn đe".

Chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng năm nay là “Kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới”. Việc lựa chọn Ngày Quyền của người tiêu dùng khẳng định tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhằm xây dựng môi trường tiêu dùng văn minh, lành mạnh, tạo động lực phát triển cho nền kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và mỗi địa phương nói riêng./.