Trong đêm 20/2 vừa qua, các thiết bị đầu máy, toa xe của đoàn tàu điện đầu tiên trong tổng số 13 đoàn tàu thuộc Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đã được vận chuyển và lắp đặt an toàn lên tuyến đường sắt trên cao, một phầm đảm bảo đáp ứng đúng tiến độ hoàn thành và khai thác dự án vào quý III/2017 như Bộ Giao thông vận tải đã đề ra.

Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông được khởi công từ tháng 11/2011 có tổng chiều dài chính tuyến 13,5km sử dụng khổ đường 1.435 mm với 12 nhà ga trên cao. Đây là tuyến đường sắt đô thị trên cao đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam đảm bảo công tác vận tải hành khách công cộng, giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông do mật độ phương tiện giao thông cá nhân quá lớn trong khu vực nội đô.

duong sat do thi cat linh ha dong khong the cham hon duoc nua

Toa tàu đầu tiên của tuyến Cát Linh - Hà Đông đã được đưa lên đường ray trên cao.

Theo dự kiến ban đầu, Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông phải hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại từ tháng 12/2015, nhưng báo cáo của Ban Quản lý Dự án thời điểm hiện tại cho thấy, khối lượng xây lắp của dự án đã hoàn thành 90%, trong đó phần hạ tầng chạy tàu cơ bản hoàn thành, công tác xây lắp, trang trí hoàn thiện trong quý I/2017. Như vậy, nếu tính từ khi khởi động dự án (năm 2008) và dự kiến hoàn thành vào năm 2013 thì dự án này đã chậm tiến độ gần 4 năm.

Trong nhiều năm qua, Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông luôn là tâm điểm chú ý của dư luận bởi sự chậm trễ trong tiến độ thi công, mất an toàn lao động trên công trường cũng như việc đội vốn “khủng” đối với một dự án giao thông đô thị.

Là một dự án của Bộ Giao thông vận tải được đầu tư từ nguồn vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, do có những vướng mắc về thủ tục về tài chính, nhà thầu thi công… nên chỉ tính riêng thời gian từ khi khởi động (2008) đến khi khởi công dự án (2011), dự án đã chậm tiến độ mất gần 2 năm.

Điều đáng nói là trong quá trình thực hiện dự án, nhiều phát sinh về chi phí giải phóng mặt bằng, biến động tỷ giá cũng như thay đổi phương án thiết kế, thi công đã dẫn đến dự án nhiều lần phải điều chỉnh tiến độ cũng như phải tăng tổng mức đầu tư. Việc này cho thấy công tác khảo sát, thiết kế và lập dự án đầu tư, tổ chức thi công vẫn còn có nhiều thiếu sót.

Riêng về nguồn vốn, từ tổng mức vốn đầu tư ban đầu là 552,86 triệu USD (trong đó nguồn vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, còn lại 133,86 triệu USD là vốn đối ứng của Việt Nam), tính đến nay, Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông đã phải điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 315 triệu USD, trong đó riêng phần vốn vay tăng thêm 250,62 triệu USD, nâng tổng mức đầu tư dự án lên trên 868 triệu USD, tương đương gần 19.300 tỷ đồng theo tỷ giá USD/VND thời điểm hiện tại.

Tại kì họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào tháng 11/2015, trả lời chất vấn của một số Đại biểu Quốc hội về việc đội vốn tại Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, ông Đinh La Thăng khi đó là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã chỉ rõ, dự án phải tăng tổng vốn đầu tư so với ban đầu là do thay đổi phương án nhà ga tăng từ 2 tầng lên 3 tầng do không giải phóng được mặt bằng. Vốn đầu tư của dự án cũng tăng do bổ sung hạng mục xử lý các nền đất yếu khu Depo; Bổ sung hạng mục đường tránh Quốc lộ 6.

Cùng với đó, chi phí còn tăng thêm do việc điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ vỏ tàu thép chịu khí hậu nhiệt đới sang vỏ tàu inox để giảm chi phí phát sinh khi phải sơn bảo dưỡng vỏ tàu thường xuyên.

Ngoài ra còn hàng loạt nguyên nhân khác làm phát sinh cho phí cho dự án như việc bổ sung chi phí cho đào tạo, chuyển giao công nghệ; thay đổi vị trí lao dầm và quá trình nghiệm thu thiết bị đoàn tàu, thử nghiệm vận hành; kinh phí giải phóng mặt bằng bao gồm cả cho phí di dời hạ tầng kỹ thuật thay đổi cũng như do trượt giá.

Theo kế hoạch, chỉ còn vài tháng nữa Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ phải hoàn thành, tuy nhiên, khi trao đổi về tiến độ giải ngân nguồn vốn cho những hạng mục còn lại của dự án, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, năm 2016, Ban Quản lý dự án đã chỉ đạo thực hiện hoàn thành cơ bản kết cấu chính hạ tầng chạy tàu với tiến độ tốt, sản lượng thực hiện cao và đã giải ngân hết kế hoạch vốn vay nước ngoài năm 2016 bố trí cho dự án.

Đây cũng là một khó khăn cho dự án, khi giá trị khối lượng thực hiện vượt kế hoạch vốn bố trí, đặc biệt giai đoạn đang hoàn thiện công trình đòi hỏi dòng tiền liên tục và đều đặn. Ban QLDA Đường sắt vẫn đang phải chờ nguồn vốn bố trí kế hoạch năm 2017 để giải ngân tiếp sản lượng đã thực hiện thực hiện năm 2016.

Đối với nguồn vốn vay bổ sung cho dự án từ phía Trung Quốc khoảng 250,62 triệu USD, đại diện Ban Quản lý dự án cho biết, hiện vẫn đang cùng với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính làm việc với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) để thống nhất các điều khoản chi tiết để sớm ký kết Hiệp định vay./.