Dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại khoảng 3.600 tỷ đồng
Theo số liệu cập nhật mới nhất của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 52 tỉnh, thành phố, ở 3.536 xã ở 342 huyện. Đến ngày 3/6, tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,2 triệu con với trọng lượng gần 130.000 tấn.
Thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng, bao gồm chi phí hỗ trợ lợn tiêu hủy, chi phí mua hóa chất sát trùng, chi phí hỗ trợ tiêu hủy...
Dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại khoảng 3.600 tỷ đồng. |
Liên quan đến chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, tại cuộc họp với các địa phương, bộ ngành về vấn đề này ngày 4/6, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi đưa ra hai phương án.
Phương án 1 (đang thực hiện theo Nghị quyết 16 của Chính phủ) hỗ trợ phân theo đối tượng lợn con, lợn thịt các loại; lợn nái, lợn đực giống đang khai thác các loại hỗ trợ bằng 80% giá thị trường và hỗ trợ bằng cân.
Ông Dương cũng nêu đề xuất phương án hỗ trợ đối với các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh tối thiểu bằng 30% giá thị trường.
Phương án 2 hỗ trợ theo nhóm lợn, với 5 nhóm: lợn đang theo mẹ, mức hỗ trợ: 250.000 đồng/con; lợn con cai sữa dưới 2 tháng tuổi: mức hỗ trợ 500.000 đồng/con; lợn thịt từ 2 đến 4 tháng tuổi (từ 30-80kg) hỗ trợ 1.500.000 đồng/con; lợn thịt từ 4 tháng tuổi trở lên: 2.500.000 đồng/con; lợn nái đang khai thác: 3.500.000-4.000.000 đồng.
Tuy nhiên, theo ông Dương, với cách tính bằng cân “là công bằng, chính xác nhất”. “Tuy nhiên, với số lượng lợn ít thì dễ thực hiện, nhưng khi trang trại có 1.000 con phải tiêu hủy, ai đi cân hết được 1.000 con lợn trong điều kiện nắng mưa, nhọc nhằn?”- ông Dương nói.
Trong khi đó, cách hỗ trợ theo nhóm lợn (phương án 2) đang được Đồng Nai và một số tỉnh đang áp dụng. Tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cũng đang áp dụng theo phương án này.
Hiện nhiều địa phương cũng đồng tình với mức hỗ trợ theo Nghị quyết số 16 của Chính phủ, là tính bằng cân, mức tối thiểu 80% giá thị trường. Các địa phương căn cứ vào giá thực tế tại địa phương vào thời điểm hỗ trợ để xác nhận mức hỗ trợ cụ thể.
Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nam Định cho biết, đến nay số tiền hỗ trợ phòng chống dịch của tỉnh vào khoảng 450 tỷ đồng trong khi quỹ dự phòng của tỉnh là 100 tỷ đồng.
“Lãnh đạo tỉnh phải phát sốt lên trong đời quản lý tài chính chưa bao giờ nhìn thấy thiệt hại như vậy kể cả bão gió, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh”, bà Nga nói và cho biết Nam Định đã tiêu hủy hơn 178.000 con, chiếm khoảng 30% tổng số đàn toàn tỉnh.
Trong khi đó, các địa phương phản ánh mức hỗ trợ cho lực lượng tham gia tiêu hủy lợn 100.000 đồng/ngày là quá thấp, cần điều chỉnh. Bởi, thực tế, ở nhiều địa phương việc thuê người tiêu hủy lợn đến 300.000-500.000 đồng/ngày còn khó tìm người.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, mức hỗ trợ tối thiếu theo 80% giá thị trường đã được tổng hợp, tính toán từ thực tiễn, trên tinh thần cả Nhà nước và người dân cũng chia sẻ trong phòng chống dịch./.