Doanh nghiệp trong nước làm gì để giữ thị trường bán lẻ?
Sau 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), Việt Nam đã mở cửa thị trường bán lẻ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội cọ xát, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt đang yếu thế trên sân nhà.
Theo khảo sát mới đây của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích hàng ngoại có xu hướng gia tăng. Vì vậy, các doanh nghiệp rất cần phải chủ động để chiếm lĩnh thị trường bán lẻ trong nước
Nhiều thương hiệu ngoại đang chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT) |
Chị Hồ Thị Tâm đi siêu thị Mega Market (trước đây là siêu thị Metro), quận 2 mua đồ nhựa gia dụng. Tại đây, trên quầy kệ, có nhiều sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao như đồ nhựa của Duy Tân, Đại Đồng Tiến… nhưng cũng có rất nhiều đồ nhựa của Thái Lan. Đáng nói là đồ nhựa của Thái Lan mẫu mã, màu sắc khá bắt mắt và nhiều tiện ích hơn, giá tiền chênh lệch không nhiều với hàng Việt.
“Trước giờ tôi vẫn mua đồ nhựa của Việt Nam vì dùng rất tốt. Giờ tôi thấy hàng Thái Lan có nhiều mẫu mã, nhiều tiện ích, chẳng hạn như khay đựng trái cây, đồ quay ly tâm rau, trái cây rất tiện tích, khi quay nó ráo nước, bảo quản tốt, trong khi đó hàng của Việt Nam lại không có sản phẩm này”, chị Tâm cho biết.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chất lượng hàng Việt nhiều sản phẩm không thua kém hàng các nước trong khu vực. Tuy nhiên, khâu nghiên cứu đón đầu nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng nhiều khi không bắt kịp xu hướng của thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài làm khá tốt khâu này, vì vậy, sản phẩm của họ được người tiêu dùng ưa chọn.
Nếu dạo một vòng các siêu thị Lotte, Aeon, Big C và Mega Market ở TPHCM, hàng ngoại luôn chiếm chiếm ưu thế. Hàng hóa trong các siêu thị này, phần lớn là của doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Malaysia…
Điều đáng nói là hàng Việt bị cạnh tranh không chỉ ở những sản phẩm công nghệ cao, mà ngay cả hàng tiêu dùng trong gia đình như lương thực, thực phẩm chế biến đến gia vị, nước chấm, nước rửa chén…
Hiện nay, các kênh bán lẻ ở TP HCM như Sài Gòn Co.op, Satra đã tạo điều kiện cho hàng hóa của các doanh nghiệp Việt. Sài Gòn Co.op hiện đã phát triển được 12 cửa hàng tạp hóa hiện đại (Co.opSmile) và trong năm nay sẽ phát triển lên 200 cửa hàng. Tuy nhiên, so với các kênh bán lẻ của các siêu thị nước ngoài, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước rất khó chen chân.
Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing SàiGòn –Co.op cho biết: “Với mô hình cửa hàng tạp hóa hiện đại của Co.op Smile, tỷ lệ hàng Việt sẽ tăng cao hơn nữa. Cửa hàng tập trung kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, là ngành hàng thế mặnh của doanh nghiệp Việt nên SàiGòn –Co.op tiếp tục đẩy mạnh phân phối hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng”.
Để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, TP HCM sẽ hỗ trợ về vốn, xúc tiến thương mại, cải cách thủ tục hành chính, quy hoạch lại mạng lưới phát triển các loại hình bán lẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, Sở Công Thương sẽ làm việc với các doanh nghiệp phân phối chủ lực của thành phố, đề xuất các giải pháp phát triển hệ thống phân phối nội địa.
“Sở vận động các doanh nghiệp Việt Nam liên kết lại với nhau theo mô hình liên kết dọc và liên kết ngang. Các doanh nghiệp cần phải làm thể nào đó để hình thành nên chuỗi cung ứng từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Hòa cho hay.
Để hàng Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam phải liên tục đổi mới, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước./.