Góp phần phát triển ngành chè bền vững
Các sản phẩm trà của Hợp tác xã Trà Sơn Dung

Năm 2019, Hợp tác xã Trà Sơn Dung được thành lập với 14 thành viên. Trước đây, sản phầm chè của các thành viên hợp tác xã chưa được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Vietgap. Đến nay, hợp tác xã đã có gần 50 hộ liên kết cung cấp chè nguyên liệu theo tiêu chuẩn chè an toàn tại các xã thuộc vùng chè đặc sản Tân Cương; sản xuất, chế biến, tiêu thụ mỗi năm từ 100 - 200 tấn chè khô cung cấp thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, vừa qua, 3 sản phầm trà của hợp tác xã đã được giải thưởng OCOP 4 sao.

Chị Nguyễn Thị Như Trang, Giám đốc HTX Trà Sơn Dung, thành phố Thái Nguyên chia sẻ: “Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ cho chúng tôi không chỉ về vốn đầu tư mà còn tạo điều kiện cho HTX nhiều cơ hội để quảng bá sản phẩm của mình với bạn bè ở trong nước và quốc tế.”

Góp phần phát triển ngành chè bền vững
Anh Bùi Tiến Yên giới thiệu các sản phẩm trà của HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên

Bằng sự quyết tâm, anh Bùi Tiến Yên ở xã Tân Cương, TP Thái Nguyên đã cùng bà con xã viên từng bước vượt khó, thay đổi thói quen trồng và chế biến chè theo cách truyền thống để xây dựng thương hiệu chè. Tháng 9 vừa qua, anh Yên đã quyết định đứng ra thành lập HTX với 10 thành viên. Tận dụng những lợi thế sẵn có, cùng với sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh về nguồn vốn và kỹ thuật, HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên đang hướng đến xây dựng sản phầm chè OCOP gắn với du lịch cộng đồng.

Anh Yên chia sẻ: “Chúng tôi thành lập HTX và vào Liên minh HTX tỉnh với mong muốn đưa HTX tiếp cận với nhiều chính sách của nhà nước và Liên minh HTX để phát triển xa hơn nữa.”

Hiện toàn tỉnh Thái Nguyên có trên 100 hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh chè với gần 200 chuỗi liên kết sản xuất chè bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Với sự đoàn kết, nỗ lực của các hợp tác xã chè trên địa bàn tỉnh, Thái Nguyên sẽ ngày càng khẳng định được thương hiệu “ Đệ nhất danh trà”, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân và gia tăng giá trị xuất khẩu của địa phương./.