doan dai bieu quoc hoi tinh thai nguyen thao luan to tai ky hop thu 2 quoc hoi khoa xiv sang
Toàn cảnh thảo luận tổ

Thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, nhiều ý kiến của Đại biểu Quốc hội đánh giá: bên cạnh những khó khăn nội tại từ trước, kinh tế - xã hội và môi trường trong nước gặp phải những thách thức lớn nhưng nhìn tổng thể tình hình năm 2016 đã có chuyển biến đúng hướng, tăng trưởng kinh tế vẫn khá cao so với các nước trong khu vực; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 5%. Chính phủ đã có thông điệp rõ ràng, phản ứng nhanh trước các vấn đề bức xúc của xã hội, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, “cởi trói” cho doanh nghiệp; thu hút đầu tư FDI tăng; số doanh nghiệp đăng ký mới, doanh nghiệp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng cao hơn cùng kỳ. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đạt nhiều kết quả tích cực.

Cơ bản nhất trí với Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ trình Quốc hội, trong phiên thảo luận tại tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã tham gia nhiều ý kiến quan trọng, xác đáng vào các báo cáo, tờ trình của Chính phủ. Trong đó Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương cần tập trung giải pháp và có lộ trình cụ thể thực hiện việc giải quyết chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ. Các đại biểu tỉnh Thái Nguyên cho rằng đây không phải là vấn đề của mỗi địa phương mà là mối quan tâm chung của cử tri cả nước.

Một trong những nội dung khác cũng được Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tham gia thảo luận đó là vấn đề tập trung nguồn lực cho đầu tư xây dựng nông thôn mới. Đại biểu Đoàn Thị Hảo, đoàn tỉnh Thái Nguyên cho rằng đối với các địa phương vùng núi, vùng sâu, vùng xa hiện nay, việc huy động sức dân trong đối ứng xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giai thông nông thôn đang gặp nhiều khó khăn, điều này nếu không có biện pháp giải quyết một cách phù hợp sẽ dẫn đến việc khó hoàn thành đúng thời hạn chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới mà mỗi địa phương đã đặt ra.

Đánh giá về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng ít có sự chuyển biến; tốc độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm, trong đó có nguyên nhân là chưa có sự vào cuộc quyết liệt của một số Bộ, ngành, chưa xác định trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp... Đại biểu đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước giai đoạn 2005 - 2015. Cho rằng việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng còn nhiều vướng mắc, hoạt động quản lý rủi ro, quản trị điều hành tại một số tổ chức tín dụng còn yếu kém...

Qua thảo luận, nhiều ý kiến thể hiện sự tán thành với những giải pháp được Chính phủ đề ra trong thực hiện nhiệm vụ năm 2017, trong đó nhấn mạnh tới ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống cho người dân; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên. Đây không chỉ là vấn đề cử tri cả nước đang quan tâm mà đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ cần tập trung giải pháp thiết thực để triển khai tổ chức thực hiện một cách hiệu quả trong thời gian tới.