G20 muốn đánh thuế kỹ thuật số vào các “đại gia” như Google, Facebook
Tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Fukuoka (Nhật Bản), các quan chức tài chính hàng đầu của nhóm G20 đã nhất trí tìm một hệ thống toàn cầu để thu thuế các nền tảng trực tuyến lớn, như Google, Facebook, Amazon, Apple..., tuy nhiên hiện tại vẫn chưa thống nhất được cách tốt nhất để làm việc này.
Các nhà lãnh đạo G20 nhất trí rằng cần phải có một cách tiếp cận toàn cầu để đánh thuế các doanh nghiệp internet lớn. (Ảnh minh hoạ: Reuters) |
G20 đã trao nhiệm vụ cho Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) xây dựng lộ trình thay đổi hệ thống thuế toàn cầu, vốn đang tạo điều kiện cho các hãng công nghệ lớn hưởng lợi từ mức thuế thấp tại một số quốc gia.
Tổng Thư ký OECD Angel Gurria đã trình lên hội nghị G20 một lộ trình, đã được 129 nước ký kết, nhằm đạt được giải pháp lâu dài vào năm 2020.
Các Bộ trưởng G20 đang cân nhắc một chính sách thuế mới dựa trên số lượng doanh nghiệp mà một công ty sở hữu tại một quốc gia, chứ không phải nơi có trụ sở chính.
Nhiều "đại gia" internet được cho rằng đang hưởng lợi bởi các chính sách thuế hiện tại. (Ảnh minh hoạ: KT) |
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire kêu gọi thế giới cần nhanh chóng có biện pháp thu thuế, đồng thời kêu gọi thiết lập một khung thời gian tham vọng hơn nhằm thúc đẩy sự đồng thuận toàn cầu vào cuối năm nay.
Theo đánh giá của Bộ trưởng tài chính Anh Philip Hammond, việc đánh thuế các "đại gia" internet một cách công bằng là cách giải quyết điều mà người dân đang đánh giá là "một sự bất công rõ ràng".
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thể hiện cái nhìn thẳng thắn về các chính sách hiện nay ở Anh và Pháp, nơi đã áp dụng mức thuế của riêng họ đối với "người chơi" kỹ thuật số, vì thiếu sự đồng thuận toàn cầu.
Trong khi vẫn còn những khác biệt về cách thức cải cách thuế kỹ thuật số, các nhà hoạch định chính sách đã đồng ý rằng cần phải có một cách tiếp cận toàn cầu để đánh thuế các doanh nghiệp internet lớn. Ông Mnuchin đồng ý rằng "một cách tiếp cận thuế phân mảnh là không tốt cho bất kỳ nước nào".
Hội nghị Bộ trưởng tài chính G20 kiến diễn ra trong hai ngày 8-9/6/2019 tại thành phố Fukuoka, Nhật Bản. Hội nghị tập trung thảo luận vào chủ đề tác động của xung đột thương mại toàn cầu đang gia tăng đối với triển vọng kinh tế ngày càng mong manh.
G20 hiện gồm các thành viên: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Liên hiệp châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Argentina, Australia, Brazil, Canada, Indonesia, Italy, Japan, Mexico, Saudi Arabia, và Nam Phi./.