G20 thảo luận nóng các mối căng thẳng thương mại với Mỹ
Trong 2 ngày cuối tuần qua (21-22/7), Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) lần thứ 3 trong năm nay đã diễn ra tại thủ đô Buenos Aires của Argentina, với trọng tâm thảo luận là các thách thức đối với sự tăng trưởng toàn cầu.
G20 kêu gọi đối thoại giải quyết căng thẳng thương mại. Ảnh: Reuters |
Sau các phiên thảo luận, G20 thừa nhận, các bên vẫn còn nhiều quan điểm khác biệt về căng thẳng thương mại hiện nay, đồng thời kêu gọi các nước tăng cường đối thoại để giải quyết những căng thẳng này.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng G20 diễn ra trong bối cảnh nguy cơ về một cuộc chiến tranh thương mại có thể xảy ra khi những căng thẳng thương mại toàn cầu đang leo thang, xuất phát từ các chính sách được cho là bảo hộ thương mại từ phía Mỹ. Hầu hết đại diện các nước tham dự hội nghị đều bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng giữa Mỹ và các nước trên thế giới, đặc biệt là với Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
Sau các phiên thảo luận của hội nghị, Ủy viên cấp cao Liên minh châu Âu về các vấn đề kinh tế Pierre Moscovici cho biết, các quan điểm khác biệt về căng thẳng thương mại hiện nay giữa các nước vẫn tồn tại và điều này có nguy cơ đẩy sự leo thang căng thẳng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, hội nghị sẽ là bước đầu tiên để các bên lắng nghe các quan điểm của nhau.
“Tôi thấy rằng, hội nghị đã diễn ra trong bầu không khí “không căng thẳng” và mọi lập luận của các bên đều đã được nêu ra. Chúng ta đang lắng nghe lẫn nhau. Và tôi hy vọng, đây là một sự khởi đầu của một điều gì đó tốt đẹp. Tất nhiên, vẫn còn những quan điểm khác biệt”, ông Pierre Moscovici nói.
Theo Đại diện của Hội đồng châu Âu tại G20 Hubert Fuchs, Liên minh châu Âu và Mỹ cần bước vào các cuộc đàm phán để giải quyết căng thẳng thương mại mà không nêu ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào: “Như tôi đã trình bày, 28 nước thành viên EU, bao gồm cả Đức và Pháp, chúng ta không nên nêu ra điều kiện tiên quyết nào cho các cuộc đàm phán. Nó phải là các cuộc đàm phán hiệu quả”.
Tuyên bố của ông Hubert Fuchs nhằm phản bác ý kiến của Bộ trưởng Tài chính Pháp Hubert Le Maire đưa ra trước đó khi cho rằng, Mỹ nên giảm mức thuế áp đặt trước khi bước vào các cuộc đàm phán.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định, việc áp thuế mới đây của Mỹ đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ một nước không phải là hành động bảo hộ thương mại, và điều này xuất phát từ mong muốn thương mại tự do và công bằng hơn cho nước Mỹ.
Trước những căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới sự tăng trưởng toàn cầu, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng G20 đã kêu gọi các nước tăng cường đối thoại để thu hẹp sự khác biệt và giải quyết các căng thẳng.
Theo các Bộ trưởng G20, dù các nền kinh tế mới nổi đã chuẩn bị tốt hơn để điều chỉnh trước các cú sốc bên ngoài, song các nước này vẫn đang đối mặt với những thách thức từ sự bấp bênh của thị trường và sự đảo lộn của dòng vốn. Trong vòng một thập kỷ qua, nền kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng tốt và tỷ lệ thất nghiệp đã duy trì ở mức thấp, tuy nhiên, mức tăng trưởng ít đồng bộ hơn trong thời gian gần đây giữa các nền kinh tế lớn và nguy cơ tăng trưởng sẽ giảm sút trong thời gian trung và ngắn hạn.
Những nguy cơ này bao gồm các lỗ hổng tài chính, căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng, mất cân đối toàn cầu, bất bình đẳng, cấu trúc tăng trưởng yếu, đặc biệt ở một số nền kinh tế phát triển.
Ngoài việc nhấn mạnh việc cải cách cơ cấu là cần thiết để tăng cường khả năng tăng trưởng của các nền kinh tế, các Bộ trưởng G20 tái khẳng định các cam kết từ hội nghị cấp bộ trưởng tài chính G20 diễn ra tháng 3 vừa qua, nhằm hạn chế sự phá giá cạnh tranh có thể có tác động bất lợi đến sự ổn định tài chính toàn cầu, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của các hiệp định thương mại đa phương.
Dự kiến, những căng thẳng và khác biệt về thương mại sẽ được tiếp tục thảo luận tại hội nghị Thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 11 tới./.