Cấp đông thịt lợn, giải pháp lâu dài cho dịch tả lợn?
Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan, việc cấp đông thịt lợn nhằm ổn định cung cầu của mặt hàng này được xem là giải pháp hữu hiệu ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, bàn về tính khả thi giải pháp này đang gặp phải một số “điểm nghẽn”.
Không nên chọn giải pháp nhập khẩu
Đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 4.068 xã, 413 huyện của 55/63 tỉnh, thành phố, số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 2,5 triệu con với trọng lượng xấp xỉ 150.000 tấn. Thời gian qua đã có 56 xã thuộc 15 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày. Tuy nhiên sau đó, một số nơi dịch bệnh lại bùng phát trở lại, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung cấp thịt lợn.
Đối với người tiêu dùng Việt, thịt lợn là một trong những sản phẩm tiêu dùng chính. Khi nguồn cung thiếu hụt, người dân có xu hướng chuyển sang các sản phẩm tiêu dùng thay thế khác như thịt bò, thịt trâu, thịt gia cầm và hải sản.
Các chuyên gia nêu giải pháp để đảm bảo nguồn cung thịt lợn lâu dài cần thực hiện chủ trương cấp đông. |
Tuy nhiên, các sản phẩm thay thế kể trên có giá cả tương đối cao nên trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát như hiện nay giải pháp nhập khẩu thịt lợn cũng là một trong những giải pháp để phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của dân. Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho thấy, 4 tháng đầu năm nhập khẩu thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo đạt 23,58 triệu USD, tăng gấp 6,7 lần so với cùng kỳ. Đây là mức tăng kỷ lục sau khi Việt Nam xuất hiện dịch tả heo châu Phi.
Theo khảo sát, việc nhập khẩu thịt lợn trước kia đa số phục vụ cho chế biến công nghiệp, nhưng ở thời điểm hiện tại, nhập khẩu tăng do nhu cầu tiêu dùng tăng. Hiện trên thị trường, nhiều sản phẩm thịt heo từ Mỹ, Ba Lan, Tây Ban Nha, Đức, Hungary, Canada và các thị trường khác có giá khá hấp dẫn, thậm chí thấp hơn hàng Việt.
Mức giá dao động cho các sản phẩm này chỉ 80.000 - 120.000 đồng/kg. Điển hình như sườn heo Canada giá chỉ 90.000 đồng/kg, thấp hơn hàng Việt 40.000 đồng; tim heo, nạc dăm heo Tây Ban Nha giá chỉ bằng một nửa so với hàng Việt.
Không phủ nhận ưu điểm của mặt hàng nhập khẩu này có chất lượng ổn định và giá cả kiểm soát tương đối tốt, tuy nhiên, ông Lưu Đức Khải, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra cảnh báo: “Nhập khẩu không được tính toán sẽ ảnh hưởng trực tiếp đối với thị trường và sản xuất trong nước”.
Ông Lưu Đức Khải phân tích thêm, nhập khẩu tiêu dùng như vậy ảnh hưởng đến cung cầu. Việc tăng nhập khẩu trong thời gian ngắn sẽ làm cho giá cả tăng lên và thực tế nó đã tăng so với thời điểm trước. Mặt khác, nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến cán cân thương mại xuất nhập khẩu trong nước bởi lẽ ngành chăn nuôi lợn vốn dĩ thặng dư thương mại âm, tức là chúng ta đang xuất khẩu ít hơn nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT: “Nhập khẩu đương nhiên là có tác động không tích cực bởi lẽ sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện khó khăn nhất là vấn đề thị trường, vì thế nhập khẩu sẽ mất ngay thị trường, ảnh hưởng không tốt đến người chăn nuôi trong nước”.
Việt Nam là nước nông nghiệp, năng lực ngành chăn nuôi mạnh thịt lợn thiếu thì có giải pháp đắp từ các sản phẩm khác như thịt gia cầm, trứng gia cầm, thịt và sữa gia súc ăn cỏ, hải sản không nên nghĩ đến nhập khẩu. Ngành chăn nuôi khuyến cáo: Chúng ta không hề thiếu thực phẩm, hãy tự cân đối bằng chính khả năng của mình.
Cấp đông thịt lợn, giải pháp lâu dài
Các chuyên gia nêu giải pháp để đảm bảo nguồn cung thịt lợn lâu dài cần thực hiện chủ trương cấp đông. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai với quy mô lớn, trong thời gian cấp bách nên bước đầu không tránh khỏi những khó khăn thách thức cần sự chung tay của Nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp và người dân.
Theo thống kê của Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, hiện nay cả nước có khoảng 14 doanh nghiệp có kho lạnh đủ điều kiện cấp đông. Tuy nhiên, có 5/14 doanh nghiệp đó chuyên xuất khẩu lợn sữa đã từ chối vì chỉ đủ phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, 9 doanh nghiệp còn lại tổng cộng xuất kho cấp đông khoảng 6.000 tấn thịt lợn, hiện đang cấp đông 1.200 tấn. Như vậy, kho lạnh chỉ còn trống đủ chứa 4.800 tấn, con số quá nhỏ so với tổng sản lượng thịt hiện nay.
Ông Lưu Đức Khải phân tích: “Không phải khó mà rất là khó do năng lực cấp đông của Việt Nam còn hạn chế. Kho rỗng cấp đông hiện có đang hạn chế nên chúng ta khó triển khai mạnh và ồ ạt”.
Ngoài ra còn có khó khăn trong hoạt động cấp đông như chi phí lớn, rủi ro cao. Cụ thể chi phí xây kho, chi phí kiểm dịch, vận chuyển chi phí bảo hiểm đối với sản phẩm và doanh nghiệp tham gia bảo hiểm; Kiểm dịch nếu không chặt chẽ nguy cơ lây lan dịch tại các kho chứa cao, tiêu hủy lâu; Người tiêu dùng có đón nhận tiêu thụ sản phẩm và giá cả sẽ tăng cao do lưu kho lâu sẽ đội chi phí.
Ông Lưu Đức Khải cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất cần được giải quyết đó là chính sách phải đủ mạnh, phải thu hút được doanh nghiệp tham gia. Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho rằng: “Có khó mới cần bàn. Chính sách càng cụ thể, càng đơn giản, càng dễ thực hiện, bởi không nhanh sẽ không kịp và mất đi cơ hội”.
Ông Nguyễn Xuân Dương đưa ra giải pháp: “Trước mắt có thể làm được ngay là hỗ trợ với mức 10.000đ/kg và tiền xét nghiệm”.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để người dân thay đổi tư duy và thói quen tiêu dùng đối với sản phẩm thịt đông lạnh. Ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ: “Tại châu Âu, người dân có thói quen dùng thịt đông lạnh và các sản phẩm fastfood. Xu thế này sẽ phát triển ở nước ta trong tương lai”. Chính vì thế cần tuyên truyền để người dân hiểu sản phẩm đông lạnh là sản phẩm đảm bảo dinh dưỡng.
Ông Nguyễn Xuân Dương đưa ra giải pháp ở quy mô nhỏ là người dân cả nước cần chung tay giúp người nông dân tiêu thụ những con lợn sạch. 15 triệu hộ gia đình có tủ lạnh, và nhiều gia đình còn có tủ đông, mỗi nhà thực hiện cấp đông, số lượng còn hơn doanh nghiệp.
Điều mà các chuyên gia quan tâm, cấp đông cần được thực hiện đúng quy trình và kiểm tra giám sát, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp từ khâu giới thiệu nguồn cung cấp an toàn, khâu kiểm dịch và ưu tiên hỗ trợ xả đông an toàn và không gian tiêu thụ để sản phẩm đến được người tiêu dùng. Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, cấp đông sản phẩm thịt lợn là giải pháp lâu dài, bởi lẽ một đất nước sản xuất nông sản lớn như Việt Nam với thời tiết nóng ẩm không phát triển kho lạnh là sai lầm./.