Hiệu trưởng đại học than 100 năm nữa vẫn không thể đạt chuẩn
TS Hoàng Đức Long – Hiệu trưởng trường ĐH Tài chính – Marketing TPHCM đã chia sẻ điều đó với lãnh đạo Thành uỷ TPHCM trong buổi gặp mặt mới đây. Lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ tại TPHCM đồng loạt than rằng vẫn luôn tìm cách nâng chất lượng đào tạo từ đội ngũ giảng viên, chương trình nhưng mỗi việc phát triển cơ sở vật chất thì lại khó vô cùng.
Lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ tại TPHCM than chuyện khó tìm đất mở rộng cơ sở vật chất với Bí thư thành uỷ TPHCM |
TS Hoàng Đức Long cho biết, trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM là 1 trong 15 trường được giao thí điểm tự chủ từ năm 2015, đến nay khẳng định cơ chế tự chủ là con đường đi đúng hướng trong đổi mới đào tạo và quản trị ĐH ở Việt Nam. Hơn một năm thực hiện, nguồn thu nhà trường tăng, số sinh viên vào học tăng lên, đời sống thu nhập cán bộ giảng viên tăng lên. Trích lại cho thu hàng năm thừa để chi cho các đối tượng chính sách sinh viên nghèo, con em gia đình chính sách...
Tuy nhiên ông Long cũng cho biết vẫn có vô vàng khó khăn khi đến nay nhà nước chưa đánh giá lại việc thí điểm tự chủ này.
“Giao tự chủ toàn phần 100% kể cả chi thường xuyên lẫn chi đầu tư nhưng thực tế trong trường tôi có 450-460 cán bộ giảng viên, viên chức nhưng khi ngồi tính rằng đến 100 năm sau tích luỹ được mới có thể mua được 5-10ha đất nếu giá hiện tại.
Nếu không có cơ chế thì các trường tự chủ sẽ không bao giờ đạt chuẩn của một trường ĐH. Nói hơi thái quá, cả nước cũng gần như không thể có một trường ĐH đúng chuẩn và đối với các trường tự chủ lại càng khó khăn hơn. Chúng tôi rất mong nhà nước tháo gỡ sao cho cơ chế thông thoáng chứ không cần nhà nước cấp tiền”, ông Long chia sẻ.
TS Thái Bá Cần đề xuất thành phố nên có dự án mới để cho các trường ĐH đang thiếu đất có thêm diện tích đất sử dụng |
Theo ông Long, trường được tự chủ, thu học phí cao nên đòi hỏi phải nâng cao chất lượng để được xã hội thừa nhận gửi con em vào học. Dù trường luôn nỗ lực phấn đấu để vươn lên để cạnh tranh với các cơ sở giáo dục ĐH khác nhưng cái khó ở chỗ theo quy định của pháp luật hiện tại khi tự chủ không quy mô đất, cơ sở vật chất thì không được vay để mua đất. Ông Long mong thành phố hỗ trợ chính sách vay ưu đãi để đầu tư xây dựng cơ bản với lãi suất thấp trong thời gian dài để các trường phát triển vươn lên.
TS Lê Xuân Lâm - Phó hiệu trưởng CĐ Kỹ thuật Cao Thắng chia sẻ, con đường đi tìm đất để mở rộng cơ sở vật chất cho trường không đơn giản chút nào. “Chúng tôi tự đi tìm riêng cũng không được. Năm 2014, trường xin thành phố bố trí đất tại khu ĐH tập trung ở xã Long Thới (huyện Nhà Bè) và được đồng ý cho 10 ha. Ban đầu có 10 trường đăng ký đất ở khu này nhưng sau đó rút dần. Trường chúng tôi đề xuất được chủ động tự lo kinh phí bồi thường, giải toả và làm đề án báo cáo cơ quan chủ quản nhưng tới nay vẫn chưa có phương án.
Sau đó trường liên hệ Ban quản lý khu Nam xin 5 ha đất nhưng đầu năm nay, được báo giá là 70 tỷ đồng/ha. Ban đầu trường dự tính số tiền tự tích luỹ là 200 tỷ đồng để giải toả cơ sở hạ tầng cho 10 ha nhưng với giá đất vừa được thông báo thì 5 ha chúng tôi cũng không đủ tiền mua. Trước đó chúng tôi cũng xin đất ở Củ Chi, nhưng đến nay cũng chỉ đăng ký cho vui chứ không có cơ hội”, ông Lâm kể.
Bí thư Thăng đề nghị khẩn trương giải phóng mặt bằng sạch giao cho các trường |
Theo ông Lâm, nhà trường đã làm tất cả chuẩn bị cho việc đảm bảo chất lượng nhiều năm nay, nhưng quỹ đất lại rất khó khăn. Trường chuẩn bị tiền lấy đất rồi với giá cũ thì mua được 10 ha nhưng giá mới thông qua công ty đầu tư cơ sở hạ tầng thì lại vượt quá khá năng của trường. Đề nghị thành phố cho nhà trường đi trước tự đầu tư cơ sở hạ tầng.
Trong khi đó, ông Bùi Quang Độ - Chủ tịch HĐQT trường ĐH Văn Lang cũng chia sẻ hành trình nhiêu khê để có đất sạch mở rộng cơ sở vật chất. “Năm 1998, thành phố quy hoạch cấp đất cho trường chúng tôi ở Gò Vấp, lúc đấy tôi 50 tuổi nay tôi đã 72 tuổi rồi mới giải phóng xong mặt bằng”, ông Độ nói.
Theo lãnh đạo trường Văn Lang, thành phố có chính sách nhưng vấn đề là chính sách được thực thi như thế nào. Đi đâu ai cũng nhiệt tình nhưng cấp dưới chỉ lên cấp trên rồi ngược lại, rốt cuộc không biết nơi nào giải quyết. Ông Độ kiến nghị “Bí thư Thăng nghiên cứu như thế nào về cách thực thi. Giao đất sạch thì ai giao, giao như thế nào? Tại sao thành phố không quy hoạch một khu và giao cho các trường”.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng "cầu cứu" Bí thư Thăng giúp giải bài toán 5 đời hiệu trưởng chưa giải được |
PGS.TS Thái Bá Cần- Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng cho rằng “Thành phố đã nhiều lần bàn về đất đai cho các trường ĐH nhưng vẫn chưa ra. Các trường tự đi tìm, tự xác định vị trí , có trường định vị mười mấy năm nhưng vẫn không có. Tôi nghĩ nếu có quyết tâm, thành phố sẽ có những quyết sách mạnh mẽ hơn để ngoài khu ĐHQG nên có dự án mới để cho các trường ĐH đang thiếu đất có thêm diện tích đất sử dụng như các khu công nghiệp hiện nay.
Tháo gỡ những vướng mắc của nhiều trường, Bí thư thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng đề nghị thành phố phải sớm công khai các quy hoạch. Những khu đất ở xã Long Thới, huyện Nhà Bè (151 ha), xã Long Phước (102 ha) cần phải khẩn trương giải phóng mặt bằng sạch giao cho các trường.
“Thành phố phải hỗ trợ các trường vấn đề này vì nó vừa đám ứng nhu cầu đào tạo của các trường nhưng đồng thời giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông hiện nay ở trung tâm thành phố. Một trong các giải pháp mà Chỉ thị 18 của Ban bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết 88 của Chính phủ là sớm di dời các trường ĐH, CĐ ra vùng ven. UBND phải có chủ trương để có đất sạch cho các trường di dời, sau đó lấy nguồn từ đất ở trung tâm để hỗ trợ di dời. Ngoài hỗ trợ về tiền thì cũng phải hỗ trợ các trường thời gian cũng như cần công khai quỹ cho vay để hỗ trợ các trường di dời”, ông Thăng nhấn mạnh.
Nhờ Bí thư Thăng giải bài toán khó Dịp này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng- Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng “cầu cứu” Bí thư Đinh La Thăng một vấn đề mà 5 đời hiệu trưởng trường vẫn không giải được. “ Một hộ dân chiếm 2000m2 đất của trường, qua 5 đời hiệu trưởng đã có 20 đơn gửi lên thành phố nhưng không ai giải quyết”. |