Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Nâng cao tiềm lực, khẳng định vị thế
Ứng dụng khoa học công nghệ để đưa ngành du lịch của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại |
Đề tài “Xây dựng hệ thống du lịch thông minh phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Nguyên” được Đại học Thái Nguyên triển khai thực hiện với mục tiêu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để đưa ngành du lịch của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại, góp phần bảo tồn và giữ gìn văn hoá dân tộc, lan toả giá trị văn hoá phi vật thể, lịch sử quê hương. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã tạo kênh liên kết thông tin du lịch giữa du khách, doanh nghiệp và nhà quản lý; quảng bá hình ảnh, văn hoá, lịch sử, sản phẩm đặc trưng và giáo dục lịch sử địa phương tới du khách trong nước và quốc tế.
Thạc sỹ Vũ Thành Vinh, Thư ký Khoa học, Đại học Thái Nguyên cho biết: "Đề tài được triển khai đã mang lại ý nghĩa lớn trong phát triển du lịch của tỉnh, qua đó giúp du khách có được thông tin một cách đầy đủ, hỗ trợ du khách trong việc lập lộ trình tham qua, trải nghiệm."
Từ năm 2016 đến nay, Đại học Thái Nguyên và các Trường Đại học thành viên đã triển khai thực hiện 126 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh |
Từ năm 2016 đến nay, Đại học Thái Nguyên và các Trường Đại học thành viên đã triển khai thực hiện 126 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh của Thái Nguyên, với tổng kinh phí trên 197 tỷ đồng. Nhiều kết quả nghiên cứu là quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi, chế phẩm sinh học... có giá trị, đóng góp thiết thực trong hoạt động KH&CN, thúc đấy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho biết: "Với sức bật của tỉnh Thái Nguyên, các nhà khoa học đã và đang đóng góp chung vào sự phát triển của tỉnh."
Là một trong số ba đơn vị được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ xây dựng thành công Chương trình đảm bảo đo lường đầu tiên trên cả nước. HTX chè Hảo Đạt đã ban hành được Çhương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp - tạo cơ sở để đơn vị có những đột phá trong sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế
Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã Chè Hảo Đạt, TP Thái Nguyên cho biết: "Ứng dụng chuyển đổi số giúp Hợp tác xã giảm được nhân công, giờ làm và tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm, quảng bá hình ảnh chè được rộng rãi hơn."
Theo kết quả tính toán và đánh giá năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của tỉnh Thái Nguyên: tỷ trọng đóng góp của KH&CN đối với tăng trưởng kinh tế của tỉnh ngày càng gia tăng. Nếu như giai đoạn 2011-2015, TFP đạt 35,4%, thì đến giai đoạn 2016 – 2020, TFP đã tăng lên 51,3%, cao hơn so với trung bình chung của cả nước. Đây là minh chứng rõ nét về vai trò cũng như đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển của Thái Nguyên thời gian qua.
TS Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách trong quản lý hoạt động khoa học, công nghệ. Tập trung thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về khoa học, công nghệ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Và tăng cường các hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ nhằm hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm."
Thực tế phát triển là minh chứng rõ nét nhất khẳng định vị thế, vai trò của khoa học và công nghệ trong việc tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định các cơ chế chính sách. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên nền tảng văn hóa Việt Nam sẽ là động lực bền vững cho sự phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao tiềm lực, khẳng định vị thế và sớm hiện thực hoá mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại và thông minh./.