Giá dầu thế giới

Tuần trước, cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn Brent và WTI đều trải nghiệm thêm 1 tuần tăng giá với dầu Brent tăng 2,8%, dầu WTI “bỏ túi” 1,8%.

Giá xăng dầu chào tuần mới trong sắc đỏ. Ảnh minh họa: Oilprice

Giá dầu tiếp tục biến động trong từng phiên giao dịch của tuần. Có những phiên giá dầu tăng bởi kỳ vọng nhu cầu tăng từ Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, nhưng đến cuối phiên, giá dầu lại giảm do lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế ở Mỹ.

Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu đã tăng 3 phiên và giảm 2 phiên. Đóng góp lớn vào sự tăng giá của tuần trước là triển vọng phục hồi nhu cầu tại Trung Quốc. Kế đến là kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm chuyển sang các đợt tăng lãi suất nhỏ hơn.

Nhiều quan chức Mỹ cho rằng, Fed sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp vào cuối tháng này thay vì mức tăng 50 điểm cơ bản ở lần gần đây nhất và 75 điểm cơ bản liên tiếp ở 4 lần trước đó.

Cũng trong tuần trước, OPEC và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã đưa ra dự báo thị trường.

OPEC cho biết nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ tăng trở lại trong năm nay do việc nới lỏng các biện pháp kiềm chế dịch Covid-19 của quốc gia Đông Á này và sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Có cùng quan điểm, IEA cho biết việc Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế dịch Covid-19 sẽ đưa nhu cầu toàn cầu lên mức cao kỷ lục trong năm nay.

Tuần trước, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy các kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước nữa tăng 8,4 triệu thùng, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6-2021.

Theo Charu Chanana, chiến lược gia thị trường tại Saxo Capital Markets, kỳ vọng nhu cầu của Trung Quốc tăng sẽ tiếp tục đẩy giá dầu leo dốc.

Số liệu mới về nhu cầu của Trung Quốc cho thấy nhu cầu dầu của nước này đã tăng gần 1 triệu thùng/ngày trong tháng 11-2022 lên 15,41 triệu thùng/ngày - mức cao nhất kể từ tháng 2-2022. Nếu nhu cầu tăng mạnh này của Trung Quốc thành hiện thực, nó sẽ khiến nguồn cung của thị trường dầu mỏ bị thắt chặt, và kết quả là giá dầu tăng.

Giá xăng dầu tuần này liệu có đảo chiều tăng của hai tuần trước đó? Ảnh minh họa: Reuters

Trong một diễn biến khác, các quan chức thuộc G7 đã đồng ý xem xét lại mức trần giá đối với xuất khẩu dầu của Nga vào tháng 3, muộn hơn so với kế hoạch ban đầu (tháng 2), để có thời gian đánh giá thị trường sau khi thực hiện trần giá đối với sản phẩm tinh chế của Nga và nghe báo cáo tóm tắt về đánh giá kỹ thuật của EU về trần giá đối với dầu thô.

G-7, Liên minh châu Âu (EU) và Australia đã đồng ý vào ngày 5-12 cấm sử dụng bảo hiểm hàng hải, tài chính và môi giới do phương Tây cung cấp đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga có giá trên 60 USD/thùng.

Liên minh cũng có kế hoạch đặt hai mức giá trần đối với các sản phẩm dầu của Nga, một cho các sản phẩm được giao dịch ở mức cao hơn so với dầu thô, chẳng hạn như dầu diesel hoặc dầu khí, và một cho các sản phẩm được giao dịch ở mức chiết khấu so với dầu thô, chẳng hạn như dầu nhiên liệu.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 23-1 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 21.352 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 22.155 đồng/lít; dầu diesel không quá 22.634 đồng/lít; dầu hỏa không quá 21.809 đồng/lít và dầu mazut không quá 13.633 đồng/kg.

MAI HƯƠNG